Các đợt tăng lãi suất tạo áp lực lên giá dầu thô

Lê Hà | 13:47 23/09/2022

Sáng 23/9 (Giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI giao dịch ở mức 84,29 USD/thùng còn giá dầu Brent là 91,68 USD/thùng.

Các đợt tăng lãi suất tạo áp lực lên giá dầu thô
Ảnh minh họa

Giá dầu WTI của Mỹ ghi nhận giảm 1,65 USD/thùng so với ngày hôm qua, giá dầu Brent cũng “bốc hơi” 1,22 USD/thùng.

Trước đó, giá dầu đã tăng hơn 1 USD trong phiên giao dịch do nhu cầu dầu thô tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới đang phục hồi trở lại kể từ khi bị kìm hãm bởi các hạn chế của dịch bệnh Covid-19.

Tuy nhiên, giá dầu quay đầu giảm nhẹ do rủi ro địa chính trị gia tăng làm tăng lo ngại suy thoái sau một loạt các đợt tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương.

Giữ mức giới hạn về giá, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất chủ chốt thêm 50 điểm cơ bản lên 2,25% và cho biết họ sẽ tiếp tục “phản ứng mạnh mẽ, khi cần thiết” đối với lạm phát, bất chấp nền kinh tế bước vào suy thoái.

Giá năng lượng đã tăng vọt ở châu Âu kể từ tháng 2, và Anh đang trợ cấp hóa đơn cho các hộ gia đình và doanh nghiệp với chi phí dự đoán hơn 100 tỷ bảng Anh (113 tỷ USD).

Bên cạnh đó, Ủy ban châu Âu đang nghiên cứu nhiều biện pháp hơn để kiềm chế giá khí đốt cao ngất trời và hỗ trợ các công ty năng lượng đang đối mặt với tình trạng suy giảm thanh khoản.

Các nước EU hiện đang đàm phán các đề xuất và hướng tới việc thông qua tại cuộc họp của các bộ trưởng EU vào ngày 30/9.

EU đã rút lui khỏi mức giới hạn giá khí đốt trong những tuần gần đây và ý tưởng này vẫn còn gây tranh cãi giữa các quốc gia EU.

Một số nước như Ý muốn giới hạn giá nhập khẩu khí đốt trong khi Đức thuộc số nước cảnh báo rằng mức trần giá có thể khiến các nước khó có đủ nhiên liệu cần thiết trong mùa đông.

Ở một diễn biến khác, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng 75 điểm cơ bản (bps), các đợt tăng lãi suất cũng diễn ra dày đặc và nhanh chóng từ Ngân hàng Quốc gia Thụy Sĩ, Ngân hàng Norges và Ngân hàng Trung ương Indonesia, với một đợt tăng nữa dự kiến ​​từ Ngân hàng Dự trữ Nam Phi vào cuối ngày.

Fed cũng báo hiệu vào 21/9 rằng chi phí đi vay của Mỹ sẽ tiếp tục tăng trong năm nay, trong một động thái khiến giá dầu Brent và dầu WTI xuống mức thấp nhất gần hai tuần.

Trong khi đó, dự trữ dầu thô của Mỹ (USOILC = ECI) đã tăng 1,1 triệu thùng trong tuần tính từ ngày 16/9 lên 430,8 triệu thùng, thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters về mức tăng 2,2 triệu thùng.

Khi giá dầu đang có dấu hiệu tăng, những diễn biến từ Nga đã tiếp tục thúc đẩy giá dầu với lệnh cấm vận lớn nhất kể từ Thế chiến thứ hai, làm gia tăng lo ngại về sự thiếu hụt thêm nguồn cung.

Sắp tới, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ dự kiến sẽ bỏ qua việc mua dầu thô ESPO của Nga trong tháng này do giá cước vận chuyển cao hơn, thay vào đó sẽ chuyển sang châu Phi và Trung Đông, các nguồn tin trong ngành cho biết.

Trước đó, các nhà máy lọc dầu ở Ấn Độ đã thu mua gần như tất cả các loại dầu thô của Nga, tận dụng lợi thế giảm giá sau khi các công ty phương Tây ngừng mua.

Vào thời gian tới, thị trường dầu thô sẽ còn đối mặt với nhiều rung lắc

Hiện tại, thị trường dầu thô vẫn chưa thể tìm được điểm tựa vững chắc từ các yếu tố cơ bản về cung cầu, thay vào đó lại gặp phải sức ép rất mạnh đến từ các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là cuộc chiến chống lạm phát của các Ngân hàng Trung ương lớn trên thế giới.

Từ nay đến cuối năm, Fed sẽ còn 2 lần điều chỉnh lãi suất, do đó thị trường dầu thô sẽ còn phải đối mặt với nhiều rung lắc trong thời gian tới.

Các yếu tố về vĩ mô sẽ tiếp tục quyết định hướng đi của thị trường, cho đến khi có sự thay đổi rõ ràng trong cân bằng cung - cầu.

Không chỉ nhà đầu tư mà những doanh nghiệp kinh doanh cũng sẽ cần phải chuẩn bị cho kịch bản giá dầu thế giới có thể tiếp tục giảm.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Các đợt tăng lãi suất tạo áp lực lên giá dầu thô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO