Cụ thể, tại Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn DOJI và Công ty Bảo Tín Minh Châu, giá vàng miếng SJC hôm nay được niêm yết ở mức 119,5 – 121,5 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 500 nghìn đồng/lượng ở chiều bán so với cùng thời điểm phiên giao dịch trước. Mức chênh lệch giữa giá mua – bán thu hẹp về còn 2 triệu đồng/lượng.
Tập đoàn Phú Quý có mức tăng tương tự 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 500 nghìn đồng/lượng ở chiều bán với vàng miếng SJC. Mức giá sau điều chỉnh ở mốc 119 – 121,5 triệu đồng/lượng.
Với mặt hàng vàng nhẫn, nhẫn tròn trơn vàng Rồng Thăng Long (BTMC) hôm nay có giá 117,5 – 120,5 triệu đồng/lượng, tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên trước. Nhẫn tròn Phú Quý 999.9 đang được giao dịch ở mức 115,5 - 118,5 triệu đồng/lượng, tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều.
Nhẫn DOJI Hưng Thịnh Vượng 9999 có mức giá 114,5 – 116,8 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 500 nghìn đồng/lượng ở chiều bán so với cuối phiên trước.
Tương tự, nhẫn SJC 999.9 cũng được điều chỉnh lên 114 - 117 triệu đồng/lượng, tăng 500 nghìn đồng/lượng ở cả hai chiều so với cùng thời điểm phiên giao dịch trước.
.png)
Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới hiện giao dịch quanh vùng 3.322,3 USD/ounce, giảm 28,1 USD/ounce so với kết phiên trước. Nếu quy đổi theo tỷ giá Vietcombank, chưa bao gồm thuế, phí, giá vàng thế giới hiện có giá trị 105 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 16,5 triệu đồng/lượng.
Thị trường toàn cầu vừa đón nhận tín hiệu tích cực khi căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc có dấu hiệu hạ nhiệt. Tổng thống Mỹ Donald Trump bày tỏ kỳ vọng về một "thỏa thuận công bằng" với Bắc Kinh, đồng thời khẳng định mức thuế đánh vào hàng hóa Trung Quốc có thể được giảm đáng kể nếu hai nước đạt được thỏa thuận – dù không hoàn toàn đưa thuế về mức 0.
Ông Trump cũng nhấn mạnh lập trường mềm mỏng hơn với Trung Quốc và kỳ vọng tiến trình đàm phán sẽ tiến triển “khá nhanh”, mở ra hy vọng mới cho các nhà đầu tư toàn cầu sau thời gian dài bất ổn.
Bên cạnh đó, Tổng thống Trump cũng làm dịu lo ngại từ giới tài chính khi tuyên bố không có kế hoạch thay thế Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Mặc dù ông từng thể hiện sự thất vọng trước tốc độ điều chỉnh chính sách lãi suất của Fed, động thái này cho thấy chính quyền Mỹ đang hướng đến sự ổn định và cam kết đối thoại.
Trong một diễn biến khác, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố Báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới, điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng toàn cầu. Cụ thể, IMF hạ dự báo năm 2025 xuống 2,8% (giảm 0,5 điểm phần trăm) và năm 2026 xuống còn 3% (giảm 0,3 điểm phần trăm) so với dự báo trước đó hồi tháng 1.
IMF cảnh báo rằng, việc căng thẳng thương mại leo thang nhanh chóng và mức độ bất định cao liên quan đến các chính sách kinh tế trong tương lai đang tạo áp lực lớn lên triển vọng tăng trưởng toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh thị trường vẫn chưa hoàn toàn hồi phục sau các biến động kinh tế trước đó.