Sau khi lập kỷ lục mới với mức giá vượt ngưỡng 3.500 USD/ounce, thị trường vàng đã chứng kiến đợt điều chỉnh mạnh, giảm hơn 3% về mức 3.279,10 USD/ounce. Tuy nhiên, theo Bart Melek – trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa tại TD Securities. đợt giảm giá này chỉ là tạm thời, và đà tăng dài hạn của vàng vẫn chưa kết thúc.
Trong buổi phỏng vấn gần đây với Kitco News, Melek cho biết đà tăng mạnh khiến vàng rơi vào trạng thái "quá mua" (overbought) trên một số chỉ báo kỹ thuật, dẫn đến áp lực điều chỉnh ngắn hạn. Tuy nhiên, nhìn chung, thị trường có quan điểm khá chủ quan với vàng.
Melek nhận định, nếu điều chỉnh giá vàng theo lạm phát từ thập niên 1970, mức đỉnh lịch sử của vàng phải lên đến khoảng 3.544 USD/ounce. Đây có thể là mục tiêu kỹ thuật có thể đạt được trong xu hướng tăng hiện tại.
“Xét theo tỷ lệ giữa giá vàng và chi phí khai thác, vàng vẫn còn cơ hội tăng giá,” ông nói.
Mặc dù vậy, nếu thị trường có điều chỉnh sâu hơn, mức 3.100 USD/ounce sẽ là ngưỡng hỗ trợ quan trọng cần theo dõi.
Melek chỉ ra rằng, phần lớn các nhà đầu tư theo xu hướng, đặc biệt là nhóm CTA (commodity trading advisors), hiện đang nắm giữ vị thế mua trong thị trường vàng tương lai. Việc này có thể gây áp lực ngắn hạn nếu nhóm này bắt đầu chốt lời ở vùng giá cao.
Trái lại, các nhà đầu tư cá nhân không thuộc nhóm CTA, tức là các nhà giao dịch mang tính chủ động, vẫn đứng ngoài cuộc. Nguyên nhân chính là chi phí nắm giữ vàng (cost of carry) hiện vẫn khá cao, do lạm phát kéo dài và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chưa có động thái rõ ràng về việc cắt giảm lãi suất.
Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục chờ thêm dữ liệu kinh tế trước khi điều chỉnh chính sách tiền tệ.
Tuy nhiên, Melek dự báo rằng tăng trưởng kinh tế yếu đi sẽ gây áp lực cho Fed hạ lãi suất, tạo cú hích mới cho nhu cầu đầu tư vào vàng.
Melek nhấn mạnh, vàng vẫn đóng vai trò là một tài sản phòng hộ rủi ro quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại ngày càng gia tăng về vai trò suy yếu của đồng USD với tư cách là đồng tiền dự trữ toàn cầu.
“Nếu thị trường chứng khoán ảm đạm, vàng thường là nơi trú ẩn hiệu quả,” ông nói. “Sự suy yếu của đồng USD cùng với những dấu hiệu bất thường trên thị trường trái phiếu cho thấy vàng có thể hưởng lợi lớn trong thời gian tới.”
Một minh chứng rõ nét cho tiềm năng đối với vàng là lượng vàng trong các quỹ ETF vẫn thấp hơn 20% so với mức đỉnh năm 2020, dù đã có dòng tiền đổ vào đáng kể trong năm nay.
Đáng chú ý, Trung Quốc đã trở thành khu vực có nhu cầu đầu tư vào vàng ETF tăng mạnh, trong bối cảnh các nhà đầu tư nước này tìm cách bảo vệ tài sản trước ảnh hưởng của chiến tranh thương mại.
Ngoài ra, các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng liên tục mua vàng nhằm đa dạng hóa kho dự trữ ngoại tệ và giảm phụ thuộc vào đồng USD.
“Các ngân hàng trung ương sẽ tiếp tục mua vàng vì họ bắt đầu lo ngại về mức độ tin cậy của Mỹ trong vai trò là một đối tác thương mại,” Melek kết luận.
Tham khảo Kitco News