Thời gian qua, cùng với sự nóng lên của phân khúc chung cư tại các khu vực nội thành và loại hình đất nền dân cư tại các huyện ngoại thành thì thị trường đất nền đấu giá tại Hà Nội cũng nóng lên từng ngày.
Gần đây, vào cuối tháng 3, Hà Nội đã tiến hành đấu giá 31 thửa đất thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đất đấu giá quyền sử dụng đất khu Vàn Gợi - Đồng Quân, phường Viên Sơn, thị xã Sơn Tây. Các thửa đất đều là đất ở đô thị, thời hạn sử dụng lâu dài. Diện tích các thửa đất từ 94,1 đến 139,5m2. Giá khởi điểm từ 28-33 triệu đồng/m2; tương đương từ hơn 2,5 tỷ đồng đến trên 4,6 tỷ đồng/thửa.
Cũng tại thời điểm trên, tại huyện Đông Anh, Công ty Đấu giá Hợp danh số 5 - Quốc gia đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng 72 thửa đất nằm trong khu LK3 và LK4 thuộc dự án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu đấu giá quyền sử dụng đất xã Thụy Lâm.
Cụ thể, khu LK3 có 32 thửa đất, diện tích dao động từ 87,5-167m2. Giá khởi điểm từ 23,5-24,5 triệu đồng/m2. Các thửa đất này được đấu giá vào sáng 24/3. Tương tự, tại LK4 có 40 thửa đất, diện tích dao động từ 87,5 đến 144,5m2. Giá khởi điểm từ 23,5-24,5 triệu đồng/m2.
Trước đó, tại huyện Mê Linh, Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Mê Linh phối hợp với Công ty Đấu giá hợp danh Số 5 – Quốc Gia ra thông báo tiếp nhận hồ sơ đấu giá quyền sử dụng đất đối với 26 thửa đất tại khu Quán Chợ thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc và 4 thửa đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh.
Cụ thể, 26 thửa đất đấu giá tại khu Quán Chợ, thôn Bồng Mạc, xã Liên Mạc có diện tích từ 102,00m2 đến 143,31m2; giá khởi điểm từ 19-22,5 triệu đồng/m2; 4 thửa đất tại điểm X2, Tổ dân phố số 4, thị trấn Quang Minh có diện tích từ 125,08m2 đến 129,06 m2 giá khởi điểm từ 26 – 27 triệu đồng/m2.
Thống kê từ dữ liệu lớn của batdongsan.com.vn cho thấy, thị trường đất đấu giá Hà Nội đang khá sôi nổi khi các cuộc đấu giá được tổ chức trong tháng 3 hoặc tháng 4 sắp tới đều có lượng hồ sơ cao. Các cuộc đấu giá được tổ chức trước đó vào tháng 2 và tháng 1 đều ghi nhận đông đảo nhà đầu tư quan tâm.
Vào tháng 2/2024, một cuộc đấu giá đất được tổ chức tại xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) ghi nhận số lượng người tham dự rất đông. Chỉ có 29 thửa đất được đấu nhưng có khoảng 90 người tham gia. Vào cuối tháng 2, cuộc đấu giá 33 thửa đất tại xã Thụy Lâm, huyện Đông Anh đều được đấu giá thành công, trong đó có lô cao gấp đôi giá khởi điểm với hơn 60 triệu đồng một m2.
Theo nhận định của một số nhà đầu tư đang tham gia “lướt cọc” đất nền đấu giá thì thời gian gần đây, giá nhà tại Hà Nội có xu hướng tăng nhanh chóng, giá chung cư quá cao khiến nhiều người mua nhà, nhà đầu tư quay đầu tìm về với đất nền, trong đó đất đấu giá thường có quy hoạch tốt, pháp lý đảm bảo và cũng có giá khởi điểm sát với thị trường, hơn nữa các huyện ngoại thành thường có giá tốt hơn nội thành, dư địa cơ hội để phát triển còn nhiều, là yếu tố khiến các nhà đầu tư xem xét quan tâm đối với đất đấu giá.
Nhà đầu tư cẩn trọng nguy cơ “say đòn”
Dù được đánh giá là có triển vọng tăng giá và an toàn về pháp lý khi đầu tư so với các phân khúc đất nền dân cư hay đất nông nghiệp chờ quy hoạch chuyển đổi mục đích sử dụng nhưng theo các chuyên gia, nhà đầu tư tham gia đấu giá đất nền cũng cần tỉnh táo, tránh nguy cơ bị “say đòn” khi thị trường quá nóng.
TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, khi vào phiên đấu giá, nhiều khi các nhà đầu tư sẽ liên tục đẩy giá lên, thậm chí có những nơi nhà đầu tư “hăng chiến”, nghĩ rằng ít hàng, khan hàng thì giá đất phải cao, phải “sốt”, dẫn đến việc giá trúng cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm. Tuy nhiên, vì giá trúng đấu giá đất quá cao và thậm chí cao hơn nhiều giá thị trường nên sau đó rất khó thoát hàng.
“Các nhà đầu tư tham gia đấu giá đất giống như tham gia một cuộc chơi có yếu tố xanh - chín, 5 ăn - 5 thua, có nhiều rủi ro vì phải đặt cọc số tiền không nhỏ. Nếu trúng được giá rẻ hơn so với thị trường thì khả năng thanh khoản lớn và có lãi. Còn nếu nhà đầu tư ôm phải giá cao thì phải buộc bán giá cao và việc này rất khó để có người mua nên đường cùng là phải bỏ cọc; tình huống này xảy ra rất nhiều ở các địa phương như Thái Nguyên, Thanh Hóa, Bắc Giang,… trong đợt sốt đất giai đoạn 2020-2021”, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam nhận định.
Lý giải về sai lầm “ôm” đất đấu giá giá cao, ông Đính cho rằng thời điểm nhà đầu tư “ôm” là khi giá đất đang “sốt” nên cho rằng thị trường còn lên nữa mà không biết rằng thị trường đang ảo, đang bị “bong bóng”.