"Đừng tước đi cơ hội của nhiều người muốn làm thẩm định viên về giá!"

Vân Anh | 14:46 25/07/2022

“Dự thảo của Luật Giá sửa đổi đang nỗ lực để nâng cao chất lượng dịch vụ nghề thẩm định giá, hạn chế việc cho thuê/mượn thẻ thẩm định viên về giá. Tuy nhiên những quy định này chỉ mang tính ngắn hạn, chưa thực sự giải quyết những vấn đề cốt lõi để nâng cao chất lượng dịch vụ của nghề thẩm định giá tại Việt Nam”.

"Đừng tước đi cơ hội của nhiều người muốn làm thẩm định viên về giá!"
Lễ trao Thẻ Thẩm định viên về giá khóa 10 (ảnh minh họa)

Đó là nhận định từ TS. Nguyễn Kim Đức - Bộ môn Thẩm định giá Khoa Kinh tế, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh đưa ra trong bài viết của mình.

TS. Nguyễn Kim Đức chỉ ra, dự thảo Luật Giá sửa đổi đang siết chặt đối tượng đủ điều kiện để tham dự kỳ sát hạch cấp thẻ thẩm định viên về giá bằng yêu cầu đối tượng dự thi phải “có thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá từ 36 tháng trở lên”.

Quy định này đã tước đi cơ hội của rất nhiều đối tượng có nhu cầu, đặc biệt là các đối tượng đang làm việc tại ngân hàng, quỹ đầu tư…

Quan trọng hơn, chưa có bằng chứng có ý nghĩa thống kê cho thấy người dự thi là đối tượng có thời gian thực tế làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá sẽ đảm bảo được chất lượng dịch vụ sau khi có thẻ và/hoặc những đối tượng không làm việc tại doanh nghiệp thẩm định giá sẽ có trình độ thấp hơn về chuyên môn liên quan đế nghề thẩm định giá.

TS. Nguyễn Kim Đức đề xuất cân nhắc giữ lại nội dung của Luật Giá hiện hành ở quy định này. Thay vào đó nên tập trung quy định về chất lượng trong khâu thi sát hạch.

Liên quan đến quy định nhằm nâng cao chất lượng ở khâu “những đối tượng là thẩm định viên về giá hành nghề. Theo TS. Nguyễn Kim Đức, dự thảo đang siết chặt đối tượng đủ điều kiện để đăng ký hành nghề như: phải có hợp đồng lao động toàn thời gian và chứng nhận về đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp thẩm định giá hoặc quy định đối tượng bị cấm hành nghề là viên chức…

Đây là những quy định mang tính thủ tục và thường ít được sử dụng cho mục tiêu nâng cao chất lượng. Thực tế, trước diễn biến của trí tuệ nhân tạo (AI), nghề thẩm định giá tại Việt Nam rất cần các chuyên gia, đặc biệt là các chuyên gia đã có thẻ thẩm định viên về giá để thực hiện các hồ sơ phức tạp.

Theo Bộ Luật Lao động hiện hành: “Người lao động có thể giao kết nhiều hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động những phải bảo đảm thực hiện đầy đủ các nội dung giao kết”… Do đó, TS, Nguyễn Kim Đức cho rằng, ở khía cạnh chất lượng thì quy định làm toàn thời gian và đóng bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp chưa phải là những giải pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng dịch vụ nghề thẩm định giá.

Dự thảo nên giữ lại quy định như Luật Giá hiện hành cho phép viên chức được hoạt động nghề nghiệp ngoài thời gian làm việc quy định trong hợp đồng làm việc, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Hiện số lượng viên chức có thẻ hành nghề thẩm định giá không nhiều, trong khi việc cấm có thể dẫn đến một lực lượng chuyên gia là viên chức sẽ không dược hành nghề và thiếu vắng các chuyên gia có nội lực để thực hiện các hồ sơ phức tạp.

TS. Nguyễn Kim Đức cũng đề nghị nên giữ lại quy định như Luật Giá hiện hành. Thay vào đó nên tập trung quy định về chất lượng trong khâu cập nhật kiến thức chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho thẩm định viên về giá.

Ngoài ra, trong bối cảnh kỷ nguyên số và chuyển đổi số, các tài sản cần thẩm định giá ngày càng trở nên phức tạp, các mục địch thẩm định giá cũng ngày càng đặc thù… đòi hỏi thẩm định viên về giá phải vận dụng song song cả tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam và tiêu chuẩn thẩm định giá quốc tế và các tài liệu đi kèm. Do đó Ban soạn thảo cần cân nhắc việc sử dụng thuật ngữ “tiêu chuẩn thẩm định giá” thay vì sử dụng thuật ngữ “tiêu chuẩn thẩm định giá Việt Nam”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Tin liên quan
"Đừng tước đi cơ hội của nhiều người muốn làm thẩm định viên về giá!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO