Giá dầu tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày 26/9 do lo ngại nhu cầu nhiên liệu thấp hơn, ảnh hưởng từ lo ngại suy thoái khi các ngân hàng trên toàn thế giới tăng lãi suất, đồng thời đồng đô la tăng giá – hạn chế khả năng mua dầu thô của những người mua không sử dụng đồng tiền này.
Phiên hôm nay, giá dầu Brent kỳ hạn cho đợt thanh toán tháng 11 có lúc giảm 1,35 USD, tương đương 1,57% xuống 84,8 USD/thùng. Đây là mức thấp nhất kể từ ngày 14/1/2022.
Giá dầu thô Tây Texas (WTI) giao tháng 11 giảm 1,15 USD, tương đương 1,46% xuống 77,59 USD/thùng.
Chỉ số dollar – đo lường đồng bạc xanh với rổ tiền tệ quốc tế đã leo lên mức cao nhất trong 20 năm vào hôm nay, 26/9. Đồng bạc xanh mạnh khiến nhu cầu mua dầu bằng đồng tiền này giảm đi vì người mua sử dụng các đồng tiền khác phải chi nhiều hơn để mua dầu thô.
Các ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia tiêu thụ dầu, bao gồm cả Mỹ - nước sử dụng dầu thô lớn nhất thế giới – đã tăng lãi suất để chống lạm phát, dẫn đến lo ngại về một cuộc suy thoái kinh tế.
“Bối cảnh chính sách tiền tệ toàn cầu được thắt chặt bởi các ngân hàng trung ương để dập tắt lạm phát gia tăng. Đồng bạc xanh tăng giá mạnh lên mức cao nhất trong hơn 2 thập kỷ đã làm dấy lên lo ngại về sự suy giảm kinh tế đóng vai trò là ‘luồng gió’ chính thổi giá dầu thô đi xuống”, Sugandha Sachdeva – Phó chủ tịch nghiên cứu hàng hoá tại Religare Brokking cho biết.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng giá dầu WTI có thể tìm thấy đáy ở mức 75 USD/thùng trong khi giá dầu Brent có thể về mức 80 USD/thùng.
Russell Hardy – Giám đốc kinh doanh năng lượng của Vitol, cho biết các lô hàng nghiên liệu đang bị ảnh hưởng bởi các sản phẩm dầu của Nga dự kiến chảy sang châu Á và Trung Đông. Ngoài ra, Hardy nói trong một hội nghị dầu mỏ ở Singapore rằng hơn 1 triệu thùng dầu mỗi ngày của Mỹ sẽ đến châu Âu để lấp khoảng trống về nguồn cung của Nga.
Sự chú ý đang đổ dồn vào OPEC+ khi họ có cuộc họp gần nhất vào ngày 5/10, sau khi nhóm này đồng ý cắt giảm sản lượng một cách khiêm tốn trong cuộc họp mới đây.
Tuy nhiên, vì OPEC+ đang sản xuất thấp hơn sản lượng mục tiêu, bất kỳ sự cắt giảm nào được công bố có thể không ảnh hưởng đến nguồn cung.
Dữ liệu tuần trước cho thấy OPEC+ đang sản xuất ít hơn đến 3,58 triệu thùng/ngày so với mục tiêu tháng 8.