Vào phiên đầu tuần, giá dầu thô tăng nhẹ nhưng vẫn chưa bù đắp được mức lỗ tuần trước.
Cụ thể, vào phiên sáng nay 26/9 (Giờ Việt Nam) giá dầu WTI tăng 0,80 USD/thùng (1,02%) lên mức 79,54 USD/thùng; Dầu Brent tăng 0,84 USD/thùng (0,98%) lên mức 86,99 USD/thùng.
Kết thúc phiên tuần trước, giá dầu WTI giảm 7,1% xuống 78,74 USD/thùng, giá Brent giảm 5,57% xuống 85,03 USD/thùng.
Song dự báo đà tăng khó giữ khi yếu tố chủ yếu dẫn dắt giá dầu là các vấn đề vĩ mô, cho thấy suy thoái kinh tế.
Một loạt các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, Ngân hàng Trung ương Anh, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Na Uy tăng lãi suất từ 50 đến 100 điểm phần trăm, trong nỗ lực khống chế lạm phát đã khiến cho lực bán gia tăng mạnh trên các thị trường rủi ro.
Lúc này, dòng tiền đổ vào thị trường trú ẩn, khiến USD Index, tăng vượt ngưỡng 113 và lên mức cao nhất trong vòng 20 năm.
Mặt khác, việc tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí vay trong khi vấn đề về chuỗi cung ứng và thiếu hụt nguồn cung nhiều mặt hàng quan trọng như khí tự nhiên, gây khó khăn cho nền kinh tế nói chung và làm gia tăng lo ngại về suy thoái toàn cầu.
Chỉ số sản xuất PMI tại châu Âu trong tháng giảm tháng thứ 3 liên tiếp và PMI Mỹ đạt 51,8, tăng nhẹ tuy nhiên vẫn là mức thấp thứ 2 kể từ tháng 7/2020, phản ánh tốc độ mở rộng hoạt động sản xuất đang gặp nhiều bất lợi.
Ngược lại, giá được hỗ trợ phần nào khi Nga phát lệnh động viên một phần, gia tăng căng thẳng địa chính trị trong khu vực, và khiến các nước châu Âu gấp rút chuẩn bị thêm một gói trừng phạt thứ 8.
Với lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga đã được ấn định sẽ bắt đầu từ tháng 12 năm nay, và các thành viên muốn tránh các lệnh trừng phạt liên quan đến khí tự nhiên, châu Âu hiện tại không có quá nhiều lựa chọn, đặc biệt khi nền kinh tế được cảnh báo là đối mặt với rủi ro suy thoái.
Ở một diễn biến khác, thị trường hiện đang theo dõi động thái và các phát biểu của các thành viên OPEC+.
Trong cuộc họp đầu tháng Saudi Arabia đã được giao quyền để tổ chức các cuộc họp bất thường nhằm ổn định thị trường, trong khi phát biểu của Nigeria tuần trước gợi ý OPEC có thể sớm can thiệp vào thị trường tại mức giá dầu thấp, do ngân sách của nhiều thành viên phụ thuộc vào doanh thu xuất khẩu dầu.
Theo số liệu từ hãng dịch vụ dầu khí Baker Hughes, số lượng giàn khoan dầu khí của Mỹ tăng 1 lên 764 giàn đang hoạt động trong tuần vừa rồi, cho thấy nguồn khả năng tăng sản lượng không còn nhiều, và là yếu tố sẽ gây bất ổn đến nguồn cung.
Trên thị trường nội địa, giá bán các loại xăng dầu trong nước hôm nay được áp dụng theo mức giá điều chỉnh từ 15h ngày 21/9.
Hiện giá xăng E5 RON 92 về 21.780 đồng một lít (giảm 450 đồng một lít), xăng RON 95-III là 22.560 đồng một lít (giảm 630 đồng một lít)
Giá dầu diesel là 22.530 đồng một lít, giảm 1.650 đồng. Dầu hỏa có mức giá mới là 22.440 đồng, giảm 1.970 đồng, dầu mazut có giá 14.650 đồng/kg, giảm 380 đồng.