Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc đề xuất cho người nước ngoài sở hữu nhà ở

Việt Khoa | 09:51 12/03/2023

“Tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được mua và sở hữu nhà ở, công trình xây dựng theo pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản”.

Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc đề xuất cho người nước ngoài sở hữu nhà ở

Đó là một trong những đề xuất bổ sung vào khoản 8 vào Điều 5 Dự thảo Luật Đất đai mà ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch CEO Group nêu trong tham luận gửi đến Hội thảo khoa học trọng điểm “Góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Chủ tịch CEO Group phân tích rõ các cơ sở của đề xuất này. Đầu tiên, đề xuất này nhằm tận dụng tối đa ưu thế của nền kinh tế mở với 17 FTA.

Thứ hai, góp phần thu hút đầu tư từ cộng đồng doanh nhân FDI đang hoạt động tại Việt Nam và đang đóng góp 21% GDP.

Thứ ba, theo ông Bình, xu hướng các nước phát triển trên thế giới và châu Á cho phép người nước ngoài mua và sở hữu bất động sản gắn liền với đất như một giải pháp khôi phục phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19. Một số quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc (Jeju), Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất (Dubai), Singapore (Sentosa), Malaysia và Thái Lan thậm chí còn cho phép người nước ngoài sở hữu đất đai.

Chính sách “ngôi nhà thứ hai” cũng cần được nghiên cứu theo hướng gắn việc mua, sở hữu bất động sản với việc cấp visa định cư có thời hạn phù hợp với thời hạn sở hữu bất động sản cho người nước ngoài tại Việt Nam.

Ông Bình dẫn ví dụ về chương trình “căn nhà thứ hai” Malaysia - một chương trình định cư quốc tế lần đầu được giới thiệu năm 1996 với tên gọi the Silver Hair Program (Chương trình tóc bạc). Chương trình này cho phép người nước ngoài mua tài sản và cư trú dài hạn tại đây với visa lên tới 5 năm, có thể được tiếp tục gia hạn 5 năm một lần khi họ đáp ứng các điều kiện về khả năng tài chính, thu nhập theo quy định và mua nhà tại Malaysia. Chương trình này đã tạo sức hút lớn, mang lại hàng chục tỷ đô la Mỹ và tạo cầu bất động sản cao cấp cho nền kinh tế Malaysia.

Tại Thái Lan, từ năm 2016, làn sóng đầu tư bất động sản để “an hưởng tuổi già” bắt đầu nổi lên mạnh mẽ sau khi Chính phủ Thái Lan đưa ra loại “visa nghỉ hưu” dành cho người nước ngoài trên 50 tuổi. Tháng 9/2021, nội các Thái Lan thông qua kế hoạch nhằm thu hút 1 triệu công dân toàn cầu giàu có trong vòng 5 năm, bằng cách cấp cho họ thị thực cư trú dài hạn đặc biệt, miễn là họ đáp ứng ngưỡng đầu tư hoặc mua trái phiếu tối thiểu nhằm thu hút 29,5 tỷ Đô la Mỹ vào năm 2026. Quốc gia láng giềng của Việt Nam là Campuchia vừa ban hành chính sách ngôi nhà thứ 2 (Cambodia My Second Home - CM2H) cấp thị thực vàng 10 năm (Golden Visa) để thu hút đầu tư vào bất động sản và thúc đẩy du lịch.

“Việc nghiên cứu, xây dựng các chương trình “Ngôi nhà thứ hai” như kinh nghiệm của các nước là định hướng tốt nên được xem xét áp dụng càng sớm càng tốt tại Việt Nam nhằm khơi thông nguồn lực để đầu tư cho phát triển đất nước”, theo ông Bình.

Thứ tư, nhằm tránh trường hợp người nước ngoài mua nhà, công trình xây dựng tại các khu vực nhạy cảm như khu vực an ninh quốc phòng…, ông Bình kiến nghị khoanh vùng đối tượng thuộc Người sử dụng đất là tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được mua và sở hữu nhà ở, công trình xây dựng theo pháp luật về nhà ở, kinh doanh bất động sản. Việc ghi nhận đầy đủ quyền của tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với nhà ở, công trình xây dựng đã mua (bao gồm cả ghi nhận quyền sử dụng đất) sẽ tạo điều kiện thu hút người nước ngoài mua nhà ở, công trình xây dựng tại Việt Nam, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, thu hút dòng tiền đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Thứ năm, hiện nay Bộ Xây dựng cũng đang xây dựng Dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và lấy ý kiến các doanh nghiệp, trong đó các doanh nghiệp cũng đang kiến nghị bổ sung quy định về việc cá nhân nước ngoài được mua công trình xây dựng (như căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, nhà phố du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú ….). Việc Dự thảo Luật Đất đai không đưa tổ chức, cá nhân nước ngoài (thuộc đối tượng được mua và sở hữu bất động sản tại Việt Nam) vào đối tượng sử dụng đất sẽ không đồng bộ với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản. Do vậy để đồng bộ hóa các luật, bên cạnh nhà ở, kiến nghị bổ sung quy định về việc tổ chức, cá nhân nước ngoài thuộc đối tượng được mua công trình xây dựng theo Luật Kinh doanh bất động sản vào đối tượng được sử dụng đất.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Lãnh đạo doanh nghiệp địa ốc đề xuất cho người nước ngoài sở hữu nhà ở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO