Trồng cây luồng, người Quan Hoá (Thanh Hoá) thoát nghèo

Minh Trang | 08:26 11/11/2022

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre” được triển khai tại Quan Hoá vào năm 2018 đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung cũng như nâng cao đời sống của bà con nông dân nơi đây.

Trồng cây luồng, người Quan Hoá (Thanh Hoá) thoát nghèo
Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre” do Liên minh châu Âu tài trợ được thực hiện bởi Oxfam và Trung tâm nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã giúp bà con đảm bảo sinh kế. (Ảnh: MarketTimes).

Hiệu quả từ dự án

Là một trong những huyện có diện tích lớn nhất nhì tỉnh Thanh Hoá, nhưng đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số nơi đây vẫn còn khó khăn, chật vật. Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre” do Liên minh châu Âu tài trợ được thực hiện bởi Oxfam và Trung tâm nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ đã giúp bà con nâng cao giá trị cây luồng, đảm bảo sinh kế cho người dân nơi đây..

Trao đổi với MarketTimes, ông Trần Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa cho biết, cấp ủy và chính quyền huyện Quan Hóa rất quan tâm tới cây luồng và sinh kế người dân.

Dự án được triển khai trên địa bàn từ tháng 5/2018 và đã giúp hình thành 25 tổ nhóm với 928 hộ tham gia, trong đó có 4.176 người được tập huấn gồm 586 phụ nữ được tham gia. Đặc biệt, đã cấp chứng chỉ rừng bền vững cho hơn 2.369ha trên 4 xã: Thanh Xuân, Phú Xuân, Phú Lệ, Phú Sơn. Thực hiện 6 khóa tập huấn với gần 300 học viên tham gia.

Với việc tham gia Dự án, ý thức, tư duy của bà con nhân dân được thay đổi đáng kể. Người dân đã biết cách chăm sóc cây luồng khoa học hơn, đã phục tráng rừng luồng, bón phân để cây luồng to hơn. Ngoài ra, để nâng cao giá trị sử dụng đất rừng, người dân còn trồng xen kẽ các cây giá trị khác, thậm chí cả cây gỗ lớn để đỡ và chắn gió lớn, mưa bão cho rừng luồng.

Vị Phó Chủ tịch huyện cho biết, nhờ được Trung tâm nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ hỗ trợ về kỹ thuật nên Dự án trồng luồng được cải thiện nhiều hơn theo chiều hướng tốt, cây luồng to dài và thẳng hơn, đạt giá trị làm thành phẩm tốt hơn, tỷ lệ luồng hư hỏng thấp, góp phần giúp nhà máy, doanh nghiệp, thương lái thu mua giá trị cao hơn.

Đơn cử như trước đây, luồng chỉ có giá 12.000-12.500/10 kg, nhưng với khu vực rừng luồng được cấp chứng chỉ FSC bền vững thì thu mua với giá 14.000-15.000/10 kg.

Hiện nay, địa phương mới có 2.369ha được cấp chứng chỉ FSC, do đó, cấp ủy, chính quyền huyện mong muốn được mở rộng càng nhiều càng tốt, thậm chí có thể ở toàn diện tích.

Ngoài diện tích cấp chứng chỉ rừng bền vững còn khá khiêm tốn, số tổ nhóm và hộ dân tham gia dự án chưa được nhiều, có 15 xã thị trấn và có rất nhiều luồng nhưng mới có 5 xã được tham gia vào dự án do EU tài trợ cùng 3 đối tác chính: Oxfam, VCCI và Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ.

Khi dự án trồng luồng kết thúc, ông Trần Văn Hùng vẫn mong muốn bà con vẫn được tập huấn thường xuyên để tránh tình trạng bị quên và quay lại cách làm cũ. Đồng thời, vị Phó Chủ tịch kỳ vọng huyện sẽ có doanh nghiệp chế biến sâu về luồng và có thể thu hút thêm các nhà đầu tư, các doanh nghiệp chế biến về lĩnh vực này đến với địa phương.

Thay đổi tư duy, thay đổi thu nhập

Là một khâu trong chuỗi giá trị của dự án, đến với mô hình Tổ nhóm sản xuất của bà Lương Thị Nguyệt tại bản Sại (Quan Hoá), mặc dù chỉ sơ chế thô, nhưng có thể nói xưởng khá quy củ được phân chia thành từng đội nhóm sản xuất.

Bà Lương Thị Nguyệt cho biết, Tổ gồm 42 thành viên (là hộ) tham gia, sản xuất trực tiếp có 20 người, còn lại tham gia chăm sóc rừng. Xưởng bắt đầu làm phục tráng rừng luồng từ 2018 và sơ chế từ 2021. Dự án hỗ trợ về máy móc để mở xưởng, thu nhập người lao động tại xưởng 200.000đ/1 người/1 ngày.

11.11_luong-2.jpg
Tổ nhóm của bà Lương Thị Nguyệt đã tạo nhiều công ăn việc làm cho bà con trong bản. (Ảnh: MarketTimes).

“Xưởng mỗi ngày thu mua được của bà con 20 tấn luồng và sơ chế theo yêu cầu của đơn vị thu mua như làm đũa dùng 1 lần, sấy khô bán cho nhà máy sản xuất bàn, ghế ngồi, thớt… và các sản phẩm làm từ cây luồng.

“Nhờ Dự án, bà con biết cách chăm sóc, giá trị cây luồng được nâng cao, trước thu mua của bà con 7.000đ/10kg và hiện nay nâng lên 12-13.000đ/10kg”, bà Nguyệt nói.

Điều mà bà Nguyệt thấy rằng khi tham gia vào dự án sự thay đổi lớn nhất là bà con được hỗ trợ sinh kế, tăng thêm thu nhập... Mừng hơn là Tổ đã tạo thêm thu nhập cho chủ yếu lao động nữ. “Chúng tôi tin rằng, sau khi Dự án kết thúc, chúng tôi vẫn tự tin duy trì được”, bà Nguyệt kỳ vọng.

Công ty cổ phần BWG Mai Châu với nhà máy sản xuất đặt tại huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình - là doanh nghiệp thu mua, khai thác và chế biến cây luồng của Quan Hóa.

11.11_luong-1.jpg
Công ty cổ phần BWG Mai Châu chế biến được 50-60 tấn cây/ngày. (Ảnh: MarketTimes).

Ông Nguyễn Đình Tám, Giám đốc điều hành sản xuất cho hay, nhà máy có tổng diện tích gần 10ha, hiện sản xuất tre công nghiệp, với 2 sản phẩm chính là nội thất gia dụng và sản phẩm tre phôi ép khối – dòng sản phẩm ngoài trời (chịu nước, khắc nghiệt hơn) cũng là thế mạnh của nhà máy. Cây luồng là cây duy nhất nhà máy nhập dùng để chế biến và công suất chế biến được 50-60 tấn cây/ngày và nhập từ vùng FSC Quan Hóa là chính.

“Với việc chuẩn hóa nguồn nguyên liệu, việc đảm bảo vùng nguyên liệu cho sản xuất của nhà máy đã góp phần giúp cho đầu ra tốt hơn, đặc biệt là đáp ứng tiêu chí khắt khe của thị trường châu Âu, đảm bảo gia tăng giá trị sản phẩm”, ông Nguyễn Đình Tám thông tin thêm.

11.11_luong-4.jpg
Những sản phẩm từ cây luồng được làm mặt bàn, ghế mang giá trị thẩm mỹ cao. (Ảnh: MarketTimes).

Bà Hà Thị Lê, nhân viên phụ trách FSC của nhà máy chia sẻ, để thu mua được đủ số lượng luồng phục vụ sản xuất, nhà máy có các nhóm hộ nhỏ đi thu mua. Hiệu quả của chuỗi giá trị luồng và chứng chỉ FSC cho thấy sự khác biệt đó là: đảm bảo khai thác rừng không ảnh hưởng hiện trạng và đảm bảo đời sống người dân, tránh khai thác tận cùng…

11.11_luong-5.jpg
Dự án "Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre" hoàn toàn đi đúng hướng. (Ảnh: MarketTimes).

Những sản phẩm được làm ra từ cây luồng như hộp đựng giấy ăn, thớt, mặt bàn… và rất nhiều sản phẩm khác được tiêu dùng trong nước cũng như xuất khẩu cho thấy Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre” hoàn toàn đi đúng hướng. Điều này không chỉ giúp cho bà con nâng cao thu nhập mà còn giúp địa phương phát triển kinh tế bền vững.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Trồng cây luồng, người Quan Hoá (Thanh Hoá) thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO