Chuỗi giá trị Tre Quan Sơn, Thanh Hoá: Thành công từ liên kết 4 nhà

Phạm Minh | 21:09 24/10/2022

Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre” mới được thực hiện từ năm 2018 tại Quan Sơn, nhưng cuộc sống nơi đây đã đổi thay. Điều đặc biệt, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp, nhà khoa học và chính quyền địa phương đã xây dựng thí điểm chuỗi giá trị Lùng, mang lại giá trị kinh tế cao.

Chuỗi giá trị Tre Quan Sơn, Thanh Hoá: Thành công từ liên kết 4 nhà
Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre” không những hỗ trợ bà con trồng mới, phục tráng rừng Lùng, mà còn hỗ trợ người dân tự sản xuất ra sản phẩm cho doanh nghiệp, nâng cao thu nhập. (Ảnh: MarketTimes).

Thu nhập người dân tăng

Đường đi bản Ngàm, xã Sơn Điện, huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) khá cheo leo, hiểm trở. Tính từ thành phố Thanh Hoá đi mất hơn 3 giờ cho 156km. Đây là huyện nằm giáp biên giới Việt – Lào, điều kiện kinh tế, xã hội đều khó khăn.

Bản Ngàm trước đây được chính quyền địa phương lựa chọn làm địa điểm du lịch cộng đồng, nhưng rồi đại dịch Covid-19 đã làm “vỡ” kế hoạch này. Đến nay, hàng chục ngôi nhà sàn được xây dựng khang trang, sạch đẹp hầu như không có khách. Dân trong bản và trong xã thu nhập hiện nay phụ thuộc vào cây Lùng (Vầu) một loại cây họ Tre, có giá trị làm thủ công mỹ nghệ và xuất khẩu sang châu Âu.

Nhưng nếu cứ khai thác mà không phục tráng, trồng mới thì nó cũng bị mai một đi. Đây cũng là lời bộc bạch, chia sẻ của ông Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, đơn vị phụ trách chuỗi giá trị Tre.

anh-2.jpg
Ông Lò Văn Tiếu (bản Ngàm) chia sẻ, từ khi tham gia dự án, sản phẩm có giá cả và đầu ra ổn định. Thu nhập của người dân tăng gấp đôi. Nếu như trước đây chỉ bán được 800-900 đồng/kg Lùng, thì nay bán được 2.000 đồng/kg.

Ông Lò Văn Tiếu (bản Ngàm) chia sẻ, người dân ở đây chủ yếu thu nhập từ cây Lùng. Cách đây hơn 4 năm, việc thu hoạch, bán sản phẩm thô giá cả rất bấp bênh do không có doanh nghiệp nào đặt hàng, thậm chí phải chở ra tận Hà Nội bán.

Từ năm 2018, người dân trồng Lùng bản Ngàm và huyện Quan Sơn tham gia dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre”, thì sản phẩm có giá cả và đầu ra ổn định. Cây Luồng chặt ra đến đâu bán hết đến đó, thu nhập tăng gấp đôi. Nếu như trước đây chỉ bán 800-900 đồng/kg, thì nay bán được 2.000 đồng/kg.

Ông Lò Văn Tiếu cho biết thêm, cả tổ hợp tác ở bản Ngàm có 28 hộ gia đình, trong đó 13 hộ gia đình trồng mới và 15 hộ phục tráng trên tổng diện tích 12ha. Điểm khác biệt khi tham gia dự án, cây Lùng được chăm sóc tốt hơn, trồng có quy mô nên cây sinh trưởng tốt hơn.

Không chỉ bán sản phẩm nguyên liệu ổn định, tại bản Ngàm, doanh nghiệp thu mua còn đặt xưởng sản xuất và gia công sản phẩm ngay tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho cả người lớn tuổi.

Tạo sinh kế cho đồng bào

Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần ECOBAMBO Việt Nam, là doanh nghiệp tạo tác động xã hội, tham gia dự án ngay từ đầu và thu mua nguyên liệu cho bà con.

anh-3.jpg
Bà Nguyễn Thị Diệu Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần ECOBAMBOO Việt Nam chia sẻ, được Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ giới thiệu vùng nguyên liệu, Công ty đã bao tiêu sản phẩm cho bà con. Bên cạnh đó, để tạo công ăn việc làm, tăng thêm thu nhập cho bà con, Công ty đã xây dựng cơ sở sơ chế và đan lát tại chỗ.

Trước đây, Công ty chở Lùng về Hà Nội để sản xuất. Nhưng để thuận tiện cho việc sản xuất và tạo thêm công ăn việc làm cho đồng bào nơi đây, Công ty đã xây dựng 2 cơ sở tại chỗ: Sơ chế và đan lát. Tổ đan lát hiện nay có 20 nhân công làm việc, dự kiến Công ty sẽ nhân rộng lên 40 người để có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường.

anh-4.jpg
Theo ông Lò Văn Buôn, Công ty cổ phần ECOBAMBOO Việt Nam đã mở xưởng sơ chế va đan lát ngay tại bản Ngàm, tạo công ăn việc làm cho những người lớn tuổi trong bản. Thu nhập của mỗi người từ 45.000-90.000 đồng/ngày.

Ông Lò Văn Buôn dân tộc Thái, đang sinh sống tại bản Ngàm phấn khởi chia sẻ, hơn 1 tháng nay ông không phải vào rừng chặt cây Lùng do Công ty cổ phẩn ECOBAMBOO Việt Nam đã xây dựng xưởng đan lát. Tổ đan lát gồm 20 người, Công ty ưu tiên những người tuổi cao sức yếu. Công xá được trả theo sản phẩm, mỗi bộ sản phẩm được đan xong, người thợ được nhận về 45.000 đồng. Trung bình người đan nhanh sẽ được 2 bộ/ngày.

“Trước đây tôi vào phải rừng chặt Luồng, thu nhập mặc dù cao hơn đan lát, nhưng già yếu không làm được công việc nặng nhọc. Do đó ngồi ở nhà đan lát sẽ phù hợp hơn với sức khoẻ của tôi”, ông Buôn bộc bạch.

Cũng như xưởng đan lát, xưởng sơ chế cũng thu hút được một lượng lao động nhàn rỗi tại địa phương. Theo ông Vũ Đức Ba, quản lý xưởng sơ chế, đồng bào ở đây ngoài làm nông theo thời vụ, xong việc bà con còn làm ở xưởng, tăng thêm thu nhập từ 4-6 triệu đồng/tháng. Điều quan trọng nhất, bà con được học nghề, làm nghề và tạo thêm sinh kế cho mình.

Bảo tồn giá trị cây Lùng

Là đơn vị hỗ trợ đồng bào từ gây giống, trồng mới, phục tráng, chăm sóc… ông Phan Văn Thắng chia sẻ, ông đã đi nhiều, nghiên cứu nhiều nhưng nhận thấy cây Lùng có nhiều điểm đặc biệt như lóng dài, sợi nhỏ, sơ chế rất trắng và không bao giờ mốc. Thậm chí giới chế biến thủ công mỹ nghệ gọi là “Nữ hoàng tre trúc Việt Nam”.

Ông đã trăn trở, vì nếu không trồng cây Lùng mới, không phục tráng thì cây Lùng sẽ bị mai một, bị thoái hoá và bị tuyệt chủng giống bản địa. Cơ duyên đến khi năm 2014 có nguồn tiền từ Hội đồng quản lý rừng (FSC), Trung tâm đã cùng Tổ chức Oxfam thực hiện quy hoạch tại Quế Phong, Quỳ Châu (Nghệ An) 28.000 ha, Quan Sơn (Thanh Hóa) hơn 20.000 ha nằm dải dọc thượng nguồn sông Mã.

anh-6.jpg
Ông Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, người đầu tiên tham gia hỗ trợ bà con từ gây giống, trồng mới, phục tráng. Đến nay Trung tâm còn xây dựng tiêu chuẩn chất lượng để có thể xuất khẩu đi châu Âu.

Hiện Viện thành công nhân từ cây hom đạt tỷ lệ trên 70%. Từ nhân giống, Viện đã trồng ở Quan Sơn được 13 ha, đem cây giống lên Sơn La được 13ha. Riêng đối với cây Lùng phục tráng được 30ha, trồng thêm các cây lâm sản ngoài gỗ dưới rừng Lùng với các loại cây: cây dổi, sa nhân, ba kích…để nâng cao hiệu quả của rừng.

Không chỉ hỗ trợ về trồng mới, phục tráng, chăm sóc, Viện còn xây dựng tiêu chuẩn chất lượng để có thể xuất khẩu đi châu Âu. Thị trường châu Âu khó tính bắt buộc sản phẩm phải có chứng chỉ FSC và PFC.

Mới đây, cơ quan cấp chứng chỉ tới Quan Sơn để đánh giá và cấp chứng chỉ FSC cho hơn 3.000 ha cây Luồng và cây Lùng. Trước đó, gần như vùng nguyên liệu tre, hơn 6.000 ha Luồng và Lùng hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hoá được cấp chứng chỉ.

Đánh giá về dự án này, đại diện Phòng Nông nghiệp huyện Quan Sơn cho biết, huyện rất vui mừng nhận được hỗ trợ của Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị Tre” do Liên minh châu Âu tài trợ được thực hiện bởi Oxfam và Viện Lâm sản nghề gỗ.

Tính đến nay, dự án đã phối hợp hợp với chính quyền và các cơ quan ban ngành và bà con nông dân địa phương thành lập được 10 tổ nhóm nông dân sản xuất quy mô nhỏ với hơn 300 hộ thành viên.

Bước đầu đã có sự thoả thuận hợp đồng mua bán trực tiếp giữa người dân và Công ty cổ phần ECOBAMBOO Việt Nam. Đồng thời, dự án cũng đã hỗ trợ triển khai xây dựng các mô hình thí điểm thành chuỗi giá trị tại bản Ngàm xã Sơn Điện. Các mô hình đều đem lại những kết quả tích cực cho bà con tổ nhóm bản Ngàm.

anh-5(1).jpg
Dự án đã phối hợp hợp với chính quyền và các cơ quan ban ngành và bà con nông dân địa phương thành lập được 10 tổ nhóm nông dân sản xuất quy mô nhỏ với hơn 300 hộ thành viên.

Phòng Nông nghiệp huyện cho biết thêm, thời gian tới chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành cùng dự án nhằm quản lý rừng Luồng bền vững, tăng năng suất và chất lượng rừng Lùng, cải thiện tình trạng suy thoái rừng Lùng, tạo thêm nhiều việc làm cho người dân và nâng cao thu nhập một cách ổn định cho người dân địa phương.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Chuỗi giá trị Tre Quan Sơn, Thanh Hoá: Thành công từ liên kết 4 nhà
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO