Giá vàng trong nước đứng vững phiên sáng 25/7, trái chiều xu hướng giảm của thế giới

Nhật Đức | 12:07 25/07/2025

Sáng 25/7, thị trường vàng trong nước giữ xu hướng ổn định khi giá vàng miếng và vàng nhẫn tại hầu hết các doanh nghiệp lớn không biến động so với cuối phiên liền trước.

Giá vàng trong nước đứng vững phiên sáng 25/7, trái chiều xu hướng giảm của thế giới

Tính đến 11h ngày 25/7, thị trường vàng trong nước gần như không biến động so với cuối phiên trước. Giá vàng miếng SJC được các doanh nghiệp lớn như Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC), Tập đoàn DOJI và Công ty Bảo Tín Minh Châu niêm yết trong khoảng 119,7 – 121,7 triệu đồng/lượng. Biên độ chênh lệch giữa giá mua vào và bán ra duy trì ở mức 2 triệu đồng/lượng.

Tại Tập đoàn Phú Quý, giá vàng miếng SJC tiếp tục được giữ ở mức 119,2 – 121,7 triệu đồng/lượng.

Ở phân khúc vàng nhẫn, mặt bằng giá hầu như không thay đổi. Nhẫn Rồng Thăng Long do Công ty Bảo Tín Minh Châu phân phối hiện được giao dịch ở mức 116,7 – 119,7 triệu đồng/lượng. Tập đoàn DOJI tiếp tục giữ nguyên giá bán nhẫn Hưng Thịnh Vượng 999.9 ở mức 116,5 – 119 triệu đồng/lượng. Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) cũng không điều chỉnh giá nhẫn tròn trơn 9999, hiện ở mức 115 – 117,5 triệu đồng/lượng.

Tập đoàn Phú Quý là đơn vị duy nhất trong phiên sáng nay điều chỉnh giảm nhẹ giá vàng nhẫn 999.9, giảm 200 nghìn đồng/lượng, xuống còn 115,5 – 118,5 triệu đồng/lượng.

Diễn biến giá vàng thế giới trong 7 ngày qua.

Trên thị trường quốc tế, giá vàng thế giới trong phiên sáng hiện giao dịch quanh mức 3.357,7 USD/ounce, giảm khoảng 25,5 USD so với cùng thời điểm phiên giao dịch trước. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá vàng thế giới tương đương khoảng 106,5 triệu đồng/lượng (chưa bao gồm thuế và phí), thấp hơn giá trong nước khoảng 15,2 triệu đồng/lượng.

Giá vàng thế giới đi xuống trong phiên gần đây khi tâm lý chấp nhận rủi ro của giới đầu tư gia tăng, sau những tín hiệu tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại toàn cầu.

Thỏa thuận mới giữa Mỹ và Nhật Bản, cùng với thông tin cho thấy Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ đang tiến gần tới một thỏa thuận thương mại – trong đó có khả năng Mỹ sẽ áp mức thuế cơ bản 15% đối với hàng hóa EU kèm miễn trừ một số mặt hàng – đã góp phần làm dịu lo ngại về căng thẳng thương mại, qua đó giảm nhu cầu đối với tài sản an toàn như vàng.

Thị trường hiện tập trung vào cuộc họp chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào ngày 29 – 30/7. Dù Fed được kỳ vọng sẽ giữ nguyên lãi suất, nhiều nhà đầu tư dự đoán khả năng cắt giảm lãi suất vào tháng 9 vẫn còn bỏ ngỏ.

Một số tổ chức tài chính lớn nhận định vàng vẫn nằm trong chu kỳ tăng giá dài hạn, nhờ xu hướng giảm phụ thuộc vào USD và gia tăng dự trữ vàng của các nền kinh tế. Trong kịch bản đồng bạc xanh tiếp tục suy yếu và Fed nới lỏng chính sách tiền tệ, giá vàng được dự báo có thể bứt phá mạnh, thậm chí vượt ngưỡng 3.400 – 3.500 USD/ounce.

Giới đầu tư hiện đang chờ đợi loạt dữ liệu kinh tế từ Mỹ và châu Âu, cùng kết quả cuộc họp chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Fed – những yếu tố có thể định hình xu hướng giá vàng trong thời gian tới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Giá vàng trong nước đứng vững phiên sáng 25/7, trái chiều xu hướng giảm của thế giới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO