Đề xuất không cấp dự án mới cho doanh nghiệp đang có dự án treo

Lê Sáng | 01:16 26/04/2022

Một số doanh nghiệp lập dự án, xin đất nhưng không nhằm mục đích triển khai mà “đầu cơ” chờ tăng giá để sang tay nhằm “ăn giá chênh” đang tạo ra tình trạng dự án treo tràn lan.

Đề xuất không cấp dự án mới cho doanh nghiệp đang có dự án treo
Một dự án tại Mê Linh (Hà Nội) nằm trong diện bị xem xét thu hồi do treo nhiều năm.

Xin dự án rồi “găm đất” nhiều năm

Mới đây, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2021, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đã nhận định hiện nay việc nhiều chủ đầu tư lập dự án, được cấp đất nhưng không thực hiện rồi chuyển nhượng qua nhiều lần hưởng chênh lệch, dẫn đến dự án treo.

Thực tế cho thấy, dự án treo đang là vấn đề nhức nhối cần sớm được giải quyết trong bối cảnh nguồn cung của thị trường bất động sản ngày càng khó khăn đẩy giá nhà đất tăng cao, vượt xa mức thu nhập bình quân của người dân.

Chỉ tính riêng tại Hà Nội, theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện toàn thành phố có đến hơn 400 dự án "treo", thậm chí là những dự án "treo bền vững" hàng thập kỷ qua.

Tương tự, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng dự án treo cũng đang được đặt ra hết sức bức thiết.

Vào tháng 12/2021, tại buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch do Đoàn đại biểu Quốc hội TP.Hồ Chí Minh tổ chức, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo thành phố phải kiên quyết thu hồi quy hoạch treo, những dự án treo quá thời hạn quy định mà không triển khai.

Có dự án 18, 20 năm chưa triển khai, người dân than phiền. Dự án “đánh trống ghi tên” nhưng để người dân chờ đợi mãi, Chủ tịch nước nói.

Lý giải cho tình trạng có không ít doanh nghiệp lập dự án, xin đất nhưng chậm triển khai, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng nguyên nhân của tình trạng trên không phải do nhà đầu tư khó khăn, mà ngay từ đầu, nhà đầu tư đã tính toán đến việc chuyển nhượng. Trong khi đó, các cấp chính quyền giao dự án có thể biết nhưng vẫn giao đất.

Còn theo nhận định của giới chuyên gia, việc có những tập đoàn “siêu đầu cơ”, xin dự án rồi “găm đất” nhiều năm đang tạo ra câu chuyện khan hiếm nguồn cung hiện nay trên thị trường bất động sản.

TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng hiện nay đang có những tập đoàn đầu cơ dự án, có trong tay từ hàng chục đến nửa trăm dự án hàng thập kỷ nhưng chưa bán ra khiến cho nhiều quỹ đất hoang hóa không triển khai.

"Thực tế, đây là một hình thức “siêu đầu cơ” và chủ các dự án này đang có lợi nhuận rất cao nhưng hậu quả mang lại cho chiến lược phát triển nhà ở cho đô thị thì rất tai hại" - TS. Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Còn theo nhận định của chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh, tình trạng nhiều dự án treo, găm đất nhiều năm, nguyên nhân còn có thể đến từ việc chính quyền một địa phương chưa triệt để trong quản lý, còn sự buông lỏng, thậm chí vi phạm khi tiếp tay cho doanh nghiệp để “găm đất” khiến cho “đất vàng, đất bạc” bị bỏ hoang trong khi nhiều doanh nghiệp muốn tìm đất để phát triển dự án mới lại không có.

Cần xác lập sắc thuế đánh vào bất động sản đầu cơ

Trước vấn nạn doanh nghiệp đầu cơ dự án, găm đất để “ăn giá chênh” Trưởng Ban Công tác đại biểu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đề nghị phải sớm có biện pháp rà soát, thu hồi đất không sử dụng tại các dự án treo.

Chia sẻ quan điểm trên, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng trước mắt để xử lý các dự án bỏ hoang, đặc biệt tại các vị trí vàng, cần thu hồi rồi đấu thầu lại. Còn về lâu dài cần sớm xác lập sắc thuế đánh vào bất động sản đầu cơ như tại các nước phát triển bởi đây là công cụ để tăng hiệu quả sử dụng đất.

Tại Hoa Kỳ, thuế bất động sản khiến cho không cá nhân, tổ chức nào có thể để không dù chỉ vài trăm m2. Nếu được áp dụng tại Việt Nam, chắc chắn sẽ không còn tình trạng những khu đất cả chục hecta bỏ hoang như  hiện nay" 

TS. Lê Xuân Nghĩa

Bên cạnh các giải pháp nhằm xử lý “hậu quả” của tình trạng treo, đầu cơ găm đất dự án, đại diện một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cũng cho rằng  cần xử lý ngay từ “đầu nguồn”.

Ngoài việc siết chặt quản lý, kiên quyết xử lý, thu hồi các dự án treo cũng cần nghiên cứu cơ chế phân loại các chủ đầu tư, doanh nghiệp nào ôm đất thì kiên quyết không cho đề xuất dự án mới.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Đề xuất không cấp dự án mới cho doanh nghiệp đang có dự án treo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO