Thị trường dầu thô "loạn nhịp"

Trường Giang | 09:24 28/09/2022

Sáng 28/9, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao dịch ở mức 78,68 USD/thùng, còn dầu Brent là 86,23 USD/thùng.

Thị trường dầu thô "loạn nhịp"
Ảnh minh họa

Trong phiên sáng 28/9 (Giờ Việt Nam), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI đã tăng 0,18 USD/thùng (0,23%) trong khi dầu Brent quay đầu giảm 0,04 USD/thùng (0,05%).

Giá dầu tăng nhẹ từ phiên hôm qua, xung quanh mức thấp nhất trong 9 tháng qua, được hỗ trợ bởi việc hạn chế nguồn cung ở Vịnh Mexico (Mỹ) trước cơn bão Ian và đồng USD giảm nhẹ.

Mặt khác, các nhà phân tích kỳ vọng rằng, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh (OPEC+) có thể hành động để ngăn chặn đà giảm giá bằng cách cắt giảm nguồn cung vào cuộc họp ngày 5/10 tới.

Tính đến nay, giá dầu thô đã giảm mạnh so với thời điểm đỉnh điểm của năm nay, với giá dầu Brent gần chạm mức cao nhất mọi thời đại là 147 USD/thùng vào tháng 3 sau khi xung đột Nga – Ukraine diễn ra. Lo lắng về suy thoái, lãi suất cao và biến động tăng mạnh của đồng USD đã đè nặng thị trường.

Hiện tại, cơn bão Ian đã mạnh lên thành bão cấp 4, và đang tiến đến vùng Vịnh Mexico, theo Trung tâm Bão Quốc gia Mỹ.

Các công ty đã sơ tán nhân công và tạm ngừng 11% công suất sản xuất dầu tại vùng Vịnh, khi bão đổ bộ tại Florida. Sản lượng khí tự nhiên cũng giảm 184 triệu feet khối, tương đương 9% công suất khu vực.

Đây là cơn bão đầu tiên trong năm nay gây gián đoạn sản lượng dầu khí tại Mỹ, đặc biệt là khu vực Vịnh Mexico có vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp dầu khí tại Mỹ. Thông thường, Vịnh Mexico chiếm 15% sản lượng dầu thô và 5% sản lượng khí tự nhiên của quốc gia.

Bên cạnh đó, giá dầu cũng được trợ giúp trong phiên tối khi có thông tin cho biết Nga có thể đề nghị OPEC+ cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng/ngày trong cuộc họp tiếp theo 5/10.

Xuất khẩu dầu của Nga sang cả các thị trường chính như châu Âu và cả các khách hàng tại châu Á đã giảm mạnh trong tháng 9 và giá dầu giảm trong giai đoạn gần đây có thể đang gây sức ép lên nguồn thu của nước này.

Phí vận chuyển đắt đỏ đã khiến cho dầu Nga trở nên kém hấp dẫn đối với một số nước như Ấn Độ, trong khi các công ty châu Âu đang ráo riết lên phương án chuẩn bị nguồn cung thay thế trước khi lệnh cấm nhập khẩu dầu từ Nga có hiệu lực từ ngày 5/12.

Theo giới phân tích, đây là biện pháp duy nhất có thể đảo chiều đà giảm của giá dầu. Mức giảm 1 triệu thùng/ngày, theo ngân hàng UBS, có thể hỗ trợ giá dầu duy trì quanh mức 90 USD/thùng.

Ngoài ra, “sức mạnh” của đồng USD Mỹ tạm lắng sau khi đặt mức cao nhất trong 20 năm, cũng đang hỗ trợ thị trường dầu.

Tuy nhiên, rạng sáng nay, báo cáo của Viện Dầu khí Mỹ API cho thấy, tồn kho dầu tại Mỹ tăng mạnh 4,2 triệu thùng trong tuần kết thúc 23/9, có thể tạo sức ép điều chỉnh cho giá dầu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Thị trường dầu thô "loạn nhịp"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO