Yêu cầu cả hệ thống vào cuộc
Mới đây, trong văn bản số 1024/UBND-KT gửi các sở Tài chính, Thông tin và Truyền thông, Tư pháp, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Cục thuế, Công an thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn UBND TP. Hà Nội đã yêu cầu thực hiện hàng loạt biện pháp nhằm chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Cụ thể, Hà Nội yêu cầu Cục Thuế Thành phố chỉ đạo các phòng chức năng, các Chi cục Thuế trực thuộc thực hiện đúng quy định của pháp luật về Thuế và chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng Cục thuế, UBND Thành phố trong công tác quản lý thuế đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Đặc biệt, Hà Nội cũng yêu cầu Cục Thuế phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an, cơ quan bảo vệ pháp luật trong công tác phối hợp, xác minh, điều tra xử lý nghiêm đối với các vi phạm gian lận, trốn thuế trong hoạt động kinh doanh bất động sản.
Bên cạnh đó, UBND TP. Hà Nội cũng yêu cầu Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các địa phương trong việc đề nghị các tổ chức hành nghề công chứng phối hợp cung cấp thông tin theo đề nghị của cơ quan Thuế, cơ quan công an làm cơ sở xử lý vi phạm cũng như tuyên truyền hướng dẫn người dân, doanh nghiệp kê khai giá trên hợp đồng công chứng theo giá mua bán thực tế.
Đối với các đơn vị khác bao gồm sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố, sở Xây dựng, Sở Thông tin và Truyền thông và UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bần UBND TP. Hà Nội yêu cầu căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao thực hiện các biện pháp nhằm chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.
Trong đó, đáng chú ý là việc UBND TP. Hà Nội giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu xây dựng bảng giá đất tại các đường phố mới đặt tên, các khu vực chưa có giá và giá phổ biến trên thị trường có biến động,… đảm bảo phù hợp với thực tế, sát giá thị trường.
Cũng liên quan đến giá đất, UBND TP. Hà Nội cũng đã yêu cầu Sở Tài chính chủ trì, phối hợp, tham mưu về hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số K) sát với giá thực tế thị trường.
Cần chuyên nghiệp hóa thị trường
Các biện pháp nói trên của Hà Nội cũng như trước đó Bộ Tài Chính đã phát đi thông điệp về quyết tâm chấn chỉnh, chống thất thu thuế của các cơ quan chức năng liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản và chuyển nhượng bất động sản.
Tuy nhiên, để có thể thực hiện hiệu quả việc chống thất thu thuế nói trên, theo nhận định của giới chuyên gia vẫn còn không ít vấn đề cần giải quyết.
Cụ thể, theo TS. Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam (VARs), bất cập lớn nhất hiện nay là liên quan đến giá đất. Hiện Nhà nước quản lý dựa trên bảng và khung giá đất, trong khi mức giá này thường thấp hơn nhiều so với thị trường. Việc tồn tại đồng thời 2 hệ thống giá đất tạo cơ hội để người dân khai thấp giá mua bán nhằm né thuế.
Cũng theo TS. Đính, bất cập trên cũng gây khó cho chính các cơ quan thuế các địa phương khi tính toán, xác định mức giá nào là phù hợp, mức giá nào là “gian dối” nhằm trục lợi do không có căn cứ để xác định giá thị trường. Ngoài ra, đây cũng là nguồn gốc của hiện tượng cấu kết giữa người dân với cán bộ thuế nhằm trục lợi bất chính, Chủ tịch VARs nhận định.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng những “khoảng hở” trong cơ chế vận hành của thị trường bất động sản hiện nay, nhất là trong việc chưa có quy định về giao dịch phải qua sàn hay việc thanh toán không dùng tiền mặt đang vô tình tạo điều kiện cho những cá nhân, tổ chức có thể “lách luật”.
Cụ thể, theo TS. Nguyễn Văn Đính, kinh nghiệm quốc tế cho thấy, bất kể giao dịch tài sản nào cũng bắt buộc phải được niêm yết, thông qua một đơn vị thứ ba như sàn giao dịch, nên cơ quan quản lý thuế sẽ dễ dàng nắm được thông tin chính xác. Tại Việt Nam, khó có thể xác định những giao dịch giữa người dân với nhau vì sử dụng tiền mặt còn nhiều, dễ dẫn đến tình trạng bắt tay nhau kê khai với giá thấp để đóng thuế ít, ông Đính nhận định.
Chia sẻ về giải pháp trước mắt cho bài toán chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản hiện nay, Chủ tịch VARs cho rằng cần sớm nghiên cứu việc triển khai quy định giao dịch bất động sản phải qua sàn cũng nhưng từng bước áp dụng thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt.
Chỉ khi xây dựng được sự kết nối của hệ thống ngân hàng và cơ quan thuế, công chứng... thì nhà nước sẽ quản lý được hoạt động và thông tin giao dịch thị trường bất động sản, chống thất thu thuế, giúp thị trường ngày càng chuyên nghiệp hóa, TS. Nguyễn Văn Đính cho biết.