Như MarketTimes đã thông tin, thị trường nhà chung cư tại Hà Nội sau cơn sốt quý 1/2024, đến cuối tháng 4 khi một loạt các giải pháp của Bộ Xây dựng cơn sốt chung cư đã hạ nhiệt, nhưng giá vẫn không giảm mà đứng yên. Người có thu nhập trung bình – thấp vẫn khó có cơ hội sở hữu được căn hộ chung cư, vì ngay cả những căn hộ dự án nhà ở xã hội đã sử dụng hàng chục năm cũng đã tăng bằng lần, giá tăng hơn 30 triệu đồng/m2. Căn hộ thương mại giá 25-30 triệu đồng/m2 mất hút khỏi thị trường. Nguyên nhân được đánh giá là do nguồn cung hạn chế, trong khi nhu cầu ở ngày càng cao.
Thời gian gần đây rất ít nguồn cung, nguồn cung chủ yếu ở một vài đại đô thị phía Đông và phía Tây Hà Nội, số ít tại dự án Hinode Royal Park trục đường Quốc lộ 32.
Mới đây, Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội đề xuất xây mới 9 khu nhà ở xã hội tập trung, với quy mô 668 ha ở các huyện ngoại thành. Bên cạnh đó, theo kế hoạch đến năm 2025, Hà Nội phê duyệt phát triển 5 khu nhà ở xã hội với quy mô 248 ha.
Đến nay, Sở Xây dựng hoàn thành hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư 4 dự án, có diện tích 203 ha, khoảng 12.300 căn nhà ở xã hội. Trong đó, huyện Đông Anh, Mê Linh có 3 dự án với 9.800 căn, huyện Gia Lâm là một dự án với 2.400 căn hộ. Số dự án này đang được Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thẩm định.
Ông Lê Bảo Long, Giám đốc chiến lược PropertyGuru Việt Nam, phân tích, luật mới về nhà ở xã hội sẽ bổ sung thêm 2 hình thức phát triển nhà ở xã hội bao gồm vốn nước ngoài/tổ chức nước ngoài và nguồn tài chính công đoàn cho người lao động thuê nhà ở xã hội. Và bổ sung đối tượng được thuê, mua nhà ở xã hội.
Chủ đầu tư được dành tối đa 20% diện tích hạ tầng để kinh doanh, hưởng toàn bộ lợi nhuận và được miễn tiền sử dụng/thuê đất, không phải thực hiện thủ tục xác định giá.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, Luật Nhà ở (sửa đổi) mới được Quốc hội thông qua sẽ đóng vai trò quan trọng thúc đẩy nguồn cung nhà ở xã hội. Những điểm mới trong các bộ luật này góp phần tháo gỡ những khó khăn mà thị trường phải đối mặt trong thời gian qua, trong đó có những “điểm nghẽn” về nhà ở xã hội.
Theo đó, Luật Nhà ở mới quy định những doanh nghiệp định hướng phát triển nhà ở xã hội sẽ nhận được nhiều ưu đãi với các cơ chế thông thoáng hơn.
Đáng chú ý, những chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội sẽ được miền trừ thuế toàn bộ phần diện tích xây nhà ở xã hội mà không phải thực hiện thủ tục xác định giá đất và thủ tục xin miễn trừ. Bên cạnh đó, Nhà nước cũng chỉ sẽ áp dụng biên độ lợi nhuận ở phần diện tích xây nhà ở xã hội cũng được xem là điểm cộng để tăng sức hút đầu tư.
Cũng theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Đính, thời điểm hiện tại giá chung cư vẫn neo ở mức cao, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, nhà ở xã hội với giá bán vừa phải vừa tạo được nguồn cung vừa giúp giá bán trung bình của căn hộ chung cư đi xuống.
“Khi nguồn cung nhà ở xã hội bật tăng, mặt bằng giá căn hộ sẽ xuống mức phù hợp hơn với người dân có nhu cầu ở thực”, ông Nguyễn Văn Đính dự báo,.
Theo một lãnh đạo doanh nghiệp kinh doanh bất động sản, giá nhà hiện nay đang ở mức khá cao, nhưng nếu nguồn cung nhà ở xã hội tăng thì mặt bằng giá chung cư sẽ được kéo xuống.
Vị này lấy đơn cử giai đoạn 2008 - 2010 có dự án chung cư giá 50 - 60 triệu đồng/m2, đến năm 2012 - 2013, khi thị trường xuất hiện các dự án nhà thương mại giá rẻ, nhà ở xã hội, bình quân ở mức 11 - 15 triệu đồng/m2 thì lập tức giá chung cư trên thị trường giảm nhiệt.
Chia sẻ bên lề Hội nghị Đại hội đồng cổ đông của một chủ đầu tư bất động sản mới đây, vị lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, Luật Đất đai 2024 làm minh bạch hoá thị trường, nhưng không có nghĩa là giá bất động sản sẽ rẻ, vì tất cả mọi chi phí đều minh bạch, từ đền bù giải phóng mặt bằng, đến hoàn thiện hồ sơ pháp lý, giá nguyên vật liệu, nhân công đều tăng… sẽ không thể có giá rẻ như giai đoạn trước. Ngay cả nhà ở xã hội mặc dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của nhà nước, nhưng giá sẽ không còn ở mức dưới 20 triệu đồng/m2.