Nội dung chính:
- Tại cuối quý III/2023, Văn Phú Invest cho Công ty TNHH Đầu tư BĐS Hưng Phú vay 615 tỷ đồng, gấp 2,3 lần doanh thu quý III.
- Tính đến cuối quý III/2023, nợ vay ngắn và dài hạn của Văn Phú Invest Invest tăng 144 tỷ đồng so với đầu năm, đạt mức 4.111 tỷ đồng.
- Lượng tiền Văn Phú Invest nắm giữ, bao gồm tiền gửi ngân hàng, tiền mặt giảm 64% so với đầu năm, còn 186 tỷ đồng.
BCTC quý III/2023 vừa công bố của CTCP Đầu tư Văn Phú - Invest (Văn Phú Invest, HoSE: VPI) cho thấy tại ngày 30/9, công ty cho một doanh nghiệp là Công ty TNHH Đầu tư BĐS Hưng Phú vay 615 tỷ đồng. Hưng Phú và Văn Phú Invest Invest không phải là công ty liên quan, không chung lãnh đạo hay sở hữu cổ phần của nhau. Tuy nhiên, hai công ty này đều là khách hàng của nhau và phát sinh các giao dịch thương mại trong kỳ.
Trên Cổng thông tin về đăng ký doanh nghiệp, Hưng Phú được giới thiệu là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, quyền sử dụng đất thuộc chủ sở hữu, chủ sử dụng hoặc đi thuê; Tư vấn, môi giới, đấu giá bất động sản, đấu giá quyền sử dụng đất; Buôn bán vật liệu, thiết bị lắp đặt trong xây dựng… Doanh nghiệp này được thành lập từ ngày 12/3/2021, bà Nguyễn Thị Hồng là người đứng đầu đơn vị phụ thuộc.
Hưng Phú có trụ sở tại 138B Giảng Võ, Phường Kim Mã, Quận Ba Đình, TP Hà Nội - trùng với vị trí một dự án (chung cư Grandeur Place) do Văn Phú Invest làm chủ đầu tư.
Khoản vay của Hưng Phú tại Văn Phú Invest phát sinh từ quý I/2022 với giá trị ban đầu là 406 tỷ đồng. Báo cáo soát xét bán niên năm 2022 cho biết khoản vay này sẽ đáo hạn vào quý I/2023, hưởng lãi suất 10%/năm và có tài sản đảm bảo. Như vậy sau thời điểm đáo hạn, Hưng Phú đã tiếp tục vay Văn Phú Invest số tiền nhiều hơn trước.
Khoản cho vay 615 tỷ đồng này cao gấp 2,3 lần doanh thu của Văn Phú Invest trong quý III.
Trong khi cho đối tác Hưng Phú vay 615 tỷ đồng, tăng 88 tỷ đồng trong 9 tháng, Văn Phú Invest Invest đồng thời tăng cường vay nợ trong cùng thời gian. Tính đến cuối quý III/2023, nợ vay ngắn và dài hạn của Văn Phú Invest Invest tăng 144 tỷ đồng so với đầu năm, đạt mức 4.111 tỷ đồng
Tăng nợ, Văn Phú Invest đồng thời phải chi trả khoản lãi vay lớn hơn cùng kỳ. Công ty phải trả 356 tỷ đồng lãi vay trong 9 tháng đầu năm 2023, trong khi cùng kỳ chi phí này là 131 tỷ đồng.
Tăng vay nợ, lượng tiền của Văn Phú Invest lại vơi dần sau 9 tháng.
Tại ngày 30/9, lượng tiền Văn Phú Invest nắm giữ, bao gồm tiền gửi ngân hàng, tiền mặt giảm 64% so với đầu năm, còn 186 tỷ đồng. Khoản tiền gửi này mang về cho công ty 26 tỷ đồng lãi tiền gửi trong quý III và 94 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Tính đến cuối quý III/2023, hàng tồn kho của Văn Phú Invest Invest ở mức 2.041 tỷ đồng, phân bổ chủ yếu tại dự án sản xuất kinh doanh dở dang như The Terra Bắc Giang (1.367 tỷ đồng), dự án Song Khê - Nội Hoàng (196 tỷ đồng).
Trong cơ cấu tài sản, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn cũng chiếm tỷ trọng lớn, trong đó nhiều nhất nằm tại dự án BT Đầu tư xây dựng đoạn tuyến kết nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao thông Gò Dưa - Quốc lộ 1, quận Thủ Đức được thực hiện theo hợp đồng BT giữa UBND TP.HCM với liên danh các nhà đầu tư. Tổng chi phí Văn Phú Invest đã đầu tư vào dự án này là 2.069 tỷ đồng. Tại thời điểm 30/9, công ty trích lập dự phòng cho dự án này gần 224 tỷ đồng, trong khi đầu năm là 130 tỷ đồng.
Theo Văn Phú Invest, hợp đồng BT ký ngày 25/11/2016 của dự án này nêu rõ UBND TP.HCM có trách nhiệm bàn giao một số khu đất cho Văn Phú Invest Bắc Ái - một công ty con của Văn Phú Invest - để thanh toán giá trị hợp đồng. Đến nay, công ty đang làm việc với các cơ quan liên quan để được nhận bàn giao các khu đất này.
Ngoài ra, công ty có 837 tỷ đồng là chi phí xây dựng cơ bản dở dang tại các dự án Cồn Khương - Cần Thơ, Lộc Bình - Thừa Thiên Huế, Grandeur Palace - Mỹ Đình, Vlasta Sầm Sơn…
Quý III, Văn Phú Invest đạt doanh thu 269 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế giảm 61%, còn 32 tỷ đồng.
Là doanh nghiệp địa ốc, 77% doanh thu của Văn Phú Invest trong quý III đến từ chuyển nhượng các sản phẩm bất động sản. Phần còn lại đến từ cung cấp dịch vụ lưu trú và các dịch vụ khác.
Lý giải nguyên nhân lợi nhuận đi xuống, Văn Phú Invest cho biết tỷ suất lợi nhuận gộp của các sản phẩm bàn giao trong quý III năm nay thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời, chi phí tài chính trong quý tăng mạnh do ảnh hưởng của việc dừng vốn hóa chi phí lãi vay của các dự án đã hoàn thành và ghi nhận doanh thu trong kỳ cũng như việc điều chỉnh lãi suất của các khoản vay.
Lũy kế 9 tháng, Văn Phú Invest ghi nhận 1.742 tỷ đồng doanh thu, tăng 25% so với cùng kỳ nhờ dự án Vlasta - Sầm Sơn được bàn giao/mở bán trong quý I và II/2023. Ngoài ra, doanh nghiệp vẫn ghi nhận một phần doanh thu từ các dự án bàn giao trước 2023 như dự án Vlasta - Sầm Sơn và phần còn lại của dự án Grandeur Palace - Giảng Võ. Lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp trong 9 tháng tăng 23%, đạt 438 tỷ đồng.