Nợ đọng khiến các doanh nghiệp xây dựng hụt dòng tiền

Lâm Tùng | 16:14 18/11/2022

Phần lớn doanh nghiệp xây dựng thuộc diện khảo sát có khoản phải thu khách hàng tăng kể từ đầu năm. Tình trạng này dẫn đến dòng tiền kinh doanh bị thâm hụt, một số đơn vị buộc phải tăng cường vay nợ để có tiền duy trì hoạt động.

Nợ đọng khiến các doanh nghiệp xây dựng hụt dòng tiền
Khoản phải thu khách hàng dần lấn át doanh thu của doanh nghiệp xây dựng trong 9 tháng năm 2022.

Nội dung chính:

  • Khoản phải thu khách hàng của doanh nghiệp xây dựng tăng mạnh trong 9 tháng năm 2022, dần lấn át doanh thu và khiến dòng tiền kinh doanh thâm hụt.
  • Để có tiền duy trì hoạt động, các công ty tăng cường vay nợ, cả ngắn hạn lẫn dài hạn.

9 tháng đầu năm, tình hình kinh doanh của phần lớn doanh nghiệp xây dựng đều khởi sắc với doanh thu và lợi nhuận tăng so với cùng kỳ. Tuy nhiên, dòng tiền kinh doanh – chỉ tiêu thể hiện sức khỏe doanh nghiệp lại hầu hết bị thâm hụt mà nguyên nhân chủ yếu là khoản phải thu khách hàng tăng mạnh. 

Tình trạng này xảy ra khi doanh nghiệp cho khách hàng nợ ngày một nhiều (còn gọi là “bán chịu”). Khoản phải thu thậm chí có xu hướng lấn át doanh thu của các doanh nghiệp này. Về mặt kế toán, khi ghi nhận khoản phải thu trong kỳ, doanh nghiệp cũng đồng thời ghi nhận một khoản doanh thu tương ứng. 

Tuy vậy, cho khách hàng nợ không chỉ giúp đảm bảo doanh thu, còn giúp doanh nghiệp duy trì quan hệ với đối tác, tạo việc làm cho người lao động, cùng nhau vượt qua giai đoạn khó khăn của thị trường. 

Các khoản phải thu, phải thu khó đòi tăng

Thống kê báo cáo tài chính của các doanh nghiệp niêm yết cho thấy Coteccons đang dẫn đầu trong việc cho khách hàng nợ, tính đến hết quý III/2022. Trong khi doanh thu 9 tháng đầu năm của nhà thầu đạt 8.308 tỷ đồng, thì số tiền khách hàng nợ lên tới 9.113 tỷ đồng, tăng gần 1.000 tỷ đồng so với số dư đầu năm. Đây là nguyên nhân chính khiến dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp thâm hụt sâu, gần 2.000 tỷ đồng.

Cùng với việc cho khách hàng nợ, Coteccons phải trích lập dự phòng nợ khó đòi đề phòng những khoản không thể thu hồi. Trong 9 tháng, Coteccons đã dự phòng thêm gần 300 tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi, tăng khoản trích lập dự phòng lên mức 960 tỷ đồng tại cuối quý III. Đây là khoản chi đáng kể, là nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của Coteccons bị bào mòn còn chưa đến 2 tỷ đồng sau 9 tháng kinh doanh.

Xếp sau Coteccons là Hòa Bình. Nhà thầu thâm hụt dòng tiền kinh doanh 1.331 tỷ đồng do tăng khoản phải thu ngắn hạn, lên 6.165 tỷ đồng. Cũng giống Coteccons, khoản phải thu khách hàng của Hòa Bình đang dần lấn át doanh thu, tình trạng này diễn ra trong khoảng 3 năm trở lại đây và có xu hướng rõ dần qua từng năm.

klofqrfkoyjg7rdcx6n5y2s4avacmksqedspl-lkgn6gd5il0tcsrbihcp0tijetkqxmuadtfvrzyztiugmdpnkligfqzpdoq1nu3hqv-wvxqasengln40moydpogy0op-npoesvpxtw-o8kunneus2jv7trhptte-askhj9lnmw3kp4zbjxqk4cu63k3w-9947.png
Doanh thu và Phải thu khách hàng của Hòa Bình (đơn vị: tỷ đồng)

Cùng với khoản cho nợ ngày một tăng, nợ khó đòi của công ty cũng có chiều hướng tăng tương ứng cho thấy chất lượng nợ của Hoà Bình có chiều hướng xấu đi. Công ty đã dự phòng 46 tỷ đồng nợ khó đòi trong 9 tháng đầu năm, nâng khoản dự phòng nợ xấu lên mức 415 tỷ đồng cuối quý III/2022.

Dù giảm so với cùng kỳ và hồi đầu năm, khoản phải thu khách hàng tại Tổng công ty Sông Đà vẫn đạt giá trị 3.400 tỷ đồng, chiếm phần lớn trong khoản phải thu ngắn hạn nói chung và tương đương 87% doanh thu của công ty trong 9 tháng.

Thế khó của doanh nghiệp xây dựng

Coteccons, Xây dựng Hòa Bình, Tổng công ty Sông Đà chỉ là 3 trong số nhiều doanh nghiệp đang ghi nhận khoản phải thu khách hàng ngày một tăng. 

Khi khoản phải thu tăng tác động đến dòng tiền kinh doanh, các doanh nghiệp buộc phải xoay xở để bù đắp sự thiếu hụt dòng tiền. Nhiều doanh nghiệp chọn thanh lý tài sản, thu hồi khoản đầu tư vào đơn vị khác, bán công cụ nợ của đơn vị khác… để có được lượng tiền mặt song phổ biến hơn cả vẫn là tăng cường vay mượn. 

Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng thuộc diện khảo sát đều đẩy mạnh vay mượn trong 9 tháng đầu năm. Trong trường hợp này, một mặt công ty phải chịu thêm chi phí lãi vay, mặt khác chịu thêm rủi ro về tài chính nếu không cơ cấu được nguồn vốn để trả các khoản nợ vay ngắn hạn hay nợ dài hạn đến hạn.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), khoản phải thu và khoản phải thu khó đòi ngày một tăng thể hiện tình trạng khó khăn của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng những năm gần đây.

Với dự án đầu tư công, nợ khó đòi chủ yếu do thủ tục thanh quyết toán thường phức tạp, đặc biệt là dự án có khối lượng phát sinh vì phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và thường mất nhiều thời gian. 

Còn với dự án có vốn ngoài ngân sách, nhiều chủ đầu tư do năng lực kém nên phải vay mượn tiền để triển khai, đến khi không thể vay mượn thì không có tiền trả cho nhà thầu. Bên cạnh đó, nhiều chủ đầu tư chây ỳ không trả, hoặc trả nhà thầu bằng sản phẩm. Việc trả bằng sản phẩm khiến các doanh nghiệp xây dựng phải xoay xở để bán đi vì họ không được cấp phép hoạt động lĩnh vực kinh doanh bất động sản.

“Nợ đọng là một trong nhiều khó khăn của doanh nghiệp xây dựng. Các doanh nghiệp còn phải đối diện với rất nhiều thách thức khác như số lượng dự án ít, chủ yếu phụ thuộc vào các dự án FDI; nhân công; khả năng tiếp cận vốn…”, ông Hiệp nói.

 

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nợ đọng khiến các doanh nghiệp xây dựng hụt dòng tiền
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO