Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Tp. Hồ Chí Minh (HOREA) trên thực tế, hầu hết dự án nhà ở thương mại có quỹ đất hỗn hợp gồm “đất ở và các loại đất khác”, hoặc có “đất khác không phải là đất ở” thường có các phần diện tích đất thuộc Nhà nước quản lý (“đất công”) nằm xen kẽ trong dự án như đường mòn, lối mở, đất rạch, kênh mương nội đồng.
Theo thống kê của HOREA, chỉ tính riêng tại Tp. Hồ Chí Minh, thời gian qua đã có hàng trăm dự án nhà ở thương mại trên địa bàn bị đình trệ, không thể thi công đúng tiến độ theo kế hoạch. Nguyên nhân được chỉ ra là đến từ việc những dự án này vướng đất công nằm xen cài, rải rác dù tỷ lệ đất công chỉ chiếm khoảng trên dưới 10% diện tích của các dự án này.
Theo ông Lê Hoàng Châu, vướng mắc trên đến từ việc trước đây, theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP và Nghị định số 01/2017/NĐ-CP chưa chỉ ra được cơ chế xử lý phù hợp đối với phần diện tích đất công nằm xen kẹt trong dự án nhà ở.
Tồn tại trên dẫn đến thực trạng là tất cả các dự án nhà ở thương mại, dự án nhà ở xã hội có các phần diện tích “đất công” nằm xen kẽ trong dự án đều bị vướng mắc, không xử lý được và bị dừng triển khai thực hiện trong giai đoạn 2014-2020.
Đến khi Chính phủ ban hành Nghị định số 148/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/02/2021 thì tưởng chừng đã mở ra hướng giải quyết cho tồn tại trên khi tại khoản 13 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 16 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP đã quy định cơ chế xử lý đối với trường hợp khu đất thực hiện dự án đầu tư có phần diện tích “đất công” nằm xen kẽ trong dự án.
Theo đó, nếu phần diện tích đất công này “đủ điều kiện tách thành dự án độc lập” thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đưa ra “đấu giá quyền sử dụng đất”.
Trường hợp phần diện tích “đất công” nằm xen kẽ trong dự án “không đủ điều kiện tách thành dự án độc lập” thì xem xét “giao đất hoặc cho thuê đất thực hiện dự án đầu tư không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, không thông qua đấu thầu dự án có sử dụng đất và phải xác định giá đất cụ thể để tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định…
Nghị định số 148/2020/NĐ-CP cũng quy định Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể điều kiện, tiêu chí, quy mô, tỷ lệ để tách thành dự án độc lập…
Tuy nhiên, theo HOREA, dù đã có quy định nhưng đến nay mới chỉ có khoảng phân nửa số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành quy định tiêu chí các phần diện tích “đất công” nằm xen kẽ trong dự án nhà ở “đủ điều kiện tách thành dự án độc lập”.
Thực tế trên dẫn tới việc hiện vẫn có có đến hàng trăm dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp có “đất công” nằm xen kẽ tại nhiều địa phương vẫn đang bị “đứng hình” và chưa triển khai thực hiện được.
Từ vướng mắc trên, đại diện các doanh nghiệp thành viên HOREA, ông Lê Hoàng Châu kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường sớm đôn đốc cũng như hỗ trợ các địa phương ban hành quy định cụ thể, chi tiết bộ tiêu chí các phần diện tích “đất công” nằm xen kẽ trong dự án nhà ở.
“Các địa phương cần sớm ban hành quy định tiêu chí đánh giá, nếu phần đất công đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất; các phần diện tích đất công không đủ điều kiện tách thành dự án độc lập thì giao đất, cho thuê đất cho chủ đầu tư thực hiện thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và nghĩa vụ tài chính với nhà nước theo quy định pháp luật, để tạo điều kiện cho các chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện dự án, để tăng nguồn cung nhà ở”, ông Lê Hoàng Châu khuyến nghị.