Trong khoảng thời gian trước đại dịch Covid-19, Trung Quốc là một trong những nguồn du khách chủ lực của nền kinh tế du lịch thế giới. Khoảng 155 triệu lượt khách Trung Quốc ra nước ngoài năm 2019 đã chi tiêu hơn 250 tỷ USD, đóng góp cho các nền kinh tế địa phương trên toàn cầu.
Bởi vậy hãng tin CNN nhận định khi Trung Quốc quyết định mở cửa trở lại biên giới vào ngày 8/1/2023, vô số thị trường phụ thuộc vào du lịch trên thế giới kỳ vọng hàng triệu du khách của nước này sẽ vực lại cả một ngành kinh tế quan trọng.
Theo một số chuyên gia phân tích, dù các chuyến bay quốc tế chưa thể trở lại như thời điểm trước đại dịch nhưng chắc chắn các quốc gia, nền kinh tế cũng như ngành nghề có liên quan đến du lịch sẽ nhận được “cú hích” từ du khách Trung Quốc trong năm 2023.
Niềm hạnh phúc trở lại?
Số liệu của McKinsey’s chi nhánh Thâm Quyến cho thấy bình quân mỗi tháng trong năm 2019, có khoảng 12 triệu lượt du khách Trung Quốc ra nước ngoài, nhưng con số này đã giảm tới 95% trong mùa đại dịch.
Với việc Trung Quốc mở cửa trở lại, báo cáo dự đoán con số có thể hồi phục lại đến 6 triệu du khách mỗi tháng tính đến mùa hè năm 2023. Làn sóng này sẽ được thúc đẩy bởi một bộ phận những du khách trẻ, giàu có và khao khát được “du lịch trả thù” sau quãng thời gian 2 năm bị giãn cách vì đại dịch.
“Tôi rất hạnh phúc vì Trung Quốc mở cửa trở lại. Vì đại dịch mà tôi chỉ có thể loanh quanh trong nước suốt vài năm qua. Thật quá khó khăn mà. Tôi bị kẹt trong nước hơi lâu một chút và tôi thực sự muốn được dỡ bỏ lệnh giãn cách để có thể du lịch ra nước ngoài”, nhân viên ngành quảng cáo Emmy Lu tại thủ đô Bắc Kinh nói với CNN, đồng thời cho biết cô thích đi Nhật Bản và Châu Âu nhất.
Ngay khi Trung Quốc tuyên bố dỡ bỏ lệnh giãn cách với du khách nước ngoài cũng như những công dân du lịch quốc tế về nước từ ngày 8/1/2023, số lượng tìm kiếm các chuyến bay quốc tế và khách sạn đã tăng lên mức cao nhất 3 năm trên trang Trip.com.
Số liệu của một trang web du lịch Trung Quốc cũng cho thấy lượng đặt phòng khách sạn quốc tế trong Tết Nguyên Đán năm nay đã tăng 540% so với cùng kỳ năm trước, mức chi tiêu bình quân trên mỗi đơn đặt phòng cũng tăng 32%.
Những thị trường du lịch được người Trung Quốc ưu tiên lựa chọn nhiều nhất bao gồm Australia, Thái Lan, Nhật Bản và Hong Kong. Thị trường Mỹ và Anh cũng nằm trong top 10.
“Tốc độ tích lũy tài sản trong các tài khoản tiền gửi ngân hàng của người Trung Quốc vài năm qua cho thấy các hộ gia đình tại đây dư thừa lượng lớn tài chính và họ sẵn sàng chi tiêu khi mở cửa trở lại”, chuyên gia chiến lược Alex Loo của TD Securities nhận định.
Tương tự như nhiều thị trường từng mở cửa trước đây, tâm lý mua sắm “trả thù” có thể xuất hiện với các du khách Trung Quốc, qua đó tạo cú hích cho ngành du lịch quốc tế.
Người hưởng lợi
Hãng tin CNN nhận định thông tin du khách Trung Quốc trở lại đặc biệt có ảnh hưởng tích cực đến một số thị trường.
“Chúng tôi nhận định Việt Nam, Hong Kong, Thái Lan, Singsapore sẽ nhận được nhiều lợi ích nhất khi ngành du lịch Trung Quốc trở lại như thời điểm năm 2019”, báo cáo của Goldman Sachs nêu rõ.
Hong Kong, thị trường đông du khách nhất thế giới với 56 triệu lượt năm 2019 và phần lớn đến từ Trung Quốc đại lục, được ước tính sẽ tăng trưởng thêm 7,6% GDP nhờ du lịch hồi sinh trở lại. Thái Lan thì được dự đoán tăng 2,9% GDP nhờ du khách Trung Quốc, còn Singapore là 1,2% GDP.
Báo cáo của Capital Economics cho thấy nhiều nền kinh tế khác như Campuchia, Mauritius, Malaysia, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka, Hàn Quốc và Philippines cũng sẽ được hưởng lợi lớn từ du khách Trung Quốc.
Năm 2022 là một năm khó khăn cho nền kinh tế Hong Kong khi Trung Quốc đại lục siết chặt lệnh giãn cách ở các cửa khẩu. Ngành du lịch và bất động sản của thị trường này chịu tổn thất nặng và theo nhiều ước tính, tăng trưởng GDP năm 2022 của Hong Kong sẽ ở mức âm 3,2%.
Phía Hong Kong cho biết mỗi ngày sẽ có khoảng 60.000 người được thông quan 2 chiều với Trung Quốc đại lục kể từ ngày 8/1/2023.
Một số nền kinh tế Đông Nam Á khác cũng nới lỏng biện pháp thông quan nhằm sẵn sàng chào đón du khách Trung Quốc, bao gồm Thái Lan, Indonesia, Singapore và Philippines.
“Đây là một trong những cơ hội để chúng tôi thúc đẩy sự hồi sinh của nền kinh tế”, bộ trưởng y tế Thái Lan Anutin Charnvirakul cho biết.
Ngoài ra, New Zealand cũng đã dỡ bỏ yêu cầu xét nghiệm cho các du khách Trung Quốc khi đây là nguồn đóng góp doanh thu du lịch lớn thứ 2 của thị trường này trước đại dịch.
Trái lại, một số quốc gia như Mỹ, Đức, Pháp, Nhật Bản, Australia hay Hàn Quốc lại vẫn yêu cầu xét nghiệm với du khách Trung Quốc. Liên minh Châu Âu (EU) đã “mạnh mẽ khuyến nghị” các nước thành viên nên yêu cầu xét nghiệm với du khách Trung Quốc.
Hiện đang có cuộc tranh cãi liên quan đến việc có nên siết chặt kiểm dịch với du khách Trung Quốc tại Châu Âu hay không. Nhiều hãng hàng không và công ty du lịch phản đối khuyến nghị của EU về việc yêu cầu xét nghiệm.
Hồi sinh?
Theo hãng tin CNN, bỏ qua câu chuyện cần xét nghiệm hay không thì việc ngành du lịch có thể hồi phục hoàn toàn nhờ Trung Quốc là điều khá khó khăn. Một trong những nguyên nhân là do nhiều du khách cần phải gia hạn thị thực, hộ chiếu trước khi có thể du lịch ở các nước khác.
Bên cạnh đó, giá vé máy bay cao cũng như những động thái kiểm dịch của các thị trường cũng ảnh hưởng đến quyết định của du khách Trung Quốc.
“Việc yêu cầu xét nghiệm tôi thấy là bình thường khi mọi người muốn đảm bảo an toàn cho người dân nước họ. Tôi sẽ chờ và xem tình hình như thế nào”, cô Lu cho biết.
Trong khi đó, cô Liu Chaonan sống tại Thâm Quyến cho biết mình muốn đến Philippines để ăn mừng Tết Nguyên Đán nhưng không kịp gia hạn thị thực, bởi vậy cô đã chuyển sang đi Thái Lan, nơi có thủ tục hành chính nhanh gọn hơn.
“Thời gian rất gấp vì tôi chỉ có 10 ngày nữa để bay. Do đó mọi người thường sẽ chọn những nước có thủ tục nhập cảnh nhanh gọn, thân thiện”, cô Liu cho biết khi nói rằng mình sẽ học lặn và mua mỹ phẩm tại Thái Lan.
Tổng ngân sách cô Liu dành cho chuyến du lịch này vào khoảng 10.000 Nhân dân tệ, tương đương 1.460 USD.
Báo cáo của McKinsey’s dự đoán số lượng du khách Trung Quốc sẽ hồi phục như trước đại dịch vào cuối năm nay.
*Nguồn: CNN