TGĐ Đặng Thanh Thuỷ tiết lộ ‘thiên thời – địa lợi – nhân hoà’ của Vinpearl, khai màn làn sóng IPO tỷ đô cho chứng khoán Việt

Tri Túc - Hải An | 22:30 15/07/2025

Đình đám với mô hình hệ sinh thái nghỉ dưỡng – vui chơi giải trí quy mô hàng đầu khu vực hay tạo nên dấu ấn với đại nhạc hội vươn tầm quốc tế - 8Wonder, Vinpearl năm 2025 lại tạo ra thêm một ‘sự kiện bom tấn’, lần này là trên thị trường chứng khoán.

TGĐ Đặng Thanh Thuỷ tiết lộ ‘thiên thời – địa lợi – nhân hoà’ của Vinpearl, khai màn làn sóng IPO tỷ đô cho chứng khoán Việt

Ngày 13/5, hơn 1,79 tỷ cổ phiếu VPL chính thức giao dịch trên sàn HoSE với định giá lên đến 6 tỷ USD – nhanh chóng vượt các tên tuổi lớn để lọt Top doanh nghiệp vốn hoá cao nhất sàn.

Lần gần nhất thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến một doanh nghiệp lên sàn được định giá tỷ USD là vào năm 2018, khi Vinhomes (VHM) niêm yết với giá trị 10 tỷ USD. Năm 2025, một ‘người khổng lồ’ như Vinpearl cất bước ngoài việc tạo ra niềm hân hoan về món hàng mới thì đồng thời cũng khiến các nhà đầu tư tò mò: VPL sẽ khiến cho các cổ phiếu họ Vin tạo ra tác động lớn hơn đến chỉ số VN-Index?

Trước VPL, thị trường đã quá quen với sức nặng của những cái tên như VIC, VHM và VRE trên bảng điện tử. Nhưng ông Đặng Thanh Thủy - Tổng Giám đốc Vinpearl đưa ra một góc nhìn khác.

“Với việc Vinpearl niêm yết, chúng tôi hy vọng các doanh nghiệp đầu đàn trong những ngành kinh tế khác, ít nhất là khối doanh nghiệp tư nhân, cũng sớm niêm yết, vừa tạo thêm “hàng hóa” cho thị trường, vừa giúp chỉ số VN-Index phản ánh đúng hơn bức tranh về nền kinh tế”, ông Thủy chia sẻ.

Bỏ qua cuộc tranh luận về sức nặng lên chỉ số, một câu hỏi khác mang tầm vóc chiến lược hơn cần được giải đáp: Vì sao Vinpearl niêm yết thời điểm này? Vị Tổng giám đốc đã gói gọn trong ba yếu tố ‘thiên thời – địa lợi – nhân hòa’.

vin-web-04.jpg

Việc quay trở lại sàn chứng khoán luôn nằm trong kế hoạch phát triển của Vinpearl, tuy nhiên, tiến độ đã bị ảnh hưởng ít nhiều do đại dịch Covid.

Năm 2025, “thiên thời” cho Vinpearl đến từ sự phục hồi của ngành du lịch. Đưa ra số liệu từ Fortune Business Insight, ông Đặng Thanh Thuỷ cho biết, thị trường du lịch tại Châu Á - Thái Bình Dương được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu trong thời gian tới. Đặc biệt, Việt Nam nổi lên là điểm đến mới đầy tiềm năng với hệ sinh thái trải nghiệm đa dạng và phong phú cho mọi đối tượng du khách.

Năm 2024, Việt Nam vượt qua cường quốc du lịch Singapore để vươn lên hạng 3 Đông Nam Á về lượt khách quốc tế, đồng thời ghi nhận tốc độ tăng trưởng hàng năm đứng đầu khu vực. Chỉ trong 5 tháng đầu năm 2025, tổng lượt khách quốc tế tới Việt Nam đã đạt 9,2 triệu, tăng hơn 21% so với cùng kỳ.

Dòng khách không chỉ đến từ các thị trường truyền thống mà còn ghi nhận mức tăng trưởng vượt bậc từ những thị trường mới nổi như Hungary (320%), Thổ Nhĩ Kỳ (288%), hay Ba Lan (153%)…

Thị trường cũng chứng kiến sự chuyển dịch rõ rệt trong xu hướng du lịch của người Việt, với du lịch nội địa trở thành lựa chọn ưu tiên. Theo khảo sát của Traveloka, 49% người Việt chọn khám phá các điểm đến trong nước, trong khi chỉ 31% ưu tiên du lịch quốc tế, qua đó phần nào phản ánh nhu cầu ngày càng lớn của người dân trong việc tìm hiểu văn hóa, trải nghiệm thiên nhiên và tận hưởng những không gian thư giãn cao cấp ngay trong chính đất nước mình.

Rõ ràng, du lịch Việt đang chuyển mình mạnh mẽ, không còn là điểm đến thay thế, mà đã trở thành lựa chọn xứng tầm, đủ sức cạnh tranh với các thị trường quốc tế. Cộng hưởng với điều kiện thuận lợi đó là các chính sách quyết liệt của Chính phủ về visa, quảng bá quốc tế và đầu tư nâng cấp sản phẩm du lịch.

vin-web-20.jpg

Khi gió đông đã nổi, đến lúc yếu tố ‘địa lợi’ - sức mạnh nội tại của Vinpearl – được phát huy. Gần 25 năm, Vinpearl đã gây dựng được một nền tảng trải nghiệm quy mô lớn nhất Việt Nam: 48 cơ sở tại 18 tỉnh thành trên toàn quốc, gồm 31 khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao với công suất 16.100 phòng, 12 quần thể công viên và khu vui chơi giải trí quy mô lớn, 01 công viên bảo tồn và chăm sóc động vật bán hoang dã đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam, 04 sân golf và 01 trung tâm hội nghị ẩm thực tiêu chuẩn quốc tế.

Vinpearl cũng là đơn vị tiên phong phát triển mô hình quần thể du lịch tất cả trong một tại Việt Nam, sánh ngang với các mô hình đẳng cấp trong khu vực như Resorts World Sentosa tại Singapore – Ông Thuỷ nhận định. Sản phẩm nổi bật của doanh nghiệp này là các công viên vui chơi giải trí, với biên EBITDA cao tới hơn 60%, được ví như những ‘cỗ máy in tiền’.
Với những dự án quy mô lớn đang vận hành như VinWonders Nha Trang và kế hoạch xây dựng các tổ hợp công viên hiện đại hơn 100ha tại các đại dự án của Vingroup tại Cần Giờ và Hạ Long, Vinpearl đang cho thấy tầm nhìn dài hạn khi đầu tư mạnh vào lĩnh vực giải trí – ngành có tiềm năng sinh lời cao.

Trước khi lên sàn, Vinpearl đã thực hiện một cuộc tái cấu trúc. Năm 2023, Vinpearl thực hiện chia tách, lập một công ty mới là CTCP Thương mại và Kinh doanh Ngọc Việt (do Vingroup nắm 99,96% vốn điều lệ).

Công ty báo lợi nhuận sau thuế 3 năm gần nhất (2022-2024) lần lượt là 4.230 tỷ đồng, 671 tỷ đồng và 2.550 tỷ đồng.

Tại thời điểm cuối năm 2024, tổng quy mô tài sản của Vinpearl đạt 76.483 tỷ đồng, tăng 73,6% so với đầu năm. Trong đó, vốn chủ sở hữu đạt hơn 31.000 tỷ đồng, tăng 2,3 lần, chủ yếu nhờ khoản thặng dư vốn cổ phần tăng thêm 11.300 tỷ đồng và hơn 3.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Vào tháng 2/2025, Vinpearl tiếp tục phát hành riêng lẻ hơn 70 triệu cổ phiếu cho 105 nhà đầu tư với giá bình quân 71.350 đồng/cổ phiếu, qua đó huy động thành công hơn 5.000 tỷ đồng và nâng vốn điều lệ lên 17.933 tỷ đồng.

vin-web-21.jpg

Cuối cùng, là yếu tố ‘Nhân hòa’.

Thị trường Việt Nam, trong nỗ lực được nâng hạng, đang ‘khát’ những doanh nghiệp tầm cỡ. “Các nhà đầu tư, đặc biệt là khối nhà đầu tư tổ chức quốc tế, ngày càng kỳ vọng vào sự xuất hiện của những doanh nghiệp có quy mô lớn, minh bạch, và hoạt động trong các ngành có tiềm năng tăng trưởng dài hạn – đây chính là cơ hội cho Vinpearl”, ông Thủy phân tích.

Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay vẫn còn khá tập trung, với phần lớn các doanh nghiệp vốn hóa lớn đến từ một số lĩnh vực truyền thống như tài chính – ngân hàng hoặc bất động sản. Trong bối cảnh đó, việc Vinpearl lên sàn đã góp phần đa dạng hóa danh mục đầu tư cho nhà đầu tư trong và ngoài nước.

vin-web-22.jpg

Việc Vinpearl lên sàn không chỉ mang lại lợi ích cho riêng doanh nghiệp mà còn được kỳ vọng sẽ tạo ra một cú huých đối với toàn thị trường.

Thứ nhất, theo Tổng Giám đốc Vinpearl, Công ty sẽ chủ động tiếp cận được đa dạng nguồn vốn cho chu kỳ tăng trưởng mới, đón đầu dư địa phát triển còn rất lớn của ngành du lịch Việt Nam trong bối cảnh nguồn cung còn ít, đặc biệt với lĩnh vực công viên giải trí. Nguồn vốn này là ‘nhiên liệu’ để công ty triển khai các dự án trọng điểm.

“Trong tương lai, Vinpearl sẽ chú trọng tập trung phát triển các dự án vui chơi giải trí với quy mô lớn, sánh ngang hoặc hơn cả các công viên giải trí trong khu vực” – Ông Thuỷ nhấn mạnh.

Thứ hai, việc có mặt trên sàn chứng khoán giúp Vinpearl tiếp cận các dòng vốn chiến lược chất lượng cao. Qua đó không chỉ mang lại lợi ích về tài chính mà còn góp phần nâng tầm quản trị, công nghệ, điều hành và kết nối quốc tế. Sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược quốc tế sẽ giúp Vinpearl xây dựng cơ cấu cổ đông cân bằng và có chiều sâu.

vin-web-23.jpg

Đối với thị trường chứng khoán, đây là một sự kiện mang tính lịch sử. Nhìn lại quá khứ, những con sóng lớn của VN-Index đều mang đậm dấu ấn của các thương vụ “bom tấn” lên sàn.

Giai đoạn 2006-2007, doanh nghiệp đình đám đổ bộ lên sàn đẩy VN-Index tiến sát 1.200 điểm. Giai đoạn 2015-2018, loạt doanh nghiệp Nhà nước, tư nhân lớn lên sàn, bán vốn đưa chỉ số trở lại mốc 1.200 sau một thập kỷ. Gần nhất là 2020-2021, bên cạnh câu chuyện tiền rẻ, làn sóng cổ phiếu ngân hàng lên sàn là động lực quan trọng thúc đẩy thị trường lập đỉnh trên 1.500 điểm.

Rõ ràng, hàng hoá mới, chất lượng là xúc tác không thể thiếu nhưng lại khan hiếm trong những năm gần đây. Vì vậy, thương vụ Vinpearl niêm yết được kỳ vọng sẽ kích hoạt hiệu ứng “domino”, kéo theo một loạt “bom tấn” lên sàn thời gian tới.

Sau Vinpearl, nhiều tên tuổi đáng chú ý như Techcombank Securities (TCBS), F88 cũng đang rục rịch IPO. Xa hơn, thị trường có thể kỳ vọng thêm những cái tên như THACO AUTO, Bách Hóa Xanh, Golden Gate và Highlands Coffee... Đại diện CTCK Vietcap cũng cho rằng 2025 sẽ là năm thị trường tái khởi động lại làn sóng IPO, trong đó rất cần những thương vụ “xúc tác” như Vinpearl.

vin-web-24.jpg

Đứng sau sự tự tin của Vinpearl không chỉ là các yếu tố thị trường, mà còn là một bệ phóng từ chính sách vĩ mô. Các chính sách quyết liệt của Chính phủ, đặc biệt là “Bộ tứ trụ cột” – bao gồm các Nghị quyết số 57, 59, 68 và 66 về khoa học công nghệ, hội nhập quốc tế, kinh tế tư nhân và xây dựng pháp luật – đang mở ra những cơ hội chưa từng có cho ngành du lịch.

“Bộ tứ trụ cột” được kỳ vọng sẽ tạo điều kiện để Việt Nam tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị du lịch toàn cầu, tiếp cận dòng khách quốc tế chất lượng cao, tạo cơ hội phát triển các sản phẩm có chiều sâu, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu của du khách, từng bước đưa nước ta trở thành điểm đến nổi bật trên thế giới.

Đồng thời, việc cải cách thể chế, đơn giản hóa thủ tục hành chính sẽ trực tiếp tháo gỡ những nút thắt khiến ngành du lịch bị “nghẽn mạch” lâu nay - từ phê duyệt quy hoạch, đầu tư, đến cấp phép lưu trú, lữ hành.

vin-web-25.jpg

“Khi đó, so với các nước khác vốn được coi là “đối thủ” của du lịch Việt Nam, ngành du lịch sẽ có thêm điều kiện bứt phá cả về quy mô và chất lượng” – Ông Đặng Thanh Thuỷ khẳng định.

Hơn thế nữa, việc khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân sẽ mở rộng cơ hội đầu tư vào các tổ hợp nghỉ dưỡng, công viên giải trí, sản phẩm trải nghiệm văn hoá – sinh thái – cộng đồng. Các doanh nghiệp du lịch tư nhân, đặc biệt là các tập đoàn lớn, sẽ có thêm dư địa để đổi mới mô hình, phát triển dịch vụ cao cấp.

Trong kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam với “Bộ tứ trụ cột” là kim chỉ nam, khi GDP tăng trưởng, tầng lớp trung lưu tăng lên, đó sẽ là những động lực để chi tiêu cho du lịch được đẩy mạnh, góp phần hiện thực hóa mục tiêu để ngành du lịch đóng góp 13-14% tổng GDP vào năm 2030.

vin-web-26.jpg

Lên sàn chưa bao giờ là vạch đích, nó chỉ là phát súng hiệu cho một cuộc đua mới. Phía trước Vinpearl là một con đường với cả những giấc mơ lớn và những áp lực không nhỏ.

Giấc mơ của họ rất rõ ràng và đầy triển vọng. “Vinpearl đặt mục tiêu vươn lên trở thành doanh nghiệp nghỉ dưỡng và vui chơi giải trí hàng đầu trong khu vực, từng bước khẳng định tên tuổi trên bản đồ du lịch quốc tế. Qua đó, Vinpearl sẽ trực tiếp góp phần quan trọng trong việc quảng bá và nâng tầm thương hiệu du lịch Việt Nam”, TGĐ doanh nghiệp chia sẻ về tầm nhìn.

Nhưng đi cùng giấc mơ là áp lực.

Ông Đặng Thanh Thủy thẳng thắn thừa nhận: “Sự phát triển nhanh chóng và quy mô ngày càng mở rộng của hệ thống Vinpearl trong những năm qua đặt ra cho chúng tôi thách thức giải quyết bài toán phát triển nguồn nhân lực.”

vin-web-27.jpg

Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt của ngành du lịch toàn cầu, việc duy trì chất lượng dịch vụ xuất sắc trên toàn hệ thống là một thách thức lớn đối với bất kỳ doanh nghiệp nào – đặc biệt là với quy mô vận hành rộng khắp như Vinpearl.

Nhận thức rõ điều đó, Vinpearl xác định bài toán nhân sự không thể giải quyết theo cách tiếp cận thông thường. Doanh nghiệp đã và đang đầu tư nghiêm túc vào chiến lược phát triển nhân lực một cách bài bản, gắn chặt với đào tạo thực tiễn, đồng thời chủ động thu hút nhân tài trong và ngoài nước. Chiến lược này được triển khai đồng thời ở hai cấp độ: vừa xây dựng lực lượng nhân viên tinh nhuệ, linh hoạt, có khả năng thích ứng cao; vừa phát triển đội ngũ quản lý mang tư duy toàn cầu, đủ năng lực điều hành các quần thể phức hợp, quy mô lớn.

Bên cạnh đó, ông Thủy lưu ý, “sự ổn định và đồng bộ của hệ thống chính sách vẫn là yếu tố cần được đảm bảo” để doanh nghiệp yên tâm phát triển dài hạn.

Thành công thực sự của Vinpearl sau này sẽ được đo bằng việc họ vượt qua những khó khăn to lớn ra sao để đạt được mục tiêu vươn tầm quốc tế, chứ không chỉ bằng những con số trên bảng điện tử. Chặng đường mới của Vinpearl, từ đây mới chính thức bắt đầu.

Bài: Tri Túc

Thiết kế: Hải An 


(0) Bình luận
TGĐ Đặng Thanh Thuỷ tiết lộ ‘thiên thời – địa lợi – nhân hoà’ của Vinpearl, khai màn làn sóng IPO tỷ đô cho chứng khoán Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO