Quy trách nhiệm người đứng đầu
Cụ thể, Bộ GTVT chỉ đạo các chủ đầu tư/ban QLDA kiểm tra, chấp thuận, phê duyệt các nội dung liên quan trong quá trình triển khai thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo quy định của pháp luật; Kiểm tra sự phù hợp năng lực của nhà thầu thi công xây dựng công trình so với hồ sơ dự thầu và hợp đồng xây dựng, bao gồm: nhân lực, thiết bị thi công, phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng, hệ thống quản lý chất lượng.
Các chủ đầu tư, ban QLDA cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ: chất lượng, nguồn gốc xuất xứ của vật liệu, vật tư, thiết bị đưa vào công trình; biện pháp thi công, chất lượng thi công và công tác nghiệm thu hạng mục công trình, công trình đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của hồ sơ thiết kế, chỉ dẫn kỹ thuật của dự án.
Bên cạnh đó, phải kiểm tra, chấp thuận kế hoạch, biện pháp kiểm tra, kiểm soát chất lượng vật liệu, cấu kiện, sản phẩm xây dựng, thiết bị lắp đặt vào công trình theo yêu cầu thiết kế và chỉ dẫn kỹ thuật.
Đối với máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động sử dụng trong thi công xây dựng phải được kiểm định kỹ thuật an toàn; kiên quyết xử lý nghiêm các nhà thầu vi phạm chất lượng công trình theo quy định của hợp đồng.
Liên quan đến công tác quản lý đảm bảo an toàn lao động, ATGT, vệ sinh môi trường,Bộ GTVT yêu cầu các chủ đầu tư/ban QLDA bố trí cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm để quản lý; Chỉ cho phép nhà thầu triển khai thi công sau khi biện pháp thi công được chấp thuận.
Đồng thời, chỉ đạo tư vấn giám sát tăng cường công tác kiểm tra hệ thống quản lý, kiểm soát của nhà thầu thi công về công tác ATGT, an toàn lao động và vệ sinh môi trường, chấn chỉnh kịp thời việc triển khai tại hiện trường của nhà thầu thi công và các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường trong quá trình thi công theo quy định.
"Người đứng đầu chủ đầu tư/ban QLDA chịu trách nhiệm toàn diện trước Bộ trưởng Bộ GTVT và pháp luật đối với dự án được giao quản lý không đáp ứng chất lượng theo yêu cầu; Chậm trễ trong việc xử lý vi phạm về chất lượng công trình và công tác đảm bảo an toàn lao động, ATGT và vệ sinh môi trường", công điện nêu rõ.
"Điểm danh" nhiều dự án cao tốc "có vấn đề"?
Thời gian gần đây, liên tiếp tại các dự án đã bị xử lý về đưa vật liệu chưa đạt vào thi công cao tốc và có nhiều vụ tai nạn lao động đáng tiếc xảy ra.
Đơn cử như tại dự án cao tốc Chí Thạnh – Vân Phong, Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP (có trụ sở chính tại 111A đường Pasteur, phường Bến Nghé, quận 1, TP Hồ Chí Minh) vừa bị Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên xử phạt 307 triệu đồng về 4 hành vi: khai thác cát dưới lòng sông Đà Rằng vượt ranh giới cho phép trên bề mặt từ 100-200m, sử dụng thiết bị khai thác vượt số lượng cho phép, không có giám đốc điều hành mỏ cát, để mất mốc giới các điểm khép góc khu vực được phép khai thác cát...
Được biết, trước đó, vào giữa tháng 6/2023, Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP được UBND tỉnh Phú Yên cho phép khai thác khoáng sản tại mỏ cát nêu trên gồm 277.407m3 cát nguyên khai trên diện tích 7,6ha trong thời hạn 2 năm 6 tháng, để cung cấp vật liệu cho dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc – Nam ở phía Đông, đoạn Chí Thạnh – Vân Phong.
Trong quá trình khai thác cát, Tổng Công ty Xây dựng số 1 – CTCP đã có hành vi vi phạm nên phải xử lý hành chính theo quy định pháp luật.
Hay như tại dự án cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45, Thanh tra Chính phủ đã thông báo kết luận thanh tra việc cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa.
Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong việc khảo sát, cấp phép, khai thác mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, đất đá đắp nền cao tốc) phục vụ thi công cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45.
Thanh tra nêu rõ, việc điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng các mỏ vật liệu phục vụ dự án chưa đáp ứng nhu cầu thực tế xây dựng, có sai số lớn.
Số mỏ vật liệu theo khảo sát của Ban Quản lý dự án Thăng Long là 37 mỏ, nhưng thực tế thi công dự án chỉ có 17 mỏ cung cấp vật liệu, 20 mỏ không cung cấp được vật liệu đắp nền cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 do không đáp ứng được tiêu chuẩn kỹ thuật, không còn trữ lượng, chưa được cấp phép, vướng giải phóng mặt bằng. Một số điểm mỏ tại Thanh Hóa có công suất khai thác thấp, không đáp ứng nguồn cung lớn trong thời gian ngắn.
Do đó, Ban Quản lý dự án Thăng Long, đơn vị tư vấn, các nhà thầu thi công cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 phải bổ sung thêm 45 mỏ vật liệu đắp nền cao tốc, trong đó Ninh Bình bổ sung 2 mỏ, Thanh Hóa 43 mỏ. Dẫn đến giá đất đắp nền cao tốc trong hồ sơ đấu thầu thực hiện theo quy định nhưng thiếu thực tế, chưa chính xác dẫn đến khi giá vật liệu biến động, cước phí vận chuyển tăng, nhà thầu thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến tiến độ dự án.
Thanh tra Chính phủ kết luận trách nhiệm thuộc về Ban Quản lý dự án Thăng Long, Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải - CTCP. Đồng thời nêu rõ, nếu trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm hình sự sẽ chuyển cơ quan điều tra xử lý.
Cũng tại Ban Quản lý dự án Thăng Long, tại cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây, Thanh tra Chính phủ kiến nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân vi phạm trong việc cho phép thu hồi vật liệu san lấp để cung cấp cho dự án.
Đáng lưu ý, vi phạm do liên danh nhà thầu Vinaconex - Trung Chính cải tạo đất nông nghiệp kết hợp thu hồi đất tại xã Xuân Hưng và Suối Cát (huyện Xuân Lộc) ở ngoài dự án, thi công vượt cote, tạo vách đứng không đúng phương án được chấp thuận...
Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GTVT tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân liên quan đến việc chậm trễ và thiếu sót trong xác định nguồn vật liệu san lấp cho dự án. Thanh tra Chính phủ đề nghị, nếu xác định sai phạm phải chuyển cơ quan cảnh sát điều tra để xử lý.
Tại dự án cao tốc Cam Lộ - La Sơn do Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh làm chủ đầu tư cũng bị Thanh tra Chính phủ phát hiện nhiều vi phạm trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án.
Đối với Bộ GTVT, Thanh tra Chính phủ kết luận nhận định công tác điều tra khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ phục vụ dự án chưa chính xác. Một số mỏ có trong thiết kế nhưng khi thi công không lấy được phải đi tìm mỏ khác hoặc đề nghị cấp mỏ mới.
Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh chưa phối hợp chặt chẽ với đơn vị tư vấn trong điều tra, khảo sát, đánh giá trữ lượng, chất lượng của các mỏ đất đắp nền đường phục vụ dự án không chính xác, chưa phù hợp với thực tế thi công....
Ngoài ra, Thanh tra Chính phủ phát hiện cả việc chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính, phí bảo vệ môi trường tại mỏ cát, sỏi lòng sông Đắkrông của Công ty TNHH Xây dựng số 9.
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế còn cho phép Công ty Cổ phần Lâm nghiệp 1/5 tiến hành khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường khi chưa làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất, chưa được thuê đất, chiếm đất rừng sản xuất; chưa có hướng xử lý, kiểm soát khối lượng khai thác tồn kho đối với mỏ được phép nâng công suất khai thác...
Mới đây nhất, tại dự án BOT cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt CTCP, Chủ đầu tư là Công ty CP Phúc Thành Hưng, dự án do Ban Quản lý dự án 6, Bộ GTVT phụ trách đã xảy ra liên tiếp hai vụ tai nạn lao động nghiêm trọng.
Cụ thể, tại gói thầu XL01, Km464+760 do Công ty TNHH Đại Hiệp tại TP Vinh thi công trong quá trình gỡ giàn giáo tấm đan của cống hộp, tấm đan bị nghiêng lật úp dẫn đến vụ tai nạn khiến 2 công nhân tử vong. Đây là sự cố nghiêm trọng dẫn đến tai nạn chết người trong quá trình thi công cao tốc.
Trước đó, tại dự án này nhà thầu Công ty TNHH Đại Hiệp từng bị Bộ GTVT nêu đích danh 3 nhà thầu yếu kém về năng lực là CTCP 456, CTCP Đầu tư và xây dựng Vina2, Công ty TNHH Đại Hiệp. Bộ cũng yêu cầu loại bỏ các nhà thầu này ra khỏi dự án hoặc cắt giảm khối lượng công việc thi công.
Cũng tại dự án cao tốc Diễn Châu - Bãi Vọt, ngày 19/5/2023, trong quá trình thi công đã xảy ra va chạm giữa dầm đang lắp đặt và dầm đã đặt trên nhịp T3 - T4 của cầu Nghi Mỹ làm sập dầm cầu, rất may sự cố không có tai nạn đáng tiếc về người. Được biết gói thầu XL - 02 do Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn làm nhà thầu thi công, với giá trị thực hiện 1.289 tỉ đồng.