Theo đó, Hoa Kỳ có thể sẽ áp mức thuế 20% dành cho hầu hết các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam (cao gấp đôi mức thuế 10% đang áp dụng). Đáng chú ý, với những lô hàng được xem là “trung chuyển” từ nước thứ 3 thì mức thuế sẽ là 40%. Đổi lại, hàng hóa từ Hoa Kỳ xuất sang Việt Nam thuế là 0%.
Chia sẻ với báo chí về quan hệ thương mại giữa Mỹ và Việt Nam, Cục Thống kê (Bộ Tài chính) cho biết, mối quan hệ này đã phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Hiện nay, Mỹ là một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 chiếm khoảng 29,5% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước, với giá trị đạt 119,5 tỷ USD.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, gồm máy tính, sản phẩm điện tử, linh kiện, máy móc, thiết bị, dệt may và gỗ. Cụ thể, một số mặt hàng chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ như: Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện chiếm 19,4%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác chiếm 18,5%; Hàng dệt may chiếm 13,5%; Điện thoại các loại và linh kiện 8,2%; Gỗ và sản phẩm gỗ chiếm 7,6%; và giày dép 6,9%; … .

Hơn nữa, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ, chiếm khoảng 4,0% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ. Thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ là 104,4 tỷ USD. Tỷ trọng hàng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ có xu hướng tăng trong các năm gần đây.
Chính sách thuế mới của Mỹ, đang tạo ra những thách thức lớn đối với tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Các ngành xuất khẩu chủ lực như gỗ, dệt may, sắt thép, sản phẩm kim loại, sản phẩm điện tử, máy vi tính, điện thoại, máy móc thiết bị… có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường Mỹ. Điều này ảnh hưởng rất lớn tới hoạt động sản xuất các mặt hàng này và tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam.
Áp dụng mô hình Bảng cân đối liên ngành (IO) năm 2019 của Việt Nam và số liệu về xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 theo 46 nhóm hàng chủ yếu để đánh giá tác động của việc giảm nhu cầu hàng hóa của Việt Nam xuất sang Mỹ. Kết quả tính toán cho thấy, nếu trị giá hàng xuất khẩu sang thị trường Mỹ giảm 1% sẽ làm cho tăng trưởng GDP giảm 0,08 điểm %, trong đó tác động trực tiếp làm GDP giảm 0,07 điểm % và tác động gián tiếp làm GDP giảm 0,01 điểm%.
Như vậy, giả định áp dụng thuế suất mới làm giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ giảm khoảng 10%, tăng trưởng GDP sẽ giảm khoảng 0,8 điểm %. Trong đó một số nhóm ngành giảm mạnh như: sản phẩm dệt may, sản xuất trang phục và sản phẩm linh kiện điện tử, điện thoại, máy tính và thiết bị ngoại giảm khoảng 4 điểm %; sản phẩm thiết bị đo lường, kiểm tra, định hướng và điều khiển, đồng hồ giảm 5,3 điểm %; ngành giày, dép, vali, túi xách các loại giảm 4 điểm%; nhóm sản phẩm máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác giảm 4,1 điểm %; nhóm sản gỗ và các sản phẩm từ gỗ, nội thất và ngành thủy sản giảm 2,6 điểm %; một số sản phẩm nông sản như: hồ tiêu, cá tra, rau đậu các loại, hạt điều, cà phê, tôm giảm khoảng 1,4 điểm % ... .
Ngoài ra, chính sách này có thể làm giảm đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, đặc biệt từ các doanh nghiệp Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc, do chi phí xuất khẩu tăng cao. Điều này có thể dẫn đến giảm việc làm và thu nhập trong nước, ảnh hưởng đến tiêu dùng nội địa.
“Như vậy, chính sách thuế của Mỹ có ảnh hưởng sâu rộng tới tăng trưởng GDP của Việt Nam thông qua các kênh thương mại, đầu tư và tài chính”, Cục Thống kê khẳng định.
Để đối phó với những biến động từ thay đổi chính sách thuế của Mỹ, Việt Nam cần có các biện pháp khuyến khích đầu tư, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác thị trường nội địa và cải thiện môi trường kinh doanh. Việc này không chỉ giúp giảm thiểu tác động tiêu cực mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cấu trúc nền kinh tế theo hướng nâng cao nội lực và tăng trưởng bền vững.