Vững niềm tin cho phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023

Phạm Duy - Hải Sơn | 11:18 23/01/2023

Với những chính sách điều hành tích cực của Chính phủ, nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia kinh tế cho rằng: Năm 2023 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng khoảng 6% và bền vững.

Vững niềm tin cho phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
Năm 2023 kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng bền vững.

Nhìn lại con số tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2022, cho thấy sức chống chịu cũng như sự phục hồi của nền kinh tế Việt Nam khá tích cực sau đại dịch Covid-19. Nhiều chuyên gia cho rằng, đây cũng là tiền đề để kinh tế Việt Nam năm 2023 tăng trưởng bền vững.

Việt Nam đã có một năm tăng trưởng kinh tế rất tích cực

17.1_tran-van-lam.jpg

Ông Trần Văn Lâm - Ủy viên Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội.

Những số liệu về nền kinh tế năm 2022 đã phản ánh sức chống chịu, sự phục hồi của kinh tế Việt Nam trong năm qua thực sự bất ngờ. Kinh tế năm 2022 chính là nền tảng rất tốt, tạo đà cho sự phục hồi và tăng trưởng, phát triển bền vững của kinh tế xã hội đất nước chúng ta trong thời gian tới và trước mắt là năm 2023.

Năm 2023, có 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế, xã hội, môi trường; trong đó tăng trưởng GDP khoảng 6,5%; chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 4,5%; tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 5% - 6%; tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1% - 1,5%...

Nếu như chúng ta muốn duy trì đà tăng trưởng với tốc độ nhanh và bền vững thì đòi hỏi chúng ta phải có những chủ trương, định hướng để lường trước những tình huống và có các kịch bản ứng phó một cách kịp thời, hiệu quả. Đây là cơ sở để cho tăng trưởng bền vững và sẽ hướng tới tiệm cận những chuẩn mực với xu thế của nền kinh tế thế giới hiện nay. Từ đó, kinh tế chúng ta sẽ chuyển hướng dần sang tăng trưởng xanh, sang nền kinh tế tuần hoàn, củng cố thêm nền tảng phát triển bền vững cho đất nước trong trung và dài hạn.

Phải giữ tốc độ cung tiền ra thị trường phù hợp với tốc độ tăng trưởng

17.1_ts-thinh.jpg

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - Chuyên gia kinh tế.

Năm 2023, bên cạnh những yếu tố về lạm phát trên thế giới, sự đứt gãy của thị trường thì những bất thường khác về tình hình chiến tranh, dịch bệnh cũng sẽ tác động đến thị trường, nguyên liệu đầu vào và giá cả. Do đó, nếu như chúng ta muốn duy trì đà tăng trưởng với tốc độ nhanh và bền vững thì đòi hỏi chúng ta phải có những chủ trương, định hướng để lường trước những tình huống và có các kịch bản ứng phó một cách kịp thời, hiệu quả.

Những rủi ro cho triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 chủ yếu đến từ yếu tố quốc tế đầy bất định, khó lường đoán. Triển vọng kinh tế thế giới đang xấu đi khi kinh tế đứng trước nguy cơ suy giảm, thậm chí suy thoái, trong khi lạm phát cao đã bùng nổ trên toàn cầu.

Năm 2023, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giãn, hoãn thuế, cho vay để phục hồi phát triển kinh tế xã hội... để cho doanh nghiệp có thêm nguồn lực sử dụng cho sản xuất kinh doanh hoặc các chính sách về tỷ giá điều hành một cách linh hoạt và giữ tốc độ cung tiền ra thị trường phù hợp với tốc độ tăng trưởng để vừa kiểm soát được lạm phát nhưng cũng tạo ra một dòng tiền tương đối ổn định, cung cấp cho nhu cầu phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển.

Nâng tỷ lệ đóng góp vào GDP từ khu vực doanh nghiệp tư nhân

ong-phong.png

Ông Hoàng Quang Phòng - Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Bất chấp những bất ổn của thế giới, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục hồi phục mạnh mẽ. Theo đó, kinh tế Việt Nam đạt mức tăng trưởng “đáng kinh ngạc” 13,7% trong quý 3/2022 so với cùng kỳ năm ngoái. Các tổ chức nước ngoài nâng dự báo tăng trưởng năm 2022 của Việt Nam lên 7,2%, tăng đáng kể so với mức dự báo 5,3% đưa ra 4 tháng trước đó.

Tuy nhiên, có điểm yếu là dù khu vực doanh nghiệp tư nhân đông về số lượng, nhưng quy mô và tiềm lực không mạnh, sức chống chịu và khả năng cạnh tranh còn hạn chế.

Trong bản góp ý Nghị quyết của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững đến năm 2025, VCCI đã nhất trí với việc cần phải có Nghị quyết riêng về phát triển doanh nghiệp cho cả nhiệm kỳ. VCCI mong muốn, đến năm 2025 doanh nghiệp tư nhân đóng góp 15% GDP, năm 2030 đóng góp 20% GDP (hiện con số đóng góp mới khoảng 9% GDP).

Ngoài ra, đến năm 2025 ít nhất 20% doanh nghiệp sản xuất được vận hành theo cơ chế kinh tế tuần hoàn; tỷ lệ nội địa hoá các ngành tăng thêm 10%; tỷ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35%.

Giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng

ong-hung.png

Ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam.

Năm 2023 ngành Ngân hàng sẽ đối mặt với nhiều thách thức, đó là nguy cơ lạm phát, giá cả có xu hướng tăng nhanh, mặt bằng lãi suất huy động của một số tổ chức tín dụng tăng cao, ảnh hưởng hạ lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, làm chậm lại quá trình phục hồi và tăng trưởng tiêu dùng, đầu tư.

Không chỉ vậy, một loạt các thách thức khác thường trực như kênh huy động vốn cho phát triển kinh tế phụ thuộc phần lớn vào hệ thống ngân hàng, tạo áp lực cho hệ thống tổ chức tín dụng trong việc vừa đáp ứng nhu cầu vốn của nền kinh tế, vừa đảm bảo an toàn hóa trong hoạt động. Công tác xử lý nợ xấu của các Ngân hàng thương mại (NHTM) gặp nhiều khó khăn do quá trình triển khai phát sinh nhiều vướng mắc, hạn chế, ảnh hưởng đến công tác xử lý tài sản đảm bảo, thu hồi nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Để hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng cần thiết lập, xây dựng một hệ thống giải pháp chính sách phù hợp, mạnh mẽ cho doanh nghiệp. Theo đó, đề nghị Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt tăng cường đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, cũng như thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, giảm bớt áp lực đối với tiền tệ, tín dụng từ hệ thống ngân hàng.

Đẩy nhanh tiến độ các luật đang được sửa đổi, hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hìnhkinh doanh mới. Xem xét có chính sách hỗ trợ, khuyến khích các NHTM tích cực giảm lãi suất cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ. Thành lập thị trường mua bán nợ, đồng thời hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về hoạt động mua bán nợ của các doanh nghiệp và khung pháp lý quản lý thị trường mua bán nợ, xây dựng và ban hành tiêu chuẩn thẩm định giá khoản nợ...

Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa... nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp tạo đà phục hồi nền kinh tế.

Cần động lực mới cho khu vực tư nhân

ts.-le-duy-binh.jpg

TS. Lê Duy Bình - Giám đốc điều hành Economica Vietnam.

Trong tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội từ 0,8 triệu tỷ đồng năm 2010 tăng lên gần 29 triệu tỷ đồng năm 2021, khối doanh nghiệp tư nhân đóng góp với khoảng 0,3 triệu tỷ đồng năm 2010 tăng lên 1,7 triệu tỷ đồng vào năm 2021. Có những thời điểm tốc độ tăng trưởng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội giảm, nhưng khu vực tư nhân vẫn tăng mạnh trong giai đoạn dịch.

Về hệ số hiệu quả sử dụng vốn đầu tư (ICOR), nếu năm 2010 khu vực kinh tế Nhà nước cần 9,8 đồng để tạo ra 1 đồng GDP, thì khu vực kinh tế tư nhân chỉ cần sử dụng 4,3 đồng để tạo ra 1 đồng GDP. Tuy nhiên xu hướng này đảo ngược trong giai đoạn dịch bệnh vừa qua, khi khu vực kinh tế Nhà nước vẫn duy trì mức 10 đồng vốn cho 1 đồng GDP thì khu vực tư nhân lại cần đến 23 đồng.

Nguyên nhân là trong 2 năm vừa qua do tác động của đại dịch Covid-19, quy luật hiệu quả lợi nhuận cận biên giảm dần. Đặc biệt trước khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ hạn chế trước sự lấn át của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn, thì cần chiến lược mới, động lực mới cho khu vực này.

Khu vực kinh tế tư nhân đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu tăng tổng đầu tư toàn xã hội. Do đó cần được gắn liền mục tiêu này với các mục tiêu khác như hiệu quả đầu tư, tăng trưởng, vốn... và các yếu tố động lực tăng trưởng khác như nâng cao trình độ công nghệ, chất lượng nguồn nhân lực...

Đánh giá nội lực cẩn trọng để đề ra các chính sách hiệu quả

17.1_ha-si-dong.jpg

Ông Hà Sĩ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị.

Con số về kinh tế năm 2022 của chúng ta khá ấn tượng khi so sánh với thành tích các nước trên thế giới và trong khu vực. Đóng góp vào thành tích này phải kể đến sự thành công của chính sách chống dịch Covid-19 của Việt Nam và tác động tích cực của các gói hỗ trợ hồi phục kinh tế, chủ lực là chính sách tài khóa mở rộng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy kinh tế Việt Nam có một độ trễ, độ lệch nhịp đáng kể so với kinh tế thế giới. Cụ thể, khi thế giới đã bước qua giai đoạn phục hồi mạnh, đang chững lại hoặc suy giảm, thì chúng ta mới đạt đỉnh hồi phục do đó tốc độ tăng trưởng kinh tế 2023 sẽ chậm trở lại, trong khi áp lực lạm phát sẽ được bộc lộ đầy đủ hơn, đồng thời các vấn đề trục trặc về an toàn vĩ mô sẽ nảy sinh.

Những rủi ro cho triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 chủ yếu đến từ yếu tố quốc tế đầy bất định, khó lường đoán. Triển vọng kinh tế thế giới đang xấu đi khi kinh tế đứng trước nguy cơ suy giảm, thậm chí suy thoái, trong khi lạm phát cao đã bùng nổ trên toàn cầu. Bên cạnh yếu tố khách quan thì những yếu kém bất cập của nền kinh tế trong nước được tích tụ qua thời gian dài nay gặp điều kiện bên ngoài bất lợi nên đã và đang bục ra. Cụ thể như nguy cơ rủi ro chéo đang gia tăng trên thị trường tài chính tiền tệ Việt Nam với mắt xích xung yếu nằm ở “trái phiếu doanh nghiệp bất động sản”.

Như vậy, việc phân tích bối cảnh kỹ lưỡng và đánh giá nội lực cẩn trọng để từ đó đề ra được các chính sách, giải pháp, biện pháp phù hợp, khôn khéo, hiệu quả nhằm đạt tới mục tiêu tăng trưởng dự kiến là hết sức quan trọng.

Cần không gian cho khu vực kinh tế tư nhân phát triển

ba-minh.png

TS. Trần Thị Hồng Minh - Viện trưởng CIEM.

Các Hiệp định thương mại tự do có sự tham gia tích cực của Việt Nam, việc thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nhằm mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường... tạo xung lực cho đà phục hồi kinh tế phát triển.
Tuy nhiên, rủi ro dịch bệnh, xung đột địa chính trị trên thế giới, rủi ro liên quan đến bất ổn kinh tế vĩ mô và xu hướng tăng giá mạnh của đồng USD... sẽ là một trong những thách thức của năm 2023 mà Chính phủ, doanh nghiệp, người dân cần sự nỗ lực để vượt qua.

Để hoá giải những thách thức, trong Đề án cơ cấu lại nền kinh tế và gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, Chính phủ đã ban hành cơ sở ban đầu để thực thi các mô hình kinh tế mới như Kinh tế ban đêm, Đề án về kinh tế số, Kinh tế tuần hoàn... Đây là điểm quan trọng để tạo ra cơ chế về thể chế, tạo điều kiện cho cơ quan quản lý và các doanh nghiệp có cơ chế để thực thi.

Bên cạnh đó, sự phối hợp giữa các cơ quan trong tiến trình cải cách vẫn là nội dung cần tập trung nhấn mạnh và nghiên cứu giải quyết nhằm tạo sức mạnh cộng hưởng giúp đỡ doanh nghiệp. Đồng thời, cần xem xét lại vai trò của Nhà nước và không gian cho khu vực tư nhân phát triển nhằm huy động toàn bộ các nguồn lực cho phát triển.

Chính phủ đã có những động thái đưa nền kinh tế bước vào năm 2023 với tâm thế vững vàng hơn

17.1_ts-minh.jpg

TS. Nguyễn Hồng Minh - nguyên Trưởng khoa Đầu tư, Đại học Kinh tế Quốc dân.

Viễn cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 càng trở nên u ám hơn bởi tác động của dịch bệnh, chính sách Zero Covid của Trung Quốc và chiến sự giữa Nga- Ukraine và nhất là suy thoái kinh tế. Trong bối cảnh đó, hẳn nhiên, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động không nhỏ, bởi có độ mở lên tới 200%.

Trên thực tế, dù thách thức với tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2023 là rất lớn, song dự báo của các tổ chức quốc tế đều cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 6,5% là khả thi, bởi thị trường nội địa khoảng 100 triệu dân sẽ là bệ đỡ vô cùng quan trọng cho các doanh nghiệp, ngay cả trong bối cảnh kinh tế thế giới rơi vào khủng hoảng, thị trường thế giới thu hẹp. Do vậy, ngay từ lúc này, cần phải tăng cường nguồn lực để doanh nghiệp giữ vững thị trường trong nước, đồng thời khai thác thế mạnh của các hiệp định thương mại nhằm mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đề cập đến việc nghiên cứu nới room tín dụng hợp lý để vừa bảo đảm an toàn hệ thống, ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng. Cùng với đó là giải quyết các vấn đề liên quan đến thị trường chứng khoán, trái phiếu, bất động sản, tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp. Ngoài ra, Tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng vừa được thành lập... Đó là những động thái quan trọng, giúp nền kinh tế có thể chuẩn bị bước vào năm 2023 với tâm thế vững vàng hơn.

Vấn đề lớn nhất đối với kinh tế Việt Nam năm 2023 không phải là tăng trưởng mà phải giữ cho được ổn định kinh tế vĩ mô.


(0) Bình luận
Vững niềm tin cho phát triển kinh tế Việt Nam năm 2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO