Ngày 14/11, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu chủ trì hội nghị đối thoại với nông dân năm 2022 do Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn tổ chức với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, với sự tham dự của 200 đại biểu là nông dân đại diện cho gần 114.000 hội viên nông dân toàn tỉnh.
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cho biết, Hội nghị đối thoại này nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, nông dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế nông nghiệp; đầu tư hạ tầng giao thông tạo thuận lợi cho nông dân sản xuất; giao thương hàng hóa nông sản; bảo vệ môi trường nông thôn…
Với quan điểm, tìm ra cách đối thoại hợp lý, không phải đối thoại cho xong, mà các ban ngành cần đưa ra những câu giải đáp đúng đắn với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đưa ra những giải pháp phù hợp với thực tế quy định của pháp luật, sát với thực tế để đưa ra giải pháp tháo gỡ phù hợp cho những vướng mắc trong quá trình sản xuất kinh doanh của bà con tỉnh Lạng Sơn.
Tại hội nghị, các hội viên nông dân đã đề xuất, kiến nghị nhiều vấn đề quan trọng như: giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi tăng cao, đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp gặp nhiều khó khăn cần sự hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm của Nhà nước; tăng cường liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông nghiệp, phát triển các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới…
Trước câu hỏi của nông dân huyện Bắc Sơn về việc xuất khẩu nông sản gặp khó khăn khi Trung Quốc vẫn thực hiện chính sách Zero. Covid, nhiều hộ gia đình chăn nuôi, sản xuất không tiêu thụ được; hay việc sản phẩm trà OCOP 4 sao của huyện Đình Lập cũng gặp khó đầu ra… tỉnh có chính sách gì hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch Hồ Tiến Thiệu đồng tình rằng hiện nay việc xuất khẩu qua biên giới Trung Quốc không thuận lợi do chính sách Zero Covid, nên nhiều mặt hàng khó tiêu thụ được. Do đó, thị trường nội địa giờ sẽ là chủ lực và nông dân cần hướng về thị trường nội địa.
Sở dĩ, theo ông Hồ Tiến Thiệu, hiện nhu cầu tiêu thụ thịt bò, thịt lợn trong nước còn thiếu, giá cao; thịt từ nước ngoài vẫn nhập về Việt Nam, vì vậy không có lý do gì “bỏ quên” thị trường trong nước.
Tại Hội nghị, Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cũng yêu cầu các sở ngành, đặc biệt là Sở Công Thương sớm đàm phán với khách hàng nước ngoài tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản.
Trước đó, chia sẻ với MarketTimes, ông Nguyễn Đình Đạt, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn cho biết, để giải phóng hàng tồn kho cho cây thạch đen Tràng Định, tỉnh đang xúc tiến thương mại với Ấn Độ và một số quốc gia châu Á khác. Hiện ngoài việc tìm thị trường, cây thạch đen còn được chế biến sâu thành tinh bột thạch đen để nâng cao giá trị xuất khẩu.
Giải đáp vấn đề tiêu thụ cho sản phẩm đạt OCOP 4 sao của huyện Đình Lập, ông Hồ Tiến Thiệu trước tiên khẳng định đây là loại trà đặc sản được tỉnh chọn trưng bày trong các hội chợ lớn, được tỉnh chọn làm quà biếu các đối tác trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, việc tiêu thụ khó là nhận diện thương hiệu chưa cao, mẫu mã bao bì trà của Đình Lập còn ít đổi mới. Bên cạnh đó khi xúc tiến thương mại, đối tác cần nhập khối lượng lớn thì sản lượng của Đình Lập thấp, không đủ số lượng cần nhập khẩu.
“Các sở ngành cần hỗ trợ Đình Lập thay đổi mẫu mã sản phẩm đa dạng, đẹp hơn nữa, bắt mắt và tinh sảo. Bên cạnh đó các sở ngành tận dụng mọi cơ hội để giới thiệu sản phẩm của nông dân trong tỉnh, trong đó có sản phẩm trà Đình Lập”, Chủ tịch tỉnh Hồ Tiến Thiệu nói.
Đối với những ý kiến, kiến nghị của hội viên nông dân chưa được nêu ra tại hội nghị, Chủ tịch tỉnh yêu cầu Hội Nông dân tỉnh tổng hợp chuyển các các đơn vị liên quan để giải đáp bằng văn bản trong tháng 11/2022. Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn mong muốn các hội viên nông dân tự đổi mới tư duy, trang bị kiến thức về phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong tình hình mới.