Nhà nước tôn trọng sự hình thành của giá thị trường
Theo VVA, bình ổn giá là một cơ chế điều tiết giá của Nhà nước chủ yếu bằng các biện pháp kinh tế như: điều hòa cung – cầu hàng hóa, dịch vụ, tài chính – tiền tệ và các biện pháp kinh tế, hành chính khác để tác động vào sự hình thành và vận động của giá cả thị trường nhằm hạn chế tác động tự phát của giá cả thị trường, không để giá cả hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp bất hợp lý tác động bất lợi đến ổn định, phát triển kinh tế - xã hội.
Điều đó có nghĩa là Nhà nước vẫn tôn trọng sự hình thành của giá thị trường vận động theo các quy luật thị trường như giá trị, cung cầu, cạnh tranh; tôn trọng quyền tự định giá của doanh nghiệp không sử dụng các biện pháp can thiệp trực tiếp để ổn định giá theo cách cố định giá một cách cứng nhắc, mà sử dụng chủ yếu các biện pháp kinh tế gián tiếp tác động vào sự hình thành mức giá tạo ra áp lực kéo giá thị trường xuống khi giá thị trường tăng cao không hợp lý và đẩy giá thị trường lên mức hợp lý khi giá thị trường giảm thấp không hợp lý.
Trong điều kiện nền kinh tế nhất quán thực hiện cơ chế giá thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, Nhà nước đã giảm mạnh quyền định giá trực tiếp, chỉ còn định giá một số ít các loại hàng hóa, dịch vụ độc quyền, trả lại quyền định giá đại bộ phận hàng hóa, dịch vụ cho thị trường thì cơ chế điều tiết giá thông qua giải pháp bình ổn giá phải được coi là cơ chế điều tiết giá chủ đạo trong toàn bộ cơ chế điều tiết giá của Nhà nước nhằm các mục tiêu: Kiểm soát giá hàng hóa, dịch vụ và mặt bằng giá theo định hướng từ đó góp phần kiểm soát lạm phát (hoặc thiểu phát) chi phí đẩy của nền kinh tế, ổn định và phát triển kinh tế - xã hội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh, của người tiêu dùng và lợi ích của Nhà nước.
Theo VVA, Luật Giá hiện hành đã đi theo hướng đó, tuy nhiên trải qua 10 năm thực hiện điều tiết giá bằng cơ chế bình ổn giá, việc nghiên cứu hoàn thiện chính sách giúp cơ chế bình ổn giá đạt hiệu quả cao hơn là cần thiết.
Cẩn trọng khi chỉ bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu
Theo VVA, dự thảo Luật Giá sửa đổi đang quy định theo hướng chỉ thực hiện bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu là một bước lùi của Luật so với sự vận động của nền kinh tế thị trường.
Bản góp ý của VVA nhấn mạnh, nếu chúng ta sửa đổi chính sách theo hướng chỉ bình ổn giá đối với các mặt hàng thiết yếu cụ thể khi giá thị trường có biến động bất thường (tăng quá cao hoặc giảm quá thấp) mà xóa bỏ cơ chế bình ổn giá đối với mặt bằng giá (tức là chỉ số giá tiêu dùng) khi mặt bằng giá có biến động ảnh hưởng đến ổn định, phát triển kinh tế - xã hội, đến các mục tiêu kinh tế vĩ mô như tăng trưởng, lạm phát… không chỉ là một khiếm khuyết mà còn là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành.
Lí do được VVA đưa ra là việc điều tiết giá đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể là quan trọng, nhưng quan trọng hơn phải là điều tiết mặt bằng giá, tức chỉ số giá tiêu dùng (CPI) một chỉ số về lượng đo mức độ lạm phát của nền kinh tế bởi lạm phát là sự gia tăng mức giá chung một cách liên tục của hàng hóa, dịch vụ theo thời gian.
Khi mức giá chung tăng cao sẽ gây những bất lợi cho nền kinh tế. Do đó, nếu không có những quy định bình ổn mặt bằng giá thì các mục tiêu kinh tế vĩ mô sẽ bị đe dọa và việc điều hành nền kinh tế có thể dẫn đến thất bại nếu để nền kinh tế xảy ra lạm phát cao hoặc thiểu phát.
VVA đã dẫn chứng từ thực tế, vào những năm 80 của Thế kỷ 20, nền kinh tế nước ta lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn với nguy cơ khủng hoảng kinh tế hiện hữu khi lạm phát phi mã, CPI tăng 400-700%/năm, nguyên nhân có nhiều, nhưng nguyên nhân chính là bao cấp về vốn cho nền kinh tế, làm cho nhu cầu về vốn trong nền kinh tế tăng vô hạn độ; Cầu về vốn trong sản xuất, kinh doanh trở nên khát cháy như “người khát nước trong sa mạc”…
Giá tăng, tiền cứ “bơm” ra lưu thông (kể cả phát hành thêm), tiền “bơm” ra lại đẩy mặt bằng giá tăng, mặt bằng giá tăng lại phải “bơm” tiền thêm… tạo thành vòng xoáy. Giá lên tiền ra, tiền ra giá lên và mặt bằng giá càng tăng với mức độ phi mã. Tức là kinh tế bị lạm phát do cầu kéo.
Mục tiêu đặt ra là phải chặn lạm phát phi mã, kéo CPI giảm xuống. Để thực hiện mục tiêu đó, chúng ta đã áp dụng nhiều giải pháp, trong đó giải pháp mang tính bao trùm là khống chế tổng cầu của nền kinh tế, chống bao cấp qua vốn, không phát hành tiền để bù đắp thâm hụt ngân sách… Những quyết sách đó đã tác động tích cực, hiệu quả đến thị trường, làm cho giá cả chung trên thị trường giảm mạnh. Năm 1986, CPI tăng 682%/năm, những năm sau đó giảm dần tốc độ tăng về 2 con số… rồi một con số sau những năm 1990…
Năm 2007, 2008, lạm phát cao quay trở lại có nguyên nhân do tăng trưởng tín dụng quá cao, chúng ta cũng đã phải áp dụng nhiều biện pháp để bình ổn giá phù hợp với mục tiêu kiểm soát. Quá trình phát triển khó có thể khẳng định nền kinh tế sẽ không gặp phải lạm phát cao khi nền kinh tế có độ mở rộng trên 200%, tỷ lệ chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu chiếm tới 37% trong tổng chi phí nguyên, nhiên, vật liệu của nền kinh tế nếu thị trường thế giới xảy ra những cú sốc về giá cộng với những yếu kém, bất cập nội tại của nền kinh tế trỗi dậy…
Do đó VVA cho rằng quy định về bình ổn mặt bằng giá cần được giữ như quy định hiện hành.
Có nên giao Chính phủ quyết định danh mục mặt hàng bình ổn giá?
Góp ý về quy định danh mục hàng hóa bình ổn giá, VVA cho rằng, khi xây dựng Luật Giá hiện hành, Chính phủ đã trình Quốc hội để bảo đảm tính linh hoạt trong điều hành cho phép Chính phủ quy định danh mục bình ổn giá. Tuy nhiên, đề xuất này đã không được Quốc hội chấp nhận và Quốc hội đã quyết định theo hướng: Để tránh việc lạm dụng mở rộng diện các mặt hàng bình ổn giá, Luật Giá hiện hành đã xác định và quy định minh bạch danh mục các mặt hàng thuộc diện bình ổn giá trong Luật và vẫn tạo một cơ chế mở; Trường hợp cần thiết phải điều chỉnh danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá quy định tại Luật này thì Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Dự thảo Luật Giá sửa đổi theo hướng bỏ quy định danh mục mặt hàng bình ổn giá cụ thể trong Luật mà giao Chính phủ xác định để quy định ở văn bản dưới Luật, kể cả việc điều chỉnh danh mục.
VVA cho rằng quy định như vậy có linh hoạt hơn nhưng không minh bạch như quy định hiện hành và việc mở rộng diện mặt hàng bình ổn giá – tức mở rộng phạm vi can thiệp, điều tiết của Nhà nước hơn hiện hành là khó tránh khỏi.
VVA đề nghị giữ như quy định hiện hành, đồng thời cần bổ sung làm rõ hơn về tiêu chí và điều kiện để xác định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá. Như quy định tiêu chí là hàng hóa dịch vụ thiết yếu: Nếu là thiết yếu với sản xuất thì mức độ tác động lan tỏa thế nào, đến đâu? Chiếm bao nhiêu % trong cơ cấu giá thành sản phẩm khác… hoặc thiết yếu với đời sống thì tác động đến các giai tầng trong xã hội ở mức độ nào? Đến đâu? Tác động đến CPI ra sao?.
Ngoài ra cần bổ sung rõ hơn về điều kiện áp dụng từng giải pháp bình ổn giá.
Phải đoạn tuyệt với chính sách bù giá, bù lỗ
Theo VVA, sự tiến bộ của Luật Giá ra đời cách đây 10 năm đã đoạn tuyệt với chính sách bù giá, bù lỗ để kiên định theo nguyên tắc thị trường, nhưng nay dự kiến sửa đổi chính sách lại loại bỏ và phá vỡ những nguyên tắc đó bằng quy định: “Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giá thấp hơn phương án đã được rà soát, định giá theo quy định thì xem xét, hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước…”.
Theo VVA, quy định này được hiểu là sử dụng ngân sách để bù cho khoản chi phí không được tính đúng, tính đủ. Đây cũng có thể coi là bước lùi không hợp lý so với hiện hành và không phù hợp với cam kết WTO.
VVA đề nghị cần kiên định theo chính sách hiện hành, để giá đi theo thị trường – kể cả giá do Nhà nước định. Không lồng ghép thực hiện chính sách xã hội, chính sách an sinh trong giá, việc thực hiện các chính sách này phải được giải quyết bằng các giải pháp ngoài giá.
Cần công khai, minh bạch thông tin thị trường
Cũng theo VVA, lạm phát cao của nền kinh tế xảy ra do rất nhiều nguyên nhân, trong đó có cả những nguyên nhân lạm phát từ tâm lý, từ đầu cơ, găm hàng gây bất ổn định cung cầu do tác động của những thông tin thất thiệt mà không được các cơ quan Nhà nước cung cấp đầy đủ và minh bạch từ thông tin thị trường.
Như vào tháng 4/2008, trong bối cảnh nhiều nước trên thế giới thiếu lương thực, nguy cơ nạn đói xảy ra ở nhiều nơi thì doanh nghiệp Việt Nam tham gia đấu thầu xuất khẩu gạo ở Indonesia và từ trước tới lúc đó chưa khi nào đạt được giá cao đến mức 1.500 USD/tấn, chúng ta tuyên truyền rất mạnh về hiệu quả xuất khẩu gạo cùng với việc các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đưa tin, phản ánh với tần suất dầy đặc hàng ngày về tình hình thiếu lương thực trên thế giới, nguy cơ nạn đói xảy ra ở nhiều nơi, nhiều nước muốn mua gạo của Việt Nam… Tình hình trên đã gây ra tâm lý lo lắng Việt Nam sẽ thiếu gạo; để ứng phó, người người, nhà nhà ở TP. Hồ Chí Minh đua nhau đi mua gạo tích trữ; người có lúa gạo ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long thì giữ thóc gạo lại chưa bán chờ giá tăng, tạo ra sự bất ổn lớn về cung cầu gạo trong nước, đẩy giá gạo lên cơn sốt: giá tăng từ 10.000đ/kg lên 20.000đ/kg…
Để khắc phục tình trạng trên, ngoài việc các doanh nghiệp lương thực đẩy mạnh bán ra, thì Thủ tướng Chính phủ lên sóng truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng khác tuyên bố công khai là Việt Nam chúng ta không thiếu gạo, hiện chúng ta đã sản xuất gạo đủ ăn, đáp ứng đủ các nhu cầu trong nước và còn thừa gạo đủ để xuất khẩu khoảng từ 5-7 triệu tấn. Việc công khai thông tin từ đó đã tác động mạnh đến tâm lý tiêu dùng, giảm hẳn “hiệu ứng tâm lý đám đông” đua nhau mua gom, tích trữ lúa gạo … làm cho thị trường giảm dần sự bất ổn và chỉ sau khoảng 1 tuần giá gạo trên thị trường giảm nhanh trở lại mức bình thường.
Nếu chúng ta quan sát thêm về thị trường xăng dầu tháng 3/2022, hay thị trường bất động sản thì chúng ta càng thấy thêm việc minh bạch thông tin sẽ có tác dụng tích cực như thế nào với việc bình ổn thị trường.
Chính vì những bài học kinh nghiệm đó, VVA kiến nghị các biện pháp bình ổn giá cần bổ sung giải pháp: Cung cấp đầy đủ, công khai, minh bạch thông tin thị trường, cung cầu và các giải pháp điều hành để định hướng thị trường mục tiêu.
Về thẩm quyền và trách nhiệm bình ổn giá với một quy định mới là có “Ban chỉ đạo điều hành giá của Thủ tướng Chính phủ”. Khi giải nghĩa về Ban này thì như một tổ chức tư vấn của Thủ tướng, nhưng tên gọi của Ban thì như một tổ chức hành chính có thẩm quyền chỉ đạo điều hành về giá. VVA đề nghị cần thay đổi tên gọi của tổ chức này cho đúng bản chất là một tổ chức tư vấn của Thủ tướng Chính phủ và cân nhắc có cần thiết đưa vào Luật một tổ chức như tên gọi không.
Nhà nước phải làm trung gian cho hoạt động hiệp thương giá
Theo VVA, quy định về hoạt động hiệp thương giá là cần thiết nhưng cần có một tổ chức Nhà nước làm trung gian cho hoạt động này và không can thiệp vào mức giá thương lượng giữa hai bên.
Để hiệp thương có hiệu quả thì cơ quan hiệp thương phải có trách nhiệm phân tích cho các bên tham gia hiệp thương các nội dung giúp họ thỏa thuận mức giá về: tính hợp lý của hồ sơ hiệp thương, các phương án giá hiệp thương được xây dựng có đúng quy định của pháp luật không và tính đúng đắn của việc tính toán các yếu tố hình thành giá… Nếu không làm như vậy thì hiệp thương, hòa giải ít có ý nghĩa.