Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - Lạng Sơn 2023: Nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, mở rộng thị trường hàng hoá

PV | 16:58 26/04/2023

"Hội nghị Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - Lạng Sơn 2023" vừa diễn ra tại tỉnh Lạng Sơn. Sự kiện do Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp Thành phố Hà Nội (HBA) và UBND tỉnh Lạng Sơn tổ chức.

Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - Lạng Sơn 2023:  Nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, mở rộng thị trường hàng hoá
Đại diện VACOD và 12 Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh ký Hợp tác thỏa thuận chung.

Hội nghị thu hút khoảng 400 đại biểu trên toàn quốc tham dự đến từ cơ quan Bộ, ban, ngành Trung ương, các ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn, các Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương.

Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp

Phát biểu khai mạc Hội nghị, TS. Nguyễn Hồng Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho biết, Lạng Sơn được mệnh danh là “hòn ngọc phía Bắc của Tổ quốc", điểm đầu của Việt Nam trên tuyến hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) – Lạng Sơn – Hà Nội – Hải Phòng - Quảng Ninh. Đồng thời, Lạng Sơn là cửa ngõ của các nước ASEAN với thị trường phía Nam Trung Quốc trong khu vực mậu dịch tự do giữa ASEAN với Trung Quốc.

chu-tich-vacod.jpg
Chủ tịch VACOD - HBA, TS Nguyễn Hồng Sơn phát biểu tại Hội nghị.

Cùng với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, Lạng Sơn được biết đến với nhiều di tích lịch sử, danh thắng nổi tiếng cũng như truyền thống lịch sử lâu đời, với nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc Tày, Nùng, Dao, Kinh... tạo nên một bức tranh văn hóa đa màu thống nhất, cùng với đó là nhiều sản vật xứ Lạng phong phú, độc đáo đã được ghi nhận.

Lạng Sơn có tiềm năng lớn về du lịch, thương mại, đặc biệt là thương mại vùng biên; có vị trí địa lý rất tốt để phát triển kinh tế khi là cửa ngõ biên giới, nằm trong tuyến hành lang kinh tế xuyên Á, giáp với nước bạn Trung Quốc với nền kinh tế năng động, lại cách Thủ đô Hà Nội chỉ hơn 2 tiếng đồng hồ di chuyển.

Thời gian qua, Lạng Sơn nổi lên như một điểm sáng đầu tư ở khu vực Đông Bắc với lợi thế về vị trí gần cửa khẩu, hạ tầng hoàn thiện nhiều dự án lớn và phát triển đồng bộ thương mại, du lịch.

Hội nghị được tổ chức nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp trong cả nước có cơ hội tìm hiểu, tiếp cận trực tiếp các dự án đầu tư, thương mại, du lịch tiềm năng của tỉnh; nắm rõ những cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh Lạng Sơn dành cho các nhà đầu tư. Đặc biệt, thông qua những cam kết, chia sẻ của lãnh đạo tỉnh sẽ giúp cho doanh nghiệp có góc nhìn đa chiều và sâu sát hơn để chuẩn bị hiệu quả cho dự án trong tương lai.

Đồng thời Hội nghị là dịp để các doanh nghiệp gặp gỡ, kết nối, tìm kiếm, mời gọi những cơ hội hợp tác kinh doanh, mở rộng thị trường sản xuất, kinh doanh.

Phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp

Ông Đỗ Thành Trung, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch Đầu tư cho biết, với vị trí địa lý, kinh tế, chính trị đặc biệt, để tiếp tục phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tận dụng những cơ hội phát triển để tạo sự chuyển mình đột phá, Lạng Sơn đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế vùng gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ số, đổi mới sáng tạo; chuyển đổi cơ cấu năng lượng theo hướng bền vững, khai thác tối đa năng lượng sạch, năng lượng tái tạo gắn với bảo vệ rừng, tài nguyên thiên nhiên; phát triển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, sinh thái, bền vững.

thu-truong-bo-ke-hoach-va-dau-tu.jpg
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch đầu tư Đỗ Thành Trung nêu các vấn đề để Lạng Sơn "cất cánh".

Đồng thời phát triển các ngành, lĩnh vực phù hợp với Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội Vùng và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh. Trong đó, bên cạnh việc huy động tối ưu nguồn lực bên trong, cần khai thác tối đa nguồn lực bên ngoài thông qua việc thu hút hiệu quả đầu tư nước ngoài…

Còn đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công thương đề nghị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn nên bố trí đầu tư vào hạ tầng thương mại, thúc đẩy phát triển các sản phẩm lợi thế có tiềm năng của tỉnh như nông sản, đồ gia dụng, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ Việt Nam…

Tiếp tục đẩy mạnh các Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, tích cực tham gia vào các Chương trình, Đề án của Bộ Công Thương như Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Đổi mới phương thức kinh doanh tiêu thụ nông sản giai đoạn 2021 - 2025 định hướng đến năm 2030,…

Lạng Sơn nơi “đất lành chim đậu”

Nói rõ về những chính sách của tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu cho biết, công tác cải cách hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh đã có nhiều sự cải thiện tích cực. Năm 2022, Lạng Sơn nằm trong nhóm 30 tỉnh, thành phố có điểm PCI đứng đầu Việt Nam, xếp thứ 15/63 tỉnh thành phố, đứng thứ 2 về tỉnh có chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) đứng đầu năm 2022.

ong-ho-tien-thieu.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn, ông Hồ Tiến Thiệu.

Hiện nay, có nhiều nhà đầu tư đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Lạng Sơn, trong đó có nhiều nhà đầu tư lớn từ các nước Đức, Hàn, Nhật, Trung Quốc. Nhiều tập đoàn lớn trong nước đã đến đầu tư tại Lạng Sơn như Vin Group, Sun Group, Sovico, APEC, VSHIP và nhiều tập đoàn đang mong muốn được đầu tư như Viglacera, T&T, TH True Milk…

Xác định thu hút nguồn lực đầu tư ngoài ngân sách nhà nước là sự bổ sung quan trọng trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu kinh tế, đẩy mạnh sản xuất, tỉnh Lạng Sơn đã, đang và sẽ tiếp tục tập trung chỉ đạo một số nhiệm vụ giải pháp, gồm: Đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp; Tích cực triển khai xây dựng chính quyền điện tử; Tập trung nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; Tập trung giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư, nhất là các dự án đầu tư trọng điểm về giao thông, khu công nghiệp, hạ tầng thương mại, hạ tầng thông tin; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi, ưu tiên phát triển các trường cao đẳng, cơ sở dạy nghề trên địa bàn theo hướng đào tạo đa ngành, đa nghề đáp ứng nhu cầu nhân lực chất lượng cao trong thời gian tới…

Theo TS. Nguyễn Hồng Sơn, trong những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã có nhiều chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Chính sách cải cách toàn diện thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, tạo hành lang thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. Chính vì vậy, nhiều hội viên của VACOD và HBA trong cả nước đã chọn Lạng Sơn để đầu tư như: Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng Hoàng Dương (Chủ đầu tư Dự án Khu đô thị Phú Lộc I + II), Công ty Cổ phần Địa ốc Phú Long (Dự án Mailand Hoàng Đồng Lạng Sơn), Công ty Cổ phần Đầu tư TNG Holdings Việt Nam (Dự án Chuỗi khách sạn SOJO tại Lạng Sơn và các tỉnh trên cả nước).

Tại hội nghị này, VACOD với vai trò chủ trì cùng 12 Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố thuộc Trung ương tổ chức ký kết "Thỏa thuận hợp tác chung" nhằm mục tiêu hỗ trợ cho doanh nghiệp của các địa phương và doanh nghiệp VACOD trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp; thúc đẩy và triển khai các hoạt động Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch cho các địa phương; mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa, thực hiện cuộc vận động người Việt Nam dùng hàng Việt Nam.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Có thể bạn quan tâm
Hội nghị Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch VACOD - Lạng Sơn 2023: Nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh, mở rộng thị trường hàng hoá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO