Trải qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 cộng với biến động của tình hình chiến sự Nga – Ukraine, tuy nhiên Việt Nam đã, đang và tiếp tục có những chính sách để phục hồi và ổn định kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
Nhiều gam màu tối
Theo ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, dịch bệnh Covid-19 khiến cho tăng trưởng kinh tế của nước ta giai đoạn 2020-2021 ở mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây.
Theo tính toán của Chính phủ, nếu không có các giải pháp hỗ trợ nền kinh tế, dự báo tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 chỉ đạt 5,4%/năm, thấp hơn đáng kể so với mục tiêu đặt ra (6,5-7%/năm), nguy cơ tụt hậu so với khu vực và thế giới là rất lớn.
Còn ông Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê chia sẻ, trước biến động của tình hình chiến sự Nga – Ukraine, cộng thêm các cú sốc hậu Covid đã khiến kinh tế Việt Nam “lao đao”. Tuy nhiên nhìn tổng thể bức tranh kinh tế trong những tháng đầu năm 2022 có khởi sắc.
Theo đó, GDP quý I/2022 tăng 5,03% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020 và 2021. Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2022 tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2021. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2022 đạt 242,19 tỷ USD. Lao động 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý I/2022 tăng 962,4 nghìn người so với quý trước.
Tuy nhiên, ông Lâm cũng nhấn mạnh bức tranh kinh tế còn nhiều gam màu tối, như ngành nông nghiệp đang đối mặt với những khó khăn khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, khai thác thủy sản chịu ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu.
Ngành xây dựng có mức tăng thấp, phản ánh khó khăn của ngành này khi triển khai giải ngân vốn đầu tư và thực hiện xây lắp do giá vật liệu xây dựng tăng cao.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 4 tháng đầu năm tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, loại trừ yếu tố giá tăng 4,3%, thấp hơn 2,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, 4 tháng đầu năm 2022 có tới 61,6 nghìn doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường.
Trước những biến động khó lường của cuộc chiến Nga – Ukraine và giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao, đã có một số dự báo về vấn đề lạm phát của Việt Nam năm 2022 và 2023.
Đại diện IMF khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhận định, lạm phát năm 2022 của Việt Nam tăng 3,9%, sát ngưỡng mục tiêu kiểm soát 4% đặt ra.
Ngân hàng Standard Chartered dự báo lạm phát năm 2022 của Việt Nam vượt mục tiêu 4% Quốc hội đề ra và có thể lên 5,5% trong năm 2023.
Công ty Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) dự báo nếu giá dầu bình quân năm 2022 ở mức 80 USD/thùng, lạm phát năm 2022 của Việt Nam có thể đạt mức 4,5%; tuy nhiên nếu giá dầu duy trì trên ngưỡng 100 USD/thùng lạm phát có thể tăng lên mức 5,1%.
Căn cứ vào các yếu tố tác động từ lạm phát chuỗi cung ứng, thiếu hụt nguồn cung, tổng cầu tăng đột biến, thiếu hụt lao động, giá cả nguyên vật liệu, lương thực tăng cao… ông Nguyễn Bích Lâm nhận định, lạm phát của Việt Nam năm 2022 nằm trong khoảng 4% - 4,5%.
Bên cạnh đó, với độ trễ của gói phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, dự báo năm 2023 lạm phát vẫn ở mức cao khoảng 5%- 5,5%. Lạm phát cả giai đoạn 2021-2025 khoảng 4%.
Dư địa phục hồi
Theo TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, triển vọng lạc quan về kinh tế Việt Nam dựa trên các cơ sở: dịch bệnh sẽ được kiểm soát tốt hơn trong năm nay; Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023 với đầu tư công được đẩy mạnh; tỷ giá, lãi suất cơ bản ổn định; tác dụng của RCEP bắt đầu có hiệu lực… Các yếu tố này sẽ tạo ra các động lực cho phục hồi tăng trưởng mạnh hơn.
TS. Cấn Văn Lực đã đưa ra dự báo 3 kịch bản tăng trưởng GDP cho kinh tế Việt Nam trong năm 2022. Theo đó, ở kịch bản tiêu cực, GDP Việt Nam năm 2022 chỉ tăng trưởng 4,5-5%; ở kịch bản cơ sở, GDP sẽ tăng từ 5,5-6%; ở kịch bản tích cực, GDP sẽ tăng từ 6-6,5%. Dự báo năm 2023, kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng, GDP sẽ tăng từ 6,5-7%.
Dự báo về kinh tế Việt Nam 2022-2023, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, theo tính toán của Chính phủ khi trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ, việc thực hiện Chương trình được dự báo góp phần tăng trưởng GDP thêm khoảng 2,9% trong năm 2022 và 0,2% trong năm 2023, tạo điều kiện hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân 6,5 - 7%/năm trong giai đoạn 2021-2025; bảo đảm ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động, giữ tỷ lệ thất nghiệp ở mức ổn định khoảng 2-3%.
Còn CEO FiinGroup Nguyễn Quang Thuân nhận định, GDP dự kiến tăng trưởng ở mức 6%-7% trong 2 năm 2022 – 2023 nhờ sự phục hồi của tiêu dùng nội địa, xuất khẩu, các hoạt động đầu tư của cả khối tư nhân và nhà nước; triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế 350.000 tỷ đồng của Chính phủ.
Ông Thuân nhìn nhận, dư địa cho hồi phục và tăng trưởng kinh tế tiếp tục vẫn còn lớn, bởi các nhóm ngành đang hồi phục, nhưng hầu hết chưa về mức độ tăng trưởng trước khi Covid-19 diễn ra.
Cũng góc nhìn tích cực, ông Francois Painchaud, Trưởng đại diện Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) tại Việt Nam dự báo, GDP của Việt Nam năm 2022 sẽ đạt 6% và 7,2% trong năm 2023. Lạm phát dự kiến sẽ tăng lên, nhưng vẫn thấp hơn một chút so với mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước là 4%. Tuy nhiên, vẫn sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế.
Trong ngắn hạn, Việt Nam cần hoạch định chính sách mau lẹ, chủ động điều chỉnh quy mô và cấu phần hỗ trợ chính sách để phù hợp với tốc độ phục hồi. Nếu rủi ro tăng trưởng chậm lại trở thành hiện thực khi Việt Nam phải đối phó với áp lực lạm phát, chính sách tài khóa nên đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên mà không cần đến sự hỗ trợ thêm của chính sách tiền tệ.
“Mặc dù tình hình thế giới có nhiều diễn biến phức tạp nhưng nhìn chung nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phục hồi và có nhiều dấu hiệu khởi sắc ở một số ngành, lĩnh vực”
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương