Cần để người dân cảm thấy “mình được thu hồi đất”

Lê Sáng | 10:00 03/08/2022

Theo các chuyên gia, Luật đất đai sửa đổi cần đưa ra được những công cụ kỹ thuật giúp xác định được bản chất và nội hàm của các dự án thu hồi đất cũng như đảm bảo nguyên tắc hài hòa lợi ích.

Cần để người dân cảm thấy “mình được thu hồi đất”
Thu hồi đất là vấn đề nóng được người dân, xã hội và thị trường bất động sản hết sức quan tâm trong quy định của Luật đất đai sửa đổi. (Ảnh minh họa)

Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi vốn được người dân, doanh nghiệp hết sức mong chờ.

Dự thảo được đăng tải không lâu sau khi Ban chấp hành Trung ương ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách đất đai (Nghị quyết 18).

Một điểm đáng chú ý, Nghị quyết 18 đặt ra yêu cầu hoàn thiện cơ chế, chính sách đất đai để “bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư”; “Đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội”.

Thực tế, thu hồi đất là việc Nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính nhằm thu hồi quyền sử dụng đất của chủ thể này để giao cho một chủ thể khác - công việc luôn tiềm ẩn nguy cơ xung đột, bất bình đẳng xã hội, tiêu cực, lợi ích nhóm và gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Thời gian qua, theo thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thì số lượng và tỷ lệ các vụ việc khiếu kiện kéo dài về đất đai đều có liên quan đến công tác thu hồi đất, đền bù, giải phóng mặt bằng tại các địa phương trên cả nước.

Liên quan đến nội dung về thu hồi đất trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang được Bộ TN&MT lấy ý kiến, ThS Nguyễn Văn Đỉnh, Chuyên gia pháp lý đầu tư, bất động sản cho rằng hiện Dự thảo vẫn sử dụng kỹ thuật liệt kê các loại hình dự án được thu hồi đất giống như Luật Đất đai hiện hành mà không làm rõ bản chất, nội hàm của thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội.

Cụ thể, tại điều 67 Dự thảo hiện quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, gồm 8 khoản.

Theo đó, dự thảo đang liệt kê các loại hình dự án; phân loại dự án theo cấp quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư; nguồn vốn sử dụng... giống như Luật Đất đai năm 2013 mà không làm rõ bản chất, nội hàm của thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội; nội hàm của lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.

Theo ThS Nguyễn Văn Đỉnh, việc liệt kê như trên sẽ dẫn đến việc trong thực tế rất khó minh định được đâu là loại hình dự án thuộc diện thu hồi đất vì rõ ràng một dự án kinh tế của doanh nghiệp, xét ở góc độ nào đó cũng vẫn đem lại lợi ích công cộng và phát triển kinh tế xã hội.

Liên quan đến những quy định về công tác thu hồi đất được đưa ra trong Dự thảo Luật đất đai sửa đổi, theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung, Phó Trưởng ban Pháp chế Hiệp hội bất động sản Việt Nam thì Dự thảo (điều 67) cần quy định rõ hơn bộ tiêu chí để phân biệt rõ ràng, tách bạch, dự án nào thì nhà nước đứng ra thu hồi đất dựa trên giá do nhà nước quy định và dự án nào thì do chủ đầu tư, có thể nhà nhà nước hoặc doanh nghiệp phải đứng ra nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo giá thỏa thuận.

Khi đã có quy định rõ ràng sẽ giúp tăng khả năng tiếp cận đất đai cho doanh nghiệp, giải quyết những bất cập của giá đất, để hạn chế một cách tối đa lợi ích nhóm từ chênh lệch địa tô…. đồng thời kiểm soát được quyền lực của Nhà nước trong giao đất, cho thuê đất và thu hồi đất, hoàn thiện chế định thu hồi đất, bảo vệ quyền lợi của người nông dân, những người dân có cuộc sống mưu sinh từ đất để họ cảm thấy là "được" chứ không phải "bị" thu hồi đất, PGS.TS Doãn Hồng Nhung nhận định.

Bên cạnh đó, theo nhận định một Luật sư thành viên Đoàn Luật sư Hà Nội thì việc điểm c, khoản 3, điều 67 Dự thảo Luật đất đai sửa đổi hiện quy định các dự án khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn thuộc phạm vi thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng cũng cần được xem xét, cân đối kỹ.

Theo đó, vi Luật sư cho rằng nếu quy định như trên thì đã bao hàm hầu như toàn bộ các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản. Trong khi đó, thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết các dự án này đều do các doanh nghiệp thực hiện với mục tiêu cuối cùng và trên hết là kinh tế.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cần để người dân cảm thấy “mình được thu hồi đất”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO