52 doanh nghiệp lớn của Mỹ đã đến Việt Nam tìm cơ hội đầu tư, chuyên gia cho rằng cơ hội hợp tác tuy vô cùng lớn nhưng muốn khai thác hiệu quả không hề đơn giản.
Phái đoàn sang Việt Nam lần này bao gồm cả những doanh nghiệp đã tham gia và mới tham gia lần đầu, thuộc các lĩnh vực như quốc phòng, công nghệ, năng lượng, tài chính, bán dẫn, dược phẩm…Chuyển đổi năng lượng, chuyển đổi số là những lĩnh vực quan trọng mà các doanh nghiệp Mỹ sẽ thảo luận với các đối tác Việt Nam, nhằm giúp Việt Nam đạt mục tiêu phát thải ròngbằng 0 vào năm 2050, đồng thời cũng giúp Việt Nam lên một vị thế mới trong cuộc cạnh tranh số.
Theo số liệu của Bộ KH&ĐT, trong năm 2022, các doanh nghiệp Mỹ đã đầu tư hơn 748 triệu USD vào Việt Nam, xếp thứ 8 trên tổng số 108 quốc gia, vùng lãnh thổ đã đầu tư vào Việt Nam trong năm 2022.
Chuyên gia nhận định các doanh nghiệp Mỹ đang rất muốn tìm hiểu, muốn đầu tư vào Việt Nam và coi Việt Nam là lựa chọn hấp dẫn để hợp tác kinh doanh.
Theo PGS. TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, hàng năm đoàn doanh nghiệp thuộc Hội đồng Kinh doanh Mỹ - ASEAN (USABC) đều đến Việt Nam, nhưng đây là lần đầu tiên có 52 doanh nghiệp, quy mô lớn nhất tới Việt Nam.
Đoàn bao gồm rất nhiều tên tuổi lớn hoạt động trong nhiều lĩnh vực như công nghệ, bán dẫn, tài chính, y tế, dược phẩm, năng lượng…. Điều này một lần nữa khẳng định mối quan tâm của các doanh nghiệp, nhà đầu tư Mỹ tới thị trường Việt Nam.
“Đây là điềm lành trong thu hút đầu tư nước ngoài. Doanh nghiệp Mỹ muốn tìm hiểu, muốn đầu tư và Việt Nam phải có chính sách thông tin để đáp ứng, giúp họ tìm hiểu một cách thuận lợi nhất”, ông Thanh nói.
Còn theo TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, thời gian qua, doanh nghiệp Mỹ cũng nằm trong top 10 các nước đến đầu tư tại Việt Nam nhưng vẫn chưa như kỳ vọng. Vì thế, việc phái đoàn doanh nghiệp Mỹ đến Việt Nam lần này là tín hiệu rất tích cực và phù hợp với định hướng phát triển của chúng ta.
Theo ông Thành, trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi, sự dịch chuyển các chuỗi cung ứng đang diễn ra thì Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn và thuận lợi cả về địa chính trị, thể chế chính sách, môi trường đầu tư, do đó đã thu hút các doanh nghiệp lớn ở Mỹ.
“Tuy nhiên, chúng ta phải hiện thực hóa và cải cách thể chế một cách tích cực hơn nữa, gia tăng sự tương tác, hiểu biết hơn nữa thì trong thời gian tới chắc chắn sẽ có những bước tiến tích cực trong việc thu hút doanh nghiệp Mỹ đầu tư”, ông Võ Trí Thành nêu quan điểm.
Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là cơ hội tốt nhưng làm sao để phát huy được hiệu quả Việt Nam cần sớm chuẩn bị kỹ càng, nếu không thì cơ hội tốt có thể vụt khỏi tầm tay.
Để phát huy tốt, theo ông Lê Đăng Doanh, cả doanh nghiệp và Chính phủ Việt Nam phải tìm hiểu Mỹ nhiều hơn nữa để đáp ứng đúng, trúng nhu cầu của họ. Đồng thời chúng ta cũng cần thể hiện rõ vai trò, vị thế cũng như chính sách thu hút đầu tư với Mỹ và các nhà đầu tư nước ngoài khác.
Ông Đặng Văn Thanh cho rằng, chúng ta cần chủ động thông tin với họ, họ cần phải mắt thấy tai nghe, hướng triển khai cụ thể của chúng ta như thế nào.
“Đây là cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh của Việt Nam với các nhà đầu tư nước ngoài, cho họ thấy chính sách tích cực của chúng ta trong bối cảnh hội nhập. Phải xác định được chúng ta có điều kiện thuận lợi gì để giới thiệu, phải chứng minh được môi trường đầu tư của Việt Nam rất thuận lợi, ổn định và nhiều tiềm năng", ông Thanh cho hay.
Nói về giải pháp thu hút đầu tư các doanh nghiệp của Mỹ, theo TS Võ Trí Thành, Việt Nam có rất nhiều lợi thế về nhân công, nguồn nguyên liệu, thị trường, chính sách cởi mở của các Hiệp định thương mại... Tuy nhiên, chiến lược thu hút đầu tư của Việt Nam với doanh nghiệp Mỹ nói riêng và doanh nghiệp nước ngoài nói chung phải được Chính phủ, các bộ ngành nghiên cứu kỹ để đảm bảo chất lượng. Các doanh nghiệp thì phải chú trọng để đảm bảo mọi dự án đạt hiệu quả, gắn với phát triển bền vững, phải chuyển từ số lượng sang chất lượng.
Các chuyên gia cũng đồng tình cho rằng, Việt Nam đang cải thiện môi trường kinh doanh, để lấy được niềm tin của các nhà đầu tư, các bộ ngành và địa phương cần rút ngắn thời gian hoàn thành thủ tục hành chính, hạn chế nhũng nhiễu và theo đúng quy định của họ, ngăn chặn triệt để những tiêu cực có thể xảy ra.