Sửa đổi Luật Giá: Yếu tố cấu thành giá không chỉ là chi phí

Vân Anh | 11:22 19/07/2022

Góp ý cho dự thảo Luật Giá sửa đổi, Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) cho rằng cần quy định mở rộng hơn so với Luật Giá hiện hành và dự thảo mới về các yếu tố cấu thành nên giá thị trường, không bó hẹp yếu tố cấu thành giá chỉ là chi phí, bởi vì với cơ chế giá thị trường thì chi phí chỉ là điểm khởi đầu của giá, giá còn bao gồm yếu tố mang tính quyết định là cung – cầu.

Sửa đổi Luật Giá: Yếu tố cấu thành giá không chỉ là chi phí
Một số quy định trong dự thảo Luật Giá (sửa đổi) mở đường cho việc quay lại cơ chế bù giá, bù lỗ mà Luật Giá hiện hành đã đoạn tuyệt.

Bước lùi trong quy định về nguyên tắc định giá

Việc quy định định giá của Nhà nước “có tính đến lộ trình giá thị trường phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”, quy định này sẽ được hiểu có tính logic với quy định tại điểm c, Khoản 1, Điều 17: “Trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định giá thấp hơn phương án đã được rà soát, đánh giá theo quy định thì xem xét hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước”.

Điều đó được hiểu: Quy định này mở đường cho việc quay lại cơ chế bù giá, bù lỗ mà Luật Giá hiện hành đã đoạn tuyệt.

Hội Thẩm định gía Việt Nam cho rằng đưa ra nguyên tắc này là một bước lùi so với Luật Giá hiện hành và rất dễ bị lạm dụng trên thực tế; đồng thời mâu thuẫn ngay với quy định tại Khoản 1, Điều 5, Dự thảo: “Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định tại Luật này thực hiện định giá hàng hóa, dịch vụ theo các nguyên tắc, phương pháp phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường”.

Thực tế hiện nay có thể có những loại hàng hóa nào đó chưa được tính đúng, tính đủ. Nhưng chúng tôi cho rằng vẫn phải tuân thủ nguyên tắc thị trường là tư tưởng chủ đạo xuyên suốt, phần chưa tính đúng, tính đủ đó cần được hỗ trợ bằng chính sách khác ngoài giá (ví dụ như trường hợp giá điện bán cho hộ nghèo, hộ gia đình chính sách, chúng ta vẫn bán điện theo giá tính đúng, tính đủ, Nhà nước hỗ trợ tiền trực tiếp cho các hộ mua điện này).

Do vậy VVA đề nghị không đưa nguyên tắc này vào Luật.

Cũng về nguyên tắc này, VVA đề nghị cần quy định mở rộng hơn so với Luật Giá hiện hành và Dự thảo mới về các yếu tố cấu thành nên giá thị trường, không bó hẹp yếu tố cấu thành giá chỉ là chi phí, bởi vì với cơ chế giá thị trường thì chi phí chỉ là điểm khởi đầu của giá, giá còn bao gồm yếu tố mang tính quyết định là cung – cầu.

VVA đưa ra ví dụ như chúng ta đều biết khi xảy ra dịch bệnh giá khẩu trang 50.000 đ/hộp tăng đột biến lên 350.000đ/hộp, dịch tai xanh của lợn xảy ra giá tăng đột biến từ 50.000đ – 60.000đ/kg lợn hơi lên 100.000đ/kg hoàn toàn không phải do chi phí tăng mà là do cung – cầu. “Điệp khúc” đối với hàng nông sản: “được mùa mất giá”, giá hạ thấp hơn cả chi phí sản xuất, người sản xuất đâu có ép được thị trường phải mua theo chi phí? Và phải chấp nhận giá thị trường.

Nếu chỉ quy định cơ cấu giá là chi phí thì doanh nghiệp hay người làm giá rất khó lý giải với các cơ quan pháp luật khi định giá theo chi phí cộng với cung – cầu. Đã có những thực tế là một số thẩm định viên, doanh nghiệp thẩm định giá, doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp rủi ro hình sự về vấn đề này.

Giá thành toàn bộ nhỏ hơn yếu tố hình thành giá

Góp ý về căn cứ định giá, VVA cho rằng tại Khoản 1, Điều 23, Dự thảo cần sửa lại là “yếu tố hình thành giá” thay cho giá thành toàn bộ, vì giá thành toàn bộ nhỏ hơn yếu tố hình thành giá (xét về lượng) quy định tại Khoản 11, Điều 4 và không phù hợp với nguyên tắc định giá quy định tại Khoản 1, Điều 22.

Còn về phương pháp định giá, dự thảo viết phương pháp định giá theo các cách tiếp cận từ so sánh giá thị trường, từ các yếu tố hình thành giá và từ thu nhập là khá giống với các phương pháp thẩm định giá cũng là ba cách tiếp cận này thì định giá và thẩm định giá có phải là một không. Đề nghị cần được làm rõ.

Theo VVA, cách tiếp cận từ thu nhập chủ yếu là các phương pháp giả định quy đổi dòng thu nhập trong tương lai dự kiến về giá trị hiện tại nên không phù hợp với định giá Nhà nước và mâu thuẫn với các căn cứ định giá mà Dự thảo đưa ra: “Tính đúng, tính đủ chi phí thực tế hợp lý, hợp lệ…”.

Danh mục định giá và hình thức định giá

Theo VVA, đối với danh mục hàng hóa, dịch vụ Nhà nước định giá mà Dự thảo đưa ra cần được rà soát để giảm tiếp. Đối với tiêu chí lựa chọn hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá tại Điểm b, Khoản 1, Điều 21 cần được xem lại so với tiêu chí lựa chọn hàng hóa, dịch vụ hiệp thương giá tại Khoản 2, Điều 26.

VVA còn chỉ rõ, dự thảo đưa ra các hình thức định giá gồm giá cụ thể, giá tối thiểu, giá tối đa, khung giá và có thêm giá tham chiếu do Nhà nước công bố.

Trước hết nói về giá tham chiếu, mặc dù Dự thảo nêu là do cơ quan có thẩm quyền công bố làm cơ sở cho tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh tham khảo quyết định giá hàng hóa dịch vụ.

VVA đề nghị không nên dùng hình thức giá tham chiếu vì các lý do: Thuật ngữ giá tham chiếu Thế giới cũng như Việt Nam không dùng cho hàng hóa, dịch vụ mà thường dùng cho lĩnh vực chứng khoán và nó là giá thị trường, không có ai tính toán để công bố. Giá đó được hiểu là mức giá đóng cửa của phiên giao dịch cuối cùng và là cơ sở để tính ra được mức giá trần hoặc giá sàn của ngày giao dịch đó.

VVA nhấn mạnh, dù là tham khảo thì vẫn mang tính định hướng quản lý của Nhà nước về mức giá theo một hình thức gián tiếp (kiểu giá cơ sở xăng dầu hiện nay cần được xóa bỏ) trong khi giá này là quyền quyết định của thị trường theo hệ thống tín hiệu khách quan là giá thị trường; Giá tham chiếu sẽ lại rất dễ lạm dụng trong kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan quản lý và tạo thêm sự vất vả trong trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.

Bằng cách công bố giá tham chiếu chính là Nhà nước lại mở rộng diện mặt hàng do mình quản lý - mặc dù là quản lý gián tiếp mềm khi quy định: Tổ chức cá nhân phải định giá theo giá tham chiếu do Nhà nước công bố (Điểm b, Khoản 1, Điều 12); Kê khai giá hàng hóa, dịch vụ định giá theo giá tham chiếu (Khoản 1, Điều 30).

Theo VVA, để giúp doanh nghiệp thực hiện quyền tự định giá của mình đúng pháp luật, Nhà nước hãy làm tốt việc ban hành các quy chế hướng dẫn doanh nghiệp định giá và cung cấp đầy đủ thông tin giá thị trường cho doanh nghiệp tham khảo là đủ.

Đối với các hình thức định giá, bản góp ý của VVA kiến nghị Luật cần đưa ra những nội dung mới hơn so với hiện hành để bảo đảm khi thực thi dễ dàng lựa chọn được các hình thức định giá phù hợp cho từng loại hàng hóa, dịch vụ cụ thể, đó là: Cần xây dựng được các tiêu chí lựa chọn, ví dụ những loại hàng hóa, dịch vụ nào thì thuộc diện phải định giá tối thiểu để bảo vệ lợi ích của người cung ứng. Những loại hàng hóa, dịch vụ nào thì thuộc diện phải định giá tối đa để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng…

Xây dựng được các tiêu chí rõ ràng về thẩm quyền

Để bảo đảm phân quyền quyết định giá hợp lý, minh bạch VVA đề nghị trước hết cũng phải xây dựng được các tiêu chí rõ ràng về thẩm quyền và lựa chọn danh mục phù hợp với thẩm quyền định giá.

VVA dẫn chứng, Chính phủ quyết định giá tài sản, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quan trọng có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Thủ tướng Chính phủ quyết định giá hàng hóa dịch vụ quan trọng có tác động đến phát triển nhiều ngành. Bộ Tài chính quyết định giá hàng hóa, dịch vụ có tác động đến phát triển nhiều ngành và có gắn trực tiếp với thu chi ngân sách Nhà nước như hàng dự trữ quốc gia cho nhu cầu toàn quốc; hàng hóa, dịch vụ quan trọng Nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch; sản phẩm, dịch vụ công ích…

VVA nhấn mạnh thêm, trong dự thảo có việc phân cấp theo hướng giảm quyền quyết định giá của Bộ Tài chính cơ quan tổng hợp thực hiện chi ngân sách gắn với giá so với trước là không phù hợp, đề nghị cần rà soát lại và phân quyền.

Mặt khác, Dự thảo cũng đưa ra yêu cầu: Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc thẩm quyền quyết định của các Bộ… Sau khi có ý kiến tham gia bằng văn bản của Bộ Tài chính cũng không hợp lý về thủ tục hành chính mà cần lựa chọn có chọn lọc loại hàng nào gắn với tiêu chí rõ ràng.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Sửa đổi Luật Giá: Yếu tố cấu thành giá không chỉ là chi phí
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO