Cử tri tỉnh Bình Thuận vừa có nội dung kiến nghị liên quan đến việc đề nghị các cơ quan chức năng quan tâm điều chỉnh giá nhà ở xã hội hoặc có các gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, do hiện nay nhà ở xã hội bán giá rất cao, người dân có thu nhập thấp khó có thế tiếp cận được.
Sẽ tính đúng, tính đủ chi phí vào giá bán nhà ở xã hội
Trả lời kiến nghị trên, theo Bộ Xây dựng, hiện nay, Chính phủ đang tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Tại Điều 84 dự thảo quy định về việc xác định giá thuê, thuê mua, bán nhà ở xã hội như sau: Giá bán được xác định trên cơ sở tính đủ các chi phí để thu hồi vốn đầu tư xây dựng nhà ở, bao gồm cả chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, chi phí đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật (nếu có) trong phạm vi dự án, lãi vay (nếu có), các chi phí hợp lý, hợp lệ của doanh nghiệp, bao gồm chi phí tổ chức bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp.
Các khoản chi có đủ hóa đơn, chứng từ liên quan trực tiếp đến dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật, lợi nhuận định mức 10% đối với phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, không tính các khoản ưu đãi của Nhà nước và kinh phí bảo trì do người mua phải nộp theo quy định không được tính vào giá bán.
Giá thuê mua được xác định như giá bán và không tính kinh phí bảo trì nhà ở do người thuê mua nộp theo quy định của Luật Nhà ở; giá thuê do chủ đầu tư thỏa thuận với bên thuê.
Cũng theo Bộ Xây dựng, tại Điều 82 dự thảo đã quy định các ưu đãi chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, như: miễn tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, ưu đãi về thuế theo pháp luật về thuế, chủ đầu tư được hưởng lợi nhuận 10% phần diện tích xây dựng nhà ở xã hội, được hưởng ưu đãi đối với phần diện tích đất hoặc diện tích sàn kinh doanh thương mại và không phải hạch toán vào giá nhà ở xã hội.
Bộ Xây dựng đánh giá, các quy định nêu trên sau khi được thông qua sẽ khuyến khích, đẩy mạnh đầu tư, phát triển nhà ở xã hội và đảm bảo giá nhà ở xã hội ở mức phù hợp để cán bộ, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện để lựa chọn mua, thuê mua hay thuê nhà ở, ổn định cuộc sống.
Ưu đãi chưa đến được với người mua nhà ở xã hội
Trong khi giá bán nhà ở xã hội được cho là đang vượt xa thu nhập của đa phần người lao động thì dù nhà nước đã có sự quan tâm với không ít chính sách ưu đãi về tín dụng cho loại hình nhà ở thiết lực này nhưng thực tế lại không mấy phát huy tác dụng.
Cụ thể, Gói vay ưu đãi theo Nghị quyết số 11/NQ-CP và Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội thông qua Ngân hàng chính sách xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo chính sách về nhà ở xã hội; tổng nguồn vốn cho vay tối đa là 15.000 tỉ đồng.
Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính riêng nguồn vốn 15.000 tỉ đồng cho vay nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP quy định tại Chương trình phục hồi, đến 16/8/2023, dư nợ Ngân hàng Chính sách xã hội đạt 7.351 tỉ đồng với gần 19.900 khách hàng thuộc đối tượng vay để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà công nhân, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở.
Ngày 11/3/2023, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 33/NQ-CP, trong đó đã có giải pháp về gói tín dụng 120.000 tỉ đồng được đưa ra với mục tiêu hỗ trợ nguồn vốn để thực hiện mục tiêu của Đề án 1 triệu căn hộ; thực hiện trong giai đoạn 2023-2030 với đối tượng là chủ đầu tư (để đẩy mạnh nguồn cung), khách hàng cá nhân vay mua, thuê mua NOXH (để hỗ trợ nguồn cầu) với lãi suất trong thời gian ưu đãi thấp hơn 1,5-2% so với lãi suất bình quân của các ngân hàng thương mại.
Theo Ngân hàng Nhà nước, sau ba tháng triển khai gói tín dụng 120.000 tỉ đồng hỗ trợ cho chủ đầu tư và người mua nhà ở các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, mới có khoảng 95 tỉ đồng được giải ngân và 950 tỉ đồng được cam kết cho vay.
Hiện nay, Bộ Xây dựng cho biết đang phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Ngân hàng Chính sách xã hội, các Bộ ngành, địa phương để đôn đốc, hướng dẫn triển khai các gói tín dụng nêu trên.