Bất động sản tuần qua: Vốn “rẻ” liệu có làm nóng thị trường?

Lê Sáng (T/h) | 08:31 30/03/2025

Chuyên gia lo ngại thị trường bất động sản sẽ nóng lên quá mức khi dòng tín dụng “rẻ” chảy vào; Đề xuất cho doanh nghiệp trong KCN tự xây nhà ở công nhân; Hà Nội cấp “luồng xanh” cho 2 dự án nhà ở xã hội; là một số tin tức nổi bật tuần qua.

Bất động sản tuần qua: Vốn “rẻ” liệu có làm nóng thị trường?

Vốn rẻ, bất động sản lại nóng

Theo Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), sau 2 năm vật lộn vì lãi suất cao và tín dụng bị siết chặt, thị trường bất động sản đã dần hồi phục và có dấu hiệu bật tăng khi ngân hàng Nhà nước nới lỏng chính sách tiền tệ. Mặt bằng lãi suất giảm và chủ trương bơm mạnh vốn hơn vào nền kinh tế đang kích thích kênh đầu tư bất động sản.

Tuy vậy, VARS cho rằng, cơn sốt đất đang xảy ra có sự tác động của các nhóm đầu cơ và cảnh báo hiện tượng sốt ảo, nhà đầu tư cần thận trọng. Cụ thể, thời gian gần đây, lợi dụng việc điều chỉnh bảng giá đất mới, nhất là thông tin về việc sáp nhập một số địa phương, nhiều cá nhân, tổ chức nắm bắt tâm lý người tiêu dùng, nhà đầu tư, đánh vào tâm lý đám đông, tạo hội chứng FOMO (sợ bị đứng ngoài cuộc), kích thích nhu cầu mua bất động sản.

TS. Lê Duy Bình, Giám đốc Economica Việt Nam cho rằng, việc tiền đang chảy mạnh vào bất động sản không hẳn xấu, bởi muốn tăng trưởng kinh tế 8% trở lên, không thể không phát triển thị trường bất động sản, xây dựng. Tuy vậy, chuyên gia này cũng thừa nhận, đang có tình trạng vốn chảy vào bất động sản đầu cơ.

“Điều này cho thấy, việc cấu trúc lại phân khúc thị trường bất động sản rất quan trọng. Nếu thị trường bất động sản thiếu sản phẩm để đầu tư và tiêu dùng, người dân sẽ lao vào đầu cơ”, TS. Bình cảnh báo.

Thị trường bất động sản đang có dấu hiệu nóng trở lại như trước thời điểm xảy ra đổ vỡ trái phiếu Tân Hoàng Minh năm 2022, song việc sốt nóng cục bộ hơn và chỉ diễn ra ở một số phân khúc. Các chuyên gia cảnh báo, một số phân khúc bất động sản đầu cơ đang như “hòn than” cháy trở lại, được chuyền tay nhau với độ nóng ngày càng gia tăng và hậu quả người cầm cuối cùng sẽ phải gánh chịu, kéo theo hệ lụy cho cả nền kinh tế.

TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, năm nay, thị trường bất động sản đứng trước triển vọng phục hồi tốt hơn năm ngoái. Tuy nhiên, giá bất động sản đang khá cao và cần có giải pháp để mặt bằng giá điều chỉnh phù hợp hơn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, việc nhiều người mua đất đầu cơ, mua đi bán lại kiếm lời gây rủi ro tương lai không chỉ riêng với nhà đầu tư hay doanh nghiệp, mà với toàn bộ nền kinh tế. Nếu các bên cứ tiếp tục đẩy giá lên cao, kỳ vọng vào giá ảo, giao dịch ảo mà không đánh giá đúng, thì đến một thời điểm nào đó, thị trường sẽ không có thanh khoản.

Đất nền có dấu hiệu "sốt nóng" trở lại

Đất nền ven đô và một số tỉnh thành thời gian qua sôi động, đây là những dấu hiệu “sốt nóng” trở lại. Tuy nhiên, trên thực tế nhu cầu ở thực là ít mà chủ yếu do yếu tố đầu cơ và thoát hàng là nhiều.

sot-dat-cuoi-nam-vietnamnet-2-16472277271192110254004.jpg

Cả nước đang chứng kiến thị trường bất động sản sôi động từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, đặc biệt sau khi có thông tin sáp nhập một số tỉnh, thành, đất nền tại các huyện ngoại thành và các tỉnh thành lân cận Hà Nội bỗng “sốt hầm hập”.

Đơn cử, như tại huyện Đan Phượng, “ăn theo” dự án của một “ông lớn” bất động sản, đất thổ cư tại khu vực Tân Lập, Tân Hội tăng gấp đôi so với trước Tết Nguyên đán 2025.

Khảo sát của MarketTimes cho biết, các môi giới bất động sản ở Đan Phượng hiện đang rao bán các nền đất thổ cư trong ngõ, xe ba gác tránh có giá từ 75-100 triệu đồng/m2. Những lô đất bám mặt đường xã, gần dự án lớn đang được rao 135 triệu đồng/m2. Hay như đất đấu giá ở Tân Hội được rao 200 triệu đồng/m2. Theo dữ liệu lịch sử giá đất, giá đã tăng 77,2% trong vòng 1 năm qua.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam (VARS) cho rằng, xu hướng "săn" đất đang tăng tại một số khu vực, nhưng nhà đầu tư cần thận trọng trước các cơn sốt ảo. Nhà đầu tư cần tìm hiểu kỹ mặt bằng giá đất khu vực dự kiến đầu tư và nắm rõ tiến độ thay đổi quy hoạch để đánh giá rủi ro và khả năng tăng trưởng. Đồng thời, yếu tố thanh khoản và tạo dòng tiền từ BĐS cũng cần được đặt lên hàng đầu. Những nơi có kế hoạch triển khai quy hoạch cụ thể và đang trong giai đoạn triển khai hạ tầng hay các dự án được đầu tư đồng bộ, hiện đại, với nhiều chính sách “thu hút” người dân về ở sẽ là lựa chọn an toàn hơn so với các khu vực chỉ được đẩy giá theo tin đồn.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

>>

HoREA đề xuất cho doanh nghiệp tự xây dựng nhà ở công nhân trong khu công nghiệp

HoREA đề nghị cần có cơ chế thí điểm cho phép doanh nghiệp được đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.

Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã đưa ra ý kiến đề xuất rằng các doanh nghiệp nên được phép tự xây dựng chỗ ở cho công nhân trong khu công nghiệp và có quyền thuê nhà bên ngoài khu công nghiệp để bố trí cho công nhân lưu trú.

kcn-2308.jpeg

Trong văn bản gửi Thủ tướng nhằm góp ý về dự thảo thí điểm các cơ chế, chính sách đặc thù thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, HoREA kiến nghị bổ sung quy định cho phép các doanh nghiệp, hợp tác xã, hoặc liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp tự đầu tư xây dựng nhà lưu trú dành cho công nhân. Các khoản chi phí liên quan đến việc xây dựng và thuê nhà ở cho công nhân cần được xem là chi phí hợp pháp, được phép đưa vào chi phí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Ngoài ra, HoREA còn đề xuất mở rộng chính sách, cho phép các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được thuê nhà ở xã hội hoặc nhà lưu trú công nhân do các nhà đầu tư xây dựng bên ngoài khu công nghiệp.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

>>

Hà Nội cấp "luồng xanh" cho 2 dự án nhà ở xã hội

Thành phố Hà Nội vừa có chỉ đạo về công tác triển khai 5 dự án nhà ở xã hội trên địa bàn, trong đó, 2 dự án được thực hiện các thủ tục theo "luồng xanh".

noxh-quang-ninh-1740757737-174-7864-3131-1740757906.jpg
Ảnh minh họa

Văn phòng UBND Thành phố Hà Nội vừa có Văn bản số 148/TB-VP ngày 24/3/2025, thông báo kết luận của Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn tại cuộc họp nghe báo cáo về tình hình triển khai thực hiện 05 khu nhà ở xã hội tập trung trên địa bàn gồm: Dự án Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 1 và xây dựng Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 2; Dự án Khu nhà ở xã hội tập trung tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh; Dự án tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; Dự án tại ô đất C1-5 thuộc Quy hoạch phân khu dô thị S5 thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín.

Đối với 02 dự án đầu tư xây dựng: Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 1 và xây dựng Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 2, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng, Sở Tài chính, UBND huyện Đông Anh và các đơn vị có liên quan tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng 02 Khu nhà ở xã hội tập trung này, triển khai thực hiện các thủ tục theo "luồng xanh", rút ngắn thời gian xử lý đối với các thủ tục công việc theo chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố tại Văn bản số 991/UBND-TH ngày 19/3/2025.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

>>

Bộ Xây dựng lập đoàn kiểm tra, đôn đốc triển khai nhà ở xã hội

Bộ Xây dựng sẽ tổ chức các Đoàn công tác để kiểm tra, đôn đốc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội được giao tại Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27 tháng 2 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

241225.-noxh-anh-4.jpg
Ảnh minh họa

Bộ Xây dựng vừa có Văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc sẽ tổ chức các Đoàn công tác do lãnh đạo Bộ Xây dựng làm trưởng đoàn để kiểm tra, đôn đốc thực hiện hoàn thành chỉ tiêu nhà ở xã hội được giao tại Quyết định số 444/QĐ-TTg ngày 27 tháng 2 năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ.

Để công tác kiểm tra đảm bảo chất lượng, Bộ Xây dựng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung tổ chức triển khai các nội dung chỉ đạo và nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao tại thông báo số 120/TB-VPCP ngày 18/3/2025 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.

>>> Xem thêm TẠI ĐÂY

>>


(0) Bình luận
Bất động sản tuần qua: Vốn “rẻ” liệu có làm nóng thị trường?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO