Đại biểu Quốc hội: Cần nâng mức đặt cọc đấu giá đất lên hơn 20%

Lê Sáng | 12:29 28/11/2023

Đối với mức tiền đặt trước để tham gia đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá đất, đại biểu Quốc hội cho rằng có thể xem xét mức đối đa lên hơn 20% giá khởi điểm để minh bạch hóa và ngăn chặn tình trạng bỏ cọc.

Đại biểu Quốc hội: Cần nâng mức đặt cọc đấu giá đất lên hơn 20%
Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Ảnh: Media Quốc hội

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 28/11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tham luận tại phiên họp, đại biểu Lê Tất Hiếu - Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đề nghị rà soát nội dung về tài sản đấu giá để đảm bảo cho người tham gia đấu giá tài sản nghiêm túc, có trách nhiệm tham gia đấu giá và trước khi bỏ giá để đảm bảo cho hoạt động đấu giá lành mạnh, có hiệu quả làm ổn định tình hình kinh tế xã hội.

Theo đó, đại biểu Hiếu cho rằng, có thể nâng giá trị tiền đặt cọc lên trên 20% giá khởi điểm.

“Tuy nhiên có một hạn chế là nếu nâng tiền đặt cọc thì sẽ hạn chế, thu hẹp đối tượng người tham gia đấu giá. Do vậy theo tôi cần có một điều luật quy định về phạt hợp đồng khi đơn phương hủy bỏ hợp đồng mua tài sản đấu giá, bằng 30% đến 50% giá tại hợp đồng.”, đại biểu Hiếu nêu quan điểm.

Ủng hộ quan điểm cần nâng mức đặt cọc khi đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng cần quy định ở mức tối thiểu bằng 20% giá khởi điểm.

Theo đó, hiện điểm b, khoản 13, Điều 1 dự thảo Luật Đấu giá tài sản quy định trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư thì tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm.

Theo đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân, quy định như trên còn chưa thống nhất với quy định tại Điểm c, khoản 1 và Điểm a, khoản 2, Điều 17a Nghị định số 43 ngày 15/5/2014 của Chính phủ đã được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 3 Điều 1 Nghị định số 10 ngày 03/4/2023 của Chính phủ quy định về điều kiện tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất. Đó là tổ chức tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải nộp tiền mặt đặt trước bằng 20% tổng giá trị thửa đất khu đất tính theo giá khởi điểm để đấu giá quyền sử dụng đất và điều kiện hộ gia đình, cá nhân tham gia đấu giá quyền sử dụng đất phải thuộc đối tượng Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật Đất đai và đáp ứng các điều kiện quy định tại điểm c và điểm d Khoản 1 Điều này.

Do đó, đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị sửa đổi, bổ sung Điểm b, khoản 13 Điều 1 dự thảo Luật theo hướng quy định về mức tiền đặt trước tối thiểu bằng 20% tổng giá trị thửa đất khu đất tính theo giá khởi điểm để thống nhất với quy định của Luật đất đai.

Cũng liên quan đến đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá đất, đại biểu Trần Văn Khải - Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam cho rằng cần có chế tài để nghiêm cấm người tham giá đấu giá tài sản sử dụng nguồn vốn không minh bạch để tham gia đấu giá

Đại biểu Trần Văn Khải cho rằng, tình trạng người tham gia đấu giá không đủ năng lực tài chính đang là phổ biến. Trong Luật đấu giá tài sản hiện hành, Khoản 5 Điều 9 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người tham gia đấu giá tài sản không có quy định xác định nguồn lực tài chính của người tham gia đấu giá.

Do đó, đại biểu Khải cho rằng việc này dẫn đến tình trạng lợi dụng đấu giá làm rối loạn thị trường đất đai hay “đấu giá hộ” do không đủ nguồn lực tài chính, nhiều trường hợp "dựa hoàn toàn" vào ngân hàng bảo lãnh. Hay trường hợp bỏ cọc xảy ra không dễ thu tiền cọc. Hay trúng đấu giá xong triển khai dự án trì trễ… Đây là vấn để rất nghiêm trọng đã xảy ra phổ biến, đặc biệt là đấu giá quyền sử dụng đất.

Cũng theo đại biểu Khải, trong thực tiễn đấu giá quyền sử dụng đất vừa qua, vấn đề vướng mắc nhất hiện nay cũng là lỗ hổng pháp lý lớn nhất là xác định năng lực tài chính “vốn thực có” của người tham gia đấu giá quyền sử dụng đất.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Duy Thanh - Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau lại cho rằng cần chế tài đối với vi phạm trong việc xác định giá khởi điểm.

Theo đó, đại biểu Thanh cho rằng cần sửa đổi, bổ sung quy định hạn chế việc bỏ cọc nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, hạn chế tình trạng người đấu giá thiếu thận trọng, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đại biểu Quốc hội: Cần nâng mức đặt cọc đấu giá đất lên hơn 20%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO