Từ đầu năm 2021 cơn sốt bất động sản kéo đến, điều này được một số chuyên gia đánh giá do trong đại dịch Covid-19 tiền không đổ vào sản xuất mà đổ vào bất động sản, đã “kích hoạt” giá tăng trên mọi miền. Và sau đại dịch, giá bất động sản ở một số thành phố lớn tiếp tục tăng.
Giá giữ xu hướng tăng
Mới đây, Bộ Xây dựng có báo cáo về thị trường nhà ở và bất động sản quý I/2022 cho thấy, giá tăng cao cả ở hai miền Nam – Bắc.
Đơn cử như dự án Sunshine Garden (Hai Bà Trưng) có giá khoảng 37,1 triệu đồng/m2, Sunshine City (Bắc Từ Liêm) có giá khoảng 41,8 triệu đồng/m2. Tại TP. Hồ Chí Minh, Happy Valley (Quận 7) có giá khoảng 47,6 triệu đồng/m2, dự án Thảo Điền Green tại Quận 2, TP. Hồ Chí Minh có giá khoảng 100 triệu đồng/m2, dự án Empire City – The Monarch tại Khu đô thị Thủ Thiêm có giá khoàng 200 triệu đồng/m2…
Đối với nhà ở riêng lẻ, đất nền, tại Hà Nội, các khu vực Vành đai 4 đi qua huyện Hoài Đức giá khoảng hơn 100 triệu/m2; khu vực gần dự án Vinhomes Wonder Park Đan Phượng giá khoảng 150 triệu đồng/m2; khu vực đầu cầu Nhật Tân phía Đông Anh, giá khoảng hơn 200 triệu đồng/m2 .Còn Tại TP. Hồ Chí Minh, giá đất nền tại Thủ Thiêm Villa (Quận 2) có giá khoảng 125,3 triệu đồng/m2, The EverRich III (Quận 7) có giá khoảng 117,5 triệu đồng/m2,Kim Sơn (Quận 7) giá khoảng 136,5 triệu đồng/m2.
Theo đánh giá của Bộ Xây dựng, giá căn hộ chung cư tại các địa phương đều có xu hướng tăng, tỷ lệ tăng bình quân khoảng 3% so với thời điểm cuối năm 2021. Giá nhà ở riêng lẻ, đất nền có biên độtăng cao hơn so với căn hộ chung cư (bình quân tăng khoảng 5-10% so với quý trước); sang cuối tháng 3/2022 tại một số địa phương, các vùng ven Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh lại có hiện tượng tăng giá và lượng giao dịch đất nền tăng nhanh, một số nơi mức giá tăng 15 – 20% so với cuối năm 2021. Trong khi đó, các dự án chung cư và nhà đất được cấp phép đều rất hạn chế.
Cũng theo báo cáo của Bộ Xây dựng cho thấy, ở phân khúc nhà ở thương mại, số lượng dự án được cấp phép ở quý I/2022 cả nước có 22 dự án, số lượng dự án bằng khoảng 47% so với Quý IV/2021 và bằng khoảng 54 % so với cùng kỳ năm 2021.
Chia sẻ với MarketTimes, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, năm 2021 câu chuyện thời sự nhất, nóng sốt nhất của thị trường bất động sản là tình trạng sốt đất diễn ra nhiều đợt tại nhiều địa phương trải dài từ Bắc vào Nam từ đầu năm đến nay.
Nguyên nhân căn cơ nhất, sâu xa nhất dẫn đến tình trạng này là thiếu nguồn cung và lực cầu tăng cao. Nguồn cung trên thị trường khan hiếm là do các dự án bất động sản gần như đứng hình, không phê duyệt được vì các quy định pháp lý đang có những mâu thuẫn, chồng chéo tạo ra các rào cản vô hình, các địa phương không dám phê duyệt dự án để bơm nguồn hàng vào thị trường.
Nguồn cung vẫn khó khăn
Phân tích thêm về thực trạng thiếu nguồn hàng, ông Nguyễn Văn Đính cho biết, trong bối cảnh nguồn cung không thể cải thiện được vì vướng luật, thì hệ lụy cơ bản nhất của cầu cao cung thấp là làm tăng giá nhà đất tại các địa phương, thậm chí giá đất bị thổi lên, tăng một cách vô tội vạ, tạo thành sự hỗn loạn trên thị trường, trở thành rào cản hạn chế các dự án của nhà đầu tư chính thống, tạo nên sự mâu thuẫn, bất ổn, phức tạp trên thị trường bất động sản.
Để hạn chế sự tăng giá vô tội vạ, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, Bộ Xây dựng cần đề nghị các địa phương thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ về tăng cường phân cấp, phân quyền cho địa phương, đề nghị các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp. Cụ thể
Khẩn trương tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng đô thị, nông thôn, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để đảm bảo đủ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội.
Thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sảnnhằmngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.
Khẩn trương xây dựng, phê duyệt Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương giai đoạn 2022-2015 và giai đoạn 2022- 2030 để có cơ sở chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư và lập, phê duyệt triển khai thực hiện dự án phát triển nhà ở trên địa bàn.
Tập trung rà soát, tháo gỡ vướng mắc về thủ tục để hoàn thiện thủ tục chuẩn bị đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư thực hiện các dự án bất động sản, dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội theo quy định của pháp luật.
Trước đó, hồi đầu tháng 4/2022, báo cáo với Thủ tướng một số thông tin liên quan đến thị trường bất động sản tại Hội nghị toàn quốc về phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cũng cho biết, quý I/2022 giá bất động sản ở hầu hết các phân khúc đều tăng, trong đó đất nền tăng hơn nhiều hơn các phân khúc khác, thậm chí một số địa phương có tình trạng “sốt nóng”.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị cho rằng, nguyên nhân là do cung cầu, nguồn cung hạn chế, dự án hoàn thành giảm dần, nhất là ở các đô thị lớn. Bên cạnh đó, việc các địa phương khởi động kế hoạch phát triển hạ tầng, phục hồi kinh tế; thông tin thiếu minh bạch về quy hoạch, nâng cấp đô thị, đơn vị hành chính dẫn tới tình trạng đầu cơ, thổi giá; do biến động giá cả, tăng giá đầu vào của các dự án bất động sản.
Trước tình hình đó, Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương, nhất là các địa phương có tình trạng tăng nóng đất nền, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, nhất là với các dự án phân lô bán nền, các dự án mở bán mà chưa có hạ tầng.
Để đảm bảo nguồn cung, người đứng đầu Bộ Xây dựng đề nghị các địa phương quan tâm tháo gỡ trong vương mắc thủ tục hành chính.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, Chính phủ đề nghị lùi thời hạn trình dự án Luật Đất đai (sửa đổi) thì một số vướng mắc phê duyệt dự án sẽ chưa được tháo gỡ kịp thời và dự báo tình trạng thiếu nguồn cung vẫn tiếp diễn.