Vì sao kết quả thẩm định giá chưa cao, chưa đáng tin cậy?

Lê Khang | 10:01 22/07/2022

Sau hơn 20 năm phát triển, nghề thẩm định giá nước ta đã chứng tỏ đây là một ngành dịch vụ trung gian không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Tuy nhiên, nghề thẩm định giá cũng đang bộc lộ nhiều bất cập, tồn tại.

Vì sao kết quả thẩm định giá chưa cao, chưa đáng tin cậy?
Thẩm định giá là một ngành dịch vụ trung gian không thể thiếu trong nền kinh tế thị trường. (ảnh minh họa: nguồn Int)

Ông Nguyễn Văn Truyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) đã nhấn mạnh, với vai trò, nhiệm vụ cốt lõi là xác định đúng giá trị tài sản, nghề thẩm định giá đã góp phần bảo vệ quy luật đơn giản của kinh tế thị trường là đòi hỏi các tài sản, hàng hóa, dịch vụ được trao đổi, giao dịch dựa trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng, bảo đảm cân bằng lợi ích hợp pháp của các bên tham gia.

pho-thu-tuong-yeu-cau-som-hoan-thanh-thanh-tra-gia-dien-2.jpg
Ông Nguyễn Văn Truyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Truyền cũng đã thẳng thắng chỉ ra những tồn tại của nghề thẩm định giá.

Theo ông Nguyễn Văn Truyền, đối với thẩm định viên về giá, hiện nay các cá nhân được cấp thẻ thẩm định viên về giá đăng ký hành nghề ở một doanh nghiệp thì hoàn toàn có quyền thực hiện thẩm định giá tất cả các loại tài sản, chưa có quy định phân cấp bậc loại thẻ theo năng lực, kinh nghiệm và cũng chưa phân loại thẩm định viên theo chuyên ngành đòi hỏi chuyên môn vừa sâu vừa rộng như thẩm định giá trị doanh nghiệp. Do đó kỹ năng phân tích, đánh giá tài sản, báo cáo tài chính và tài liệu liên quan thiếu tính chuyên nghiệp, chuyên sâu…

Đó là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến kết quả thẩm định giá chưa cao hoặc chưa đáng tin cậy.

Hơn nữa, tiêu chuẩn thẩm định viên về giá có quy định về kinh nghiệm công tác thực tế 36 tháng theo chuyên ngành chứ không phải kinh nghiệm công tác thực tế 36 tháng tại các doanh nghiệp thẩm định giá. Do đó không ít thẩm định viên mới được cấp thẻ và đăng ký hành nghề còn lúng túng trong việc tổ chức thực hiện một cuộc thẩm định giá.

Đa số doanh nghiệp thẩm định giá có quy mô nhỏ với số lượng thẩm định viên đăng ký hàng nghề tối thiểu theo quy định hiện hành (3 thẩm định viên). Các doanh nghiệp thẩm định giá này có xu hướng chỉ tiến hành thẩm định giá đối với những tài sản đơn giản với phương pháp thẩm định giá áp dụng hầu hết là phương pháp so sánh. Điều này khiến các thẩm định viên hành nghề không có nhiều cơ hội thực hành, tishc lũy kinh nghiệm, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà trong nhiều trường hợp chính doanh nghiệp này sẽ gặp khó khăn, lúng túng, thậm chí không có khả năng thực hiện thẩm định giá những tài sản phức tạp, số lượng lớn, tài sản đặc thù…

Hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá xuất hiện không ít hiện tượng tiêu cực và tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ, không thực hiện nghiêm túc và đầy đủ quy trình thẩm định giá làm ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ, nhất là trong hoạt động thẩm định giá tài sản phục vụ mục đích thi hành án, thế chấp vay vốn ngân hàng, mua sắm tài sản Nhà nước…

Qua việc chấm điểm đánh giá chất lượng theo quy định hiện hành cho thấy đại đa số doanh nghiệp chỉ đạt điểm chất lượng ở mức trung bình và trung bình khá. Thậm chí còn nhiều doanh nghiệp có chất lượng thấp, đạt dưới 50 điểm trên khung điểm 100.

Thời gian qua cũng xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp thẩm định giá thường xuyên thay đổi người đại diện theo pháp luật, gây khó khăn cho công tác quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp cũng như việc kiểm soát chất lượng hoạt động của chính doanh nghiệp.

Đặc biệt có tình trạng một số cá nhân là người đại diện theo pháp luật, giám đốc hoặc tổng giám đốc của doanh nghiệp thẩm định giá do làm ăn yếu kém, chất lược dịch vụ thẩm định giá thấp hoặc bị khiếu nại, tố cáo đã giải thể doanh nghiệp cũ để trốn tránh trách nhiệm và sau đó thành lập doanh nghiệp mới.

Một phần nguyên nhân của tình trạng trên ngoài việc xuất phát từ lý do các điều kiện về thành lập mới doanh nghiệp thẩm định giá hiện còn tương đối dễ dàng mà còn bởi thiếu các quy định về tiêu chuẩn, điều kiện để trở thành người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thẩm định giá.

Ngoài ra, còn tình trạng một số doanh nghiệp thẩm định giá chậm hoặc không thực hiện báo cáo đầy đủ các nội dung phải báo cáo theo quy định. Như báo cáo về đăng ký giảm thẩm định viên về giá hành nghề tại doanh nghiệp, báo cáo thay đổi người đại diện pháp luật của doanh nghiệp, điều chỉnh số lượng thành viên góp vốn, cổ đông tại doanh nghiệp… Điều này dẫn đến tình trạng khi cơ quan quản lý phát hiện và ban hành các quyết định đình chỉ hoặc thu hồi thì các quyết định này thường bị chậm trễ hơn so với thời gian thực tế phát sinh.

Thời gian qua còn có hiện tượng cho thuê thẻ, cho mượn thẻ thẩm định viên về giá để đủ điều kiện thành lập doanh nghiệp thẩm định giá và kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, đặc biệt là các doanh nghiệp quy mô nhỏ hoặc mới thành lập.

Sau hơn 20 năm hình thành và phát triển thì trình độ phát triển của nghề thẩm định giá vẫn còn ở mức trung bình thấp, chất lượng dịch vụ chưa cao, kết quả thẩm định giá có độ tin cậy không cao và chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu phát triền của nền kinh tế thị trường nước ta những năm sắp tới.

Ông Nguyễn Văn Truyền – Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính.

Bài liên quan

(1) Bình luận
Tin liên quan
Vì sao kết quả thẩm định giá chưa cao, chưa đáng tin cậy?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO