Khủng hoảng chưa từng có tại 1 tập đoàn bảo hiểm nổi tiếng: Nghi vấn gian lận y tế, mua chuộc viện dưỡng lão, CEO bị ám sát

Vũ Anh | 08:58 13/07/2025

Cuộc khủng hoảng đang đẩy tập đoàn này vào thế tiến thoái lưỡng nan.

Khủng hoảng chưa từng có tại 1 tập đoàn bảo hiểm nổi tiếng: Nghi vấn gian lận y tế, mua chuộc viện dưỡng lão, CEO bị ám sát

Vụ ám sát CEO Brian Thompson – lãnh đạo UnitedHealthcare của UnitedHealth Group – tại Manhattan vào cuối năm 2024 làm sáng tỏ nguồn cơ khủng hoảng vốn đã âm ỉ bấy lâu. Thompson, người điều hành công ty bảo hiểm lớn nhất nước Mỹ với doanh thu 281 tỷ USD, bị một người đàn ông tên Luigi Mangione bắn chết ngay trước khách sạn vì bất bình về chính sách trả quyền lợi điều trị. Sự kiện khiến dư luận dậy sóng, nhanh chóng chia rẽ thành hai luồng phản ứng trái ngược: một bên lên án hành vi bạo lực, một bên thốt lên: “Cuối cùng, cũng có một người làm điều gì đó”. 

Chính sách của UnitedHealth bắt đầu bị tấn công. Nhiều người tố cáo công ty này từ chối chi trả hóa trị, hóa đơn y tế bắt bồi thường không rõ lý do và áp dụng các thuật toán tự động để từ chối chăm sóc điều trị – đặc biệt trong chương trình Medicare Advantage. Một báo cáo của Hạ viện Mỹ chỉ ra UnitedHealth tăng đáng kể tỷ lệ từ chối yêu cầu trước khi cấp quyền điều trị – từ khoảng 11% lên hơn 22% trong vài năm trở lại đây.

Báo cáo “The Cash Monster Was Insatiable” của New York Times chỉ ra khoản doanh thu 8,7 tỷ USD từ những bệnh nhân không được điều trị, chiếm hơn một nửa lợi nhuận ròng năm 2021 (17 tỷ USD). Hiện Bộ Tư pháp (DOJ) đang phỏng vấn cựu nhân viên UnitedHealth để điều tra nghi vấn gian lận y tế.

Trước làn sóng công kích, CEO Andrew Witty của UnitedHealth trước đó đã xuất hiện trên tờ The New York Times bày tỏ sự chia buồn, kêu gọi tăng cường an toàn cho nhân viên và thừa nhận nghiêm túc rằng hệ thống bảo hiểm đang “không hoạt động như những gì bị đồn thổi”. Ông còn đính chính rằng UnitedHealth đã nỗ lực làm việc để cải tổ quy trình, giảm độ phức tạp của các quyết định chi trả, đồng thời ứng dụng AI để hiểu rõ hơn yêu cầu của bệnh nhân”. Tuy nhiên, bài chia sẻ này bị chỉ trích là chỉ là hình thức chứ không hề có cam kết cụ thể. 

screenshot-2025-07-13-at-09.53.04.png

Cuộc khủng hoảng đẩy UnitedHealth vào thế tiến thoái lưỡng nan: công chúng mất lòng tin, cơ quan điều tra nhăm nhe, còn nhà đầu tư bắt đầu hoài nghi. Giá cổ phiếu giảm từ mức trên 600 USD xuống khoảng 300 USD chỉ trong vòng 6 tháng.

Để dập dư luận, UnitedHealth triển khai chiến dịch pháp lý mang tên “Campaign to Quiet Critics”. Họ nhờ sự hỗ trợ của hãng luật Clare Locke đưa thư yêu cầu gỡ bỏ các nội dung tiêu cực – từ bài phóng sự điều tra trên The Guardian, đến video TikTok của bác sĩ Elisabeth Potter tố cáo việc công ty từ chối phẫu thuật. Trong các lá thư gửi Amazon, Vimeo, UnitedHealth cũng đề cập đến vụ án Thompson như một bằng chứng nguy hiểm đến tính mạng, khiến các nền tảng này nhanh chóng gỡ nội dung để tránh kiện cáo.

Chiến thuật tuy khiến làn sóng phản biện tạm lắng, nhưng lại làm quan hệ với dư luận càng trở nên xấu đi. Nhiều chuyên gia báo chí lên án đây là hành vi dùng quyền lực pháp lý để ngăn cản giám sát – điều không nên xuất hiện trong môi trường công ty đại chúng.

Giữa lúc đó, UnitedHealth vẫn không thể thoát khỏi áp lực pháp lý. Reuters cho biết DOJ đang điều tra cựu nhân viên về nghi vấn gian lận Medicare, rằng công ty khai hồ sơ không trung thực để tăng thanh toán – một chiến lược kéo dài hàng năm nhưng nay mới bị bóc trần. Điều này đặt ra câu hỏi, rằng liệu UnitedHealth có thể cải tổ hệ thống từ bên trong khi chính họ là người khởi xướng các quy trình phức tạp và thuật toán hoạt động sai cách?

screenshot-2025-07-13-at-09.53.39.png

Hiện tại, phía UnitedHealth cũng đang phải đối mặt với cáo buộc trả tiền bí mật cho viện dưỡng lão nhằm ngăn chuyển viện cho các bệnh nhân cần cấp cứu, gây ảnh hưởng đến đời sống và quyền điều trị của người già.

Để tái thiết hình ảnh, UnitedHealth cam kết thực hiện kiểm toán độc lập, cải thiện tỷ lệ phê duyệt yêu cầu và kiểm soát công bằng hơn. CEO Witty trước đó cũng cho biết sẽ giảm độ phức tạp thủ tục, minh bạch chính sách, “đảm bảo rằng công nghệ hỗ trợ con người, không loại con người”. 

Tuy nhiên, tháng 5/2025, Andrew Witty bất ngờ từ chức CEO UnitedHealth. Nguyên nhân chính thức được công ty đưa ra là “vì lý do cá nhân”, song nhiều người cho rằng đây chỉ là bước đi chiến lược cho thấy phản ứng trước khủng hoảng.

UnitedHealth đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chưa từng có: sự phẫn nộ của cộng đồng, nghi vấn pháp lý sâu rộng và áp lực phải minh bạch hóa hoạt động. Vụ án CEO Thompson được cho chỉ là ngòi nổ cuối cùng khiến hệ thống cồng kềnh này bộc lộ những lỗ hổng lớn nhất. 

Theo: The New York Times, Reuters


(0) Bình luận
Khủng hoảng chưa từng có tại 1 tập đoàn bảo hiểm nổi tiếng: Nghi vấn gian lận y tế, mua chuộc viện dưỡng lão, CEO bị ám sát
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO