Trong những năm qua, thạch đen là cây nông nghiệp ngắn ngày đặc trưng cho hiệu quả kinh tế cao của người dân tại huyện biên giới Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn. Đây là loại cây trồng mũi nhọn, giúp nhiều hộ dân xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống, phát triển kinh tế trên địa bàn.
Cây thạch đen được người dân trồng ở hầu hết các của huyện Tràng Định, nhưng tập trung trồng nhiều hơn cả ở xã Kim Đồng, Đề Thám, Tân Tiến và Chí Minh.
Một năm, cây thạch đen có thể trồng được 2 vụ, thu hoạch vào thời điểm tháng 6 và tháng 10 - 11 của năm. Loại cây này được người dân trồng duy trì ổn định từ 1.200 – 2.000ha/năm, cho năng suất bình quân từ 56 – 60 tạ/ha.
Những năm trước Covid-19, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực của cây thạch đen. Tuy nhiên, việc tiêu thụ thạch đen đang “chông chênh” bởi phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Đặc biệt 2 năm gần đây, Trung Quốc thực hiện chính sách zero Covid đã dẫn đến cây thạch đen tồn kho nhiều. Hàng nghìn tấn thạch đen đang chờ được xuất bán đi. Người nông dân đang cần những giải pháp tiêu thụ bền vững hơn.
Ông Vi Thế Hảo, Quản lý Công ty Đức Quý, một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Tràng Định tham gia Hội chợ quốc tế thương mại Việt – Trung vừa diễn ra tại thành phố Lạng Sơn trăn trở, Công ty mong muốn kết nối cung cầu những sản phẩm đạt chất lượng cao, để bà con nâng cao chất lượng cuộc sống. Bên cạnh đó, việc tham gia hội chợ Công ty cũng mong muốn tìm được đối tác để liên kết tiêu thụ sản phẩm sạch, nhất là cây thạch đen là cây chủ lực của huyện.
Nói về cây thạch đen đang tồn kho, ông Vi Thế Hảo cho biết, trước việc Trung Quốc ngừng mua cây thạch (nguyên liệu), chỉ mua tinh bột thạch, nên Công ty đã thu mua của bà con địa phương, chiết xuất tinh bột thạch để xuất khẩu, tạo điều kiện cho bà con giải phóng hàng tồn kho và có công ăn việc làm.
“Sản phẩm tinh bột thạch đen xuất đi khó khăn nhất đó là chính sách zero Covid của Trung Quốc nên thời gian 1 chuyến hàng sang đó cả tháng trời đã ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất của Công ty”, ông Hảo nói.
Số lượng xuất khẩu của Công ty 60 tấn/tháng, ngoài thị trường Trung Quốc, còn có thị trường Đài Loan và hiện Công ty đang xúc tiến ký kết hợp đồng với đối tác Ấn Độ.
Nói về gỡ khó cho cây thạch đen Tràng Định, ông Nguyễn Đình Đạt, Tỉnh uỷ viên, Giám đốc Sở Công Thương Lạng Sơn chia sẻ, thị trường Trung Quốc vẫn duy trì chính sách zero Covid nên khó khăn cho cây thạch đen. Các chủ hàng Việt Nam không kết nối được với các chủ hàng Trung Quốc.
Để giải phóng hàng tồn kho cho bà con, tỉnh Lạng Sơn tổ chức chế biến sâu (chế biến tinh bột thạch) và tìm kiếm thị trường xuất khẩu khác. Bước đầu đang kết nối với Ấn Độ, Tây Âu tiêu thụ sản phẩm chế biến sâu.
Theo Giám đốc Sở Công Thương, hiện việc tìm kiếm thị trường mới đang bắt đầu có đơn hàng nhưng chưa được lớn. Trong đó Lạng Sơn đang có những sản phẩm như bột thạch đen, bột thạch trắng xuất khẩu sang thị trường châu Phi.
Nói về kế hoạch sản xuất thạch đen, ông Đạt cho biết, tỉnh và huyện vẫn phát triển cây thạch, cây trồng chủ lực ở Lạng Sơn, bởi cây thạch đen không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn là cây đặc sản, mang bản sắc riêng của Lạng Sơn.