Ngôi làng tề tựu toàn "nhân sĩ giang hồ" ở Hàng Châu: Kế hoạch của Trung Quốc thành hay bại nằm cả ở đây?

Quốc Vinh | 07:30 13/07/2025

Chính bầu không khí của Hàng Châu, thành phố nằm bên bờ hồ thơ mộng vốn là nguồn cảm hứng cho bao thế hệ thi nhân và danh họa Trung Hoa, đã tiếp thêm lửa sáng tạo cho thế hệ khởi nghiệp mới.

Ngôi làng tề tựu toàn "nhân sĩ giang hồ" ở Hàng Châu: Kế hoạch của Trung Quốc thành hay bại nằm cả ở đây?

“Dân làng” AI

Vào một chiều thứ Bảy đầy nắng, hàng chục người ngồi trên bãi cỏ, quây quần quanh một sân khấu dựng tạm ở sân sau. Trên sân khấu, những nhà sáng lập đầy hoài bão của các startup công nghệ đang trình bày ý tưởng của mình.

Dưới sân, đám đông cắm cúi bên những chiếc laptop, thi thoảng lại rít một hơi vape hay nhấp một ngụm Frappuccino dâu. Phía trên, một chiếc drone bay vù vù. Còn bên trong nhà, các nhà đầu tư đang lắng nghe các buổi thuyết trình gọi vốn ngay tại căn bếp.

91ada2a6eb8a0cb28f1c3767241e4bc00ff92427.jpg

Khung cảnh trông chẳng khác nào Thung lũng Silicon, nhưng thực chất lại là Lương Chử, một vùng ngoại ô yên tĩnh của thành phố Hàng Châu, miền nam Trung Quốc. Nơi đây đã trở thành một tâm điểm thu hút các doanh nhân và nhân tài công nghệ nhờ giá thuê mặt bằng rẻ và vị trí gần các gã khổng lồ công nghệ như Alibaba và DeepSeek.

"Mọi người đến đây để khám phá những tiềm năng của chính mình," Felix Tao, 36 tuổi, một cựu nhân viên của Facebook và Alibaba, đồng thời là người tổ chức sự kiện, chia sẻ.

Gần như tất cả những tiềm năng đó đều xoay quanh trí tuệ nhân tạo (AI). Trong bối cảnh Trung Quốc đang cạnh tranh với Mỹ để giành vị thế dẫn đầu về công nghệ, Hàng Châu đã nổi lên như trung tâm của cơn sốt AI tại quốc gia tỷ dân.

Một thập kỷ trước, chính quyền tỉnh và địa phương đã bắt đầu tung ra các gói trợ cấp và ưu đãi thuế cho các công ty mới tại Hàng Châu. Chính sách này đã góp phần ươm mầm cho hàng trăm startup. Vào mỗi cuối tuần, giới công nghệ từ Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến lại đổ về đây để tìm kiếm và chiêu mộ lập trình viên.

Gần đây, sân sau nhà anh Tao đã trở thành điểm hẹn của cộng đồng này. Anh từng tham gia sáng lập một phòng thí nghiệm nghiên cứu AI tại Alibaba trước khi nghỉ việc để khởi nghiệp với công ty riêng Mindverse vào năm 2022.

f85300991a05d84c99dc6b291943233c971ce8d4.jpg
Felix Tao.

Hiện tại, tư gia của anh là nơi quy tụ của các lập trình viên đã chọn Lương Chử làm bến đỗ, đa phần ở độ tuổi 20 và 30. Họ tự gọi mình là "dân làng", ngày thì viết code ở quán cà phê, tối về lại cùng nhau chơi game, tất cả đều ấp ủ hy vọng tận dụng sức mạnh của AI để xây dựng đế chế của riêng mình.

Cảm hứng từ "Lục hổ Hàng Châu"

Hàng Châu vốn đã là cái nôi của nhiều thế lực công nghệ, không chỉ có Alibaba và DeepSeek mà còn cả NetEase và Hikvision.

Sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Chiết Giang ở Hàng Châu, nơi nhà sáng lập DeepSeek từng theo học, trở thành những nhân sự được các công ty công nghệ Trung Quốc săn đón ráo riết.

DeepSeek là một trong sáu startup về AI và robot tại Hàng Châu được truyền thông Trung Quốc mệnh danh là "Lục hổ Hàng Châu".

Năm ngoái, một trong "lục hổ" là Game Science đã tạo nên cú hit toàn cầu với Black Myth: Wukong, trò chơi điện tử kinh phí lớn đầu tiên của Trung Quốc. Một công ty khác, Unitree, cũng gây chú ý lớn vào tháng 1 khi dàn robot của họ biểu diễn vũ đạo trên sân khấu Gala mừng xuân thường niên của đài truyền hình quốc gia.

5e7734b77a0f13480fd883d677fe46e756f451b8.jpg
Hàng Châu

Mùa xuân năm nay, Mingming Zhu, nhà sáng lập Rokid, một startup Hàng Châu chuyên sản xuất kính mắt tích hợp AI, đã mời cả sáu nhà sáng lập của nhóm "lục hổ" đến nhà dùng bữa tối.

"Đó là lần đầu tiên tất cả chúng tôi gặp mặt trực tiếp," Zhu kể. Giống như ông, hầu hết sáu nhà sáng lập này đều từng học tại Đại học Chiết Giang hoặc làm việc cho Alibaba.

"Khi mới bắt đầu, chúng tôi chỉ là những con cá nhỏ," Zhu nói. "Nhưng ngay cả khi đó, chính phủ cũng đã ra tay giúp đỡ." Ông cho biết các quan chức chính phủ đã giúp kết nối với những nhà đầu tư đầu tiên của Rokid, trong đó có cả Jack Ma, nhà sáng lập Alibaba.

Tuy nhiên, một số người cho rằng sự hỗ trợ của chính phủ đối với hệ sinh thái công nghệ Hàng Châu lại khiến một vài nhà đầu tư e ngại vì làm cản trở tham vọng vươn ra thị trường quốc tế.

Kịch bản tồi tệ nhất là rơi vào tình thế như ByteDance, công ty mẹ của TikTok, khi bị Mỹ chất vấn về mối liên hệ với chính phủ Trung Quốc.

Các nhà sáng lập mô tả họ phải lựa chọn giữa hai con đường phát triển: hoặc nhận vốn từ chính phủ và tùy chỉnh sản phẩm cho thị trường nội địa, hoặc tự huy động đủ vốn để mở văn phòng tại một quốc gia như Singapore nhằm tiếp cận các nhà đầu tư nước ngoài. Với đa số, phương án đầu tiên là lựa chọn duy nhất khả thi.

83984e0c628eb80c9b3e99b8dffd9f16f9fd98aa.jpg

Một yếu tố bất định khác là khả năng tiếp cận các loại chip máy tính tiên tiến, vốn là "bộ não" của các hệ thống AI. Washington đã mất nhiều năm nỗ lực ngăn chặn các công ty Trung Quốc mua những con chip này, trong khi các công ty Trung Quốc như Huawei và SMIC đang chạy đua để tự sản xuất.

Đến nay, chip "Made in China" vẫn đủ sức giúp các công ty như ByteDance vận hành một số dịch vụ AI tại thị trường nội địa. Nhiều công ty Trung Quốc cũng đã tích trữ được một lượng lớn chip Nvidia bất chấp các biện pháp kiểm soát của Washington. Nhưng không ai dám chắc nguồn cung này sẽ kéo dài bao lâu, hay các nhà sản xuất chip Trung Quốc có thể bắt kịp đối thủ Mỹ nhanh đến mức nào.

Mảnh đất hứa

Tại Hàng Châu, có một khái niệm dường như hiện hữu ở khắp mọi nơi là "AI tự hành" (agentic A.I.) – ý tưởng về một hệ thống trí tuệ nhân tạo có thể được trao quyền để tự mình hành động.

Mindverse, công ty do Tao đồng sáng lập, đang phát triển một sản phẩm sử dụng AI để giúp mọi người quản lý cuộc sống. Chẳng hạn, nó có thể tự động gửi email động viên đồng nghiệp hàng ngày, hoặc đều đặn nhắn tin cho cha mẹ để gợi nhắc về những kỳ nghỉ của gia đình.

"Tôi không muốn AI chỉ đơn thuần xử lý công việc, mà phải thực sự giải phóng không gian tinh thần để bạn có thể 'ngắt kết nối' và nghỉ ngơi," Tao nói.

25564a10c7593bfbbd8414603aa2fa212ea904e3.jpg

Nhiều người có mặt tại sân sau nhà Tao cho rằng chính bầu không khí của Hàng Châu, thành phố nằm bên bờ hồ thơ mộng vốn là nguồn cảm hứng cho bao thế hệ thi nhân và họa sĩ Trung Hoa, đã tiếp thêm lửa sáng tạo cho họ.

"Lương Chử là mảnh đất thử nghiệm hoàn hảo cho sản phẩm của tôi," Lin Lin Yuanlin, người sáng lập công ty Zeabur, giúp sử dụng các công cụ AI để lập trình mà không cần kiến thức chuyên sâu về phần mềm, nói.

Anh có thể chỉ cần ghé qua một quán cà phê, bắt chuyện với một người lạ, hay ghé thăm phòng khách nhà hàng xóm là có thể biết ngay họ đang cần hỗ trợ gì cho startup của mình. Lin thấy mình đến Lương Chử thường xuyên đến mức quyết định chuyển hẳn về đây sống.

"Dân làng" Lương Chử còn thường xuyên tổ chức các buổi chiếu phim. Gần đây, họ đã cùng nhau xem bộ phim "Ma Trận" (The Matrix). "Sau buổi chiếu, chúng tôi quyết định đây phải là bộ phim bắt-buộc-phải-xem," Lin kể. Chủ đề của phim – về những con người tìm cách thoát khỏi một hệ thống khổng lồ đang kiểm soát xã hội – đã mang lại nguồn cảm hứng vô cùng đắt giá.

Theo Tao, những nhà sáng lập đầy hoài bão ở Lương Chử, ngay cả những người không xuất thân từ các trường đại học danh giá, đều tin rằng họ có thể tạo ra một công ty công nghệ tiếp theo có thể làm thay đổi thế giới.

"Rất nhiều người trong số họ đã vô cùng dũng cảm khi chọn đi con đường riêng, bởi ở Trung Quốc, hướng đi đó thường không phổ biến”.


(0) Bình luận
Ngôi làng tề tựu toàn "nhân sĩ giang hồ" ở Hàng Châu: Kế hoạch của Trung Quốc thành hay bại nằm cả ở đây?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO