Bí xanh thơm Tràng Định (Lạng Sơn): “Gian nan” nâng tầm giá trị

Minh Phạm | 10:41 08/11/2022

Mặc dù đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP của huyện Tràng Định, nhưng sản phẩm bí xanh thơm đang gặp khó khi mở rộng diện tích trồng cũng như nâng tầm giá trị.

Bí xanh thơm Tràng Định (Lạng Sơn): “Gian nan” nâng tầm giá trị
Đạt chứng nhận sản phẩm OCOP nhưng hiện tại bí xanh thơm Tràng Định, Lạng Sơn vẫn "gian nan" tìm đường vào chuỗi siêu thị. (Ảnh: MarketTimes).

Hội chợ thương mại quốc tế Việt – Trung năm 2022 được tổ chức với 260 gian hàng đến từ 100 cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của Việt Nam và Trung Quốc. Trong số đó, nhiều vị khách ghé thăm gian hàng của huyện Tràng Định với cách bày trí lạ mắt và sản phẩm độc đáo như bí xanh thơm to tròn, cách tạo hình khối cây thạch đen.

Trước sự ngạc nhiên của khách hàng với quả bí to xanh nặng từ 7-9 kg, ông Nguyễn Văn Hải -Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng Định “say sưa” nói về trái bí khá độc đáo của địa phương mình.

Ông Hải cho biết, cả huyện có xã Đề Thám là địa phương trồng được bí xanh thơm bản địa cho chất lượng quả tốt nhất, đúng nguyên bản. Bí xanh thơm được trồng cách đây 10 năm và khoảng 4 năm trở lại đây, bà con trên địa bàn xã mới bắt đầu trồng nhiều, trồng tập trung và sản xuất mang tính hàng hoá. Điển hình như ở thôn Pác Luồng có trên 30% số hộ dân trong thôn trồng cây bí xanh thơm cho hiệu quả kinh tế. Có những hộ gia đình duy trì trồng bí xanh thơm, coi đây là nguồn thu nhập chính.

Gia đình bà Nông Thị Hoa, thôn Pác Luồng trồng được hơn 2 sào bí. Nhà bà Hoa trồng bí xanh thơm được 3 năm nay, giờ khách hàng rất ưa chuộng loại bí này vì nó thơm, ngon. Hằng năm, gia đình luôn duy trì trồng 2 sào bí xanh thơm. Từ đầu vụ đến nay, bà Hoa đã bán hơn 3 tạ bí, với giá bán 10.000 đồng/kg, thu về hơn 3 triệu đồng. Ước đến cuối vụ sẽ thu được thêm khoảng 3 tạ bí nữa.

Theo ông Hải, bí xanh thơm được trồng từ cuối tháng Giêng (âm lịch), đến cuối tháng 4 (âm lịch) bắt đầu được thu hoạch. Thời điểm bí bắt đầu leo giàn, ra nhánh và ra hoa là thời điểm quan trọng ảnh hưởng đến giai đoạn quả, bà con nông dân tập trung bón phân, vun gốc, sửa sang lại giàn để đảm bảo cho cây phát triển thuận lợi.

Hiện toàn xã có khoảng 5ha trồng bí xanh thơm. Đây là loại bí xanh kén thổ nhưỡng. Nếu trồng ở địa phương khác có thể cho trái to, nhưng không thơm và không ngon bằng xã Đề Thám. Xã, huyện cũng rất muốn mở thêm diện tích, tăng sản lượng bí xanh thơm, nhưng chính vì sự “kén” của loại cây bản địa này nên không thể mở thêm.

Và cũng chính do kén thổ nhưỡng, nên bí xanh thơm trồng tại Đề Thám luôn có trái to từ 7-9kg, ăn có vị thơm, không bị chua. Anh cho biết, nhiều khách hàng nhầm lẫn bí Tràng Định với Bắc Kạn, nhưng thực chất đây là hai loại khác nhau. Bí xanh thơm Tràng Định có màu xanh, quả tròn to. Bí xanh thơm Bắc Kạn có phấn trắng, mình dài thuôn hơn.

Năm 2022, bí xanh thơm Đề Thám được công nhận sản phẩm OCOP. Xã đề xuất lên huyện liên hệ với trường Đại học Nông lâm Bắc Giang và Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn để bảo tồn và phục tráng giống bí bản địa này.

Tuy nhiên, vị giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Tràng định trăn trở với đầu ra của bí xanh thơm. Diện tích trồng không nhiều, sản phẩm cũng không dư thừa, thương lái về thu mua mang lên thành phố Lạng Sơn, nhưng số còn lại bà con mang ra chợ bán.

Điều mà ông Hải lo lắng khi sản phẩm đã đạt chứng nhận OCOP phải nâng được giá trị sản phẩm, được bày bán tại các chuỗi siêu thị, cửa hàng, không thể bán ngoài chợ thông thường như những loại rau củ khác.

Với giá thu mua tại vườn từ 10.000 – 12.000 đồng/kg và giá bán ngoài chợ 15.000 – 17.000 đồng/kg, ông Hải rất hy vọng sản phẩm này được nhiều người tiêu dùng biết đến và được trưng bày đúng giá trị của sản phẩm OCOP.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Bí xanh thơm Tràng Định (Lạng Sơn): “Gian nan” nâng tầm giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO