Không bắt buộc làm lại sổ đỏ sau khi sắp xếp đơn vị hành chính
Theo hướng dẫn chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, người dân không bắt buộc phải làm sổ đỏ đã cấp sau khi sắp xếp các đơn vị hành chính, trừ trường hợp có nhu cầu.
Về giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ, Bộ cho biết người dân không bắt buộc làm lại đồng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường gọi là sổ đỏ) đã cấp. Nếu có nhu cầu chỉnh lý, người dân có thể thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai như chuyển nhượng, đăng ký đất đai...
Việc thay đổi thông tin của thửa đất (số tờ, số thửa, địa chỉ) trên sổ đỏ thực hiện theo Thông tư 10/2024 về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Nếu sổ đỏ không còn dòng trống để xác nhận thay đổi, người dân cần làm thủ tục cấp mới để bổ sung thông tin theo hướng dẫn của Nghị định 101/2024.
Về tờ bản đồ địa chính, tên gọi gồm cấp tỉnh, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn sau khi sắp xếp; số hiệu mảnh bản đồ địa chính và số thứ tự trong phạm vị cấp xã. Thông tin cấp xã trước khi sắp xếp cần được ghi chú ở ngoài khung bản đồ nhằm phục vụ tra cứu.
Các yếu tố trình bày ngoài khung bản đồ (tên tỉnh, xã), mốc địa giới và đường địa giới, các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất, ghi chú thuyết minh... nếu có cần chỉnh lý trên bản đồ địa chính cho phù hợp.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
>>Tại sao bất động sản công nghiệp Việt Nam ghi nhận hiệu suất ấn tượng?
Với vị trí địa lý thuận lợi, chính sách đầu tư hấp dẫn, lực lượng lao động dồi dào, quỹ đất công nghiệp lớn cùng cam kết phát triển hạ tầng và nguồn nhân lực trong dài hạn, Việt Nam không chỉ mở cửa thu hút đầu tư, mà còn sẵn sàng cho sự thay đổi để thích ứng.

Theo Savills Việt Nam, trọng tâm của quá trình chuyển đổi công nghiệp tại Việt Nam hiện nay chính là ngành công nghiệp bán dẫn. Nhận thức được tầm quan trọng mang tính chiến lược của lĩnh vực này, Chính phủ đã triển khai lộ trình đầy tham vọng kéo dài đến năm 2050, với mục tiêu không chỉ phát triển năng lực lắp ráp chip mà còn mở rộng sang các hoạt động nghiên cứu và thiết kế (R&D).
Trong giai đoạn 2024 – 2030, Việt Nam đạt mục tiêu thu hút đầu tư nước ngoài song song với xây dựng năng lực cạnh tranh nội địa, hướng đến đào tạo hơn 50.000 kỹ sư và hình thành 100 doanh nghiệp thiết kế chip. Tới năm 2040, tầm nhìn của Việt Nam là đạt được khả năng tự chủ với nhiều cơ sở sản xuất và kiểm định chip trong nước, hướng tới vị thế dẫn đầu trong ngành bán dẫn.
Ông John Campbell, Giám đốc, Trưởng bộ phận Tư vấn Công nghiệp, Savills Hà Nội cho rằng, để trở thành trung tâm sản xuất bán dẫn, Việt Nam cần vượt qua giai đoạn lắp ráp cơ bản, cần tham gia sâu vào khâu nghiên cứu và thiết kế, đồng thời hướng tới mục tiêu đạt tỷ lệ giá trị gia tăng từ 25% trở lên trong toàn bộ quy trình sản xuất bán dẫn.
>>> Xem thêm TẠI ĐÂY
>>Tái cấu trúc doanh nghiệp bất động sản
Hiện nay, thay vì mở rộng hệ sinh thái như thời kỳ tăng trưởng nóng, các doanh nghiệp BĐS đang hướng tới chiến lược tinh gọn, cắt giảm chi phí, cơ cấu lại tổ chức và tối ưu hóa nguồn lực.
Bước vào năm 2025, Novaland triển khai kế hoạch tái cấu trúc tài chính quy mô lớn, bao gồm việc phát hành 350 triệu cổ phiếu riêng lẻ nhằm huy động khoảng 3.500 tỷ đồng, phục vụ giải quyết các nghĩa vụ tài chính cấp bách.

Sunshine Group cũng không nằm ngoài làn sóng chuyển mình này. Tập đoàn này hướng tới một cuộc tái cấu trúc toàn diện thông qua phát hành cổ phiếu để chào mua công khai cổ phiếu của Sunshine Homes (SSH) và mua lại cổ phần từ SCG, khẳng định chiến lược hợp nhất và tập trung quyền lực nhằm tối ưu hiệu quả vận hành toàn hệ thống.
Trong khi đó, Lideco – một doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, lại có cách tiếp cận thận trọng hơn. Dù lợi nhuận năm 2025 dự kiến giảm sâu tới 95%, song công ty này vẫn duy trì chính sách cổ tức bằng tiền mặt và thưởng cổ phiếu cho cổ đông, cho thấy nội lực ổn định và chiến lược "an toàn là trên hết". Lideco chủ trương xử lý dứt điểm các vướng mắc pháp lý ở các dự án hiện hữu, đồng thời ưu tiên các dự án nhà ở xã hội và giá rẻ với khẩu hiệu “lợi nhuận thấp nhưng an toàn”.
Hay như Khải Hoàn Land cũng lựa chọn con đường phát triển bền vững. Dù thị trường năm 2024 nhiều biến động, nhưng tập đoàn này vẫn giữ được đà tăng trưởng nhờ hệ thống vận hành bài bản. Với định hướng dài hạn, năm 2025 được xem là bản lề trong chiến lược 5 năm, trong đó doanh nghiệp này chú trọng vai trò chủ đầu tư, hướng tới những sản phẩm thiết thực và phù hợp với nhu cầu thị trường.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp BĐS cũng đang chủ động tìm kiếm ngoại lực để hỗ trợ quá trình tái cấu trúc. Đây là xu hướng tất yếu trong bối cảnh tài chính eo hẹp, thanh khoản kém và niềm tin thị trường chưa thể phục hồi nhanh chóng. Trong đó, Thaiholdings (THD) là một ví dụ điển hình. Với việc tái cơ cấu nợ thành công, công ty này duy trì tỷ lệ nợ ở mức an toàn và dòng tiền ổn định nhờ vào các nguồn vốn đa dạng. THD tập trung vào việc hoàn thiện pháp lý dự án, tìm kiếm quỹ đất sạch và đảm bảo sự tuân thủ quy định pháp luật địa phương, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài.
Ngoài ra, Tổng Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc đặt cược vào tầm nhìn chiến lược lớn hơn – đón dòng vốn FDI và thu hút các "đại bàng" công nghệ. Với các dự án khu công nghiệp có quy mô lớn như Quế Võ, Tràng Duệ 3 hay Thái Nguyên, Kinh Bắc đang từng bước khẳng định vai trò cầu nối giữa hạ tầng bất động sản và nhu cầu phát triển công nghệ cao – một hướng đi đầy tiềm năng và đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng.
“Ông lớn” bất động sản trước mùa ĐHĐCĐ: “Kẻ cười người mếu”
Năm 2024, thị trường bất động sản có những tín hiệu chuyển biến tích cực, nguồn cung từng bước được cải thiện. Trước mùa Đại hội đồng cổ đông, lãnh đạo các doanh nghiệp đã có những dự liệu khác nhau cho tình hình kinh doanh năm 2025.
.jpg)
Trong tài liệu gửi tới cổ đông, ông Phạm Thiếu Hoa - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Vinhomes (Vinhomes - mã chứng khoán: VHM) cho biết hoạt động kinh doanh năm 2024 đã hoàn thành mục tiêu đề ra. Tổng doanh thu thuần hợp nhất tập đoàn này năm 2024 đạt 102.323 tỷ đồng, giảm 1% so với năm 2023. Trong đó, doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản tiếp tục là mảng kinh doanh cốt lõi, đạt 73.162 tỷ đồng, nhờ vào việc bàn giao đúng tiến độ tại các đại dự án Vinhomes Ocean Park 2-3, Vinhomes Ocean Park 1 và Vinhomes Grand Park 2. Lợi nhuận sau thuế năm 2024 của doanh nghiệp đạt 35.073 tỷ đồng, hoàn thành kế hoạch, tăng 5% so với lợi nhuận sau thuế năm 2024.
Còn trong thông điệp gửi cổ đông tại báo cáo thường niên 2024, ông Bùi Thành Nhơn - Chủ tịch Novaland (mã chứng khoán: NVL) thừa nhận năm 2024 và 2025, tập đoàn tiếp tục đối mặt với những thách thức khi nền kinh tế toàn cầu không ngừng biến động. Tuy nhiên, đây chính là cơ hội cho những doanh nghiệp tạo ra sản phẩm tốt trụ vững và bứt phá.
Đối với Công ty cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (mã chứng khoán: KDH), năm nay công ty đặt mục tiêu kinh doanh ổn định, hiệu quả, thực hiện hoàn tất xây dựng và triển khai 2 dự án tại TP Thủ Đức, TPHCM; hoàn tất bàn giao nhà tại dự án quận Bình Tân; xây dựng Khu công nghiệp Lê Minh Xuân mở rộng; đẩy mạnh phát triển quỹ đất, hoàn thiện pháp lý các dự án hiện có.
Ban lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn (Saigonres Group - mã chứng khoán: SGR) nhận định năm nay, thị trường bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, nhưng dự báo những năm sắp tới sẽ bước vào giai đoạn tăng trưởng rõ nét.
Công ty cổ phần Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land - mã chứng khoán: SCR) xác định thị trường bất động sản đang phục hồi rõ nét hơn từ cuối năm 2024 và có nhiều tín hiệu tích cực ngay từ những ngày đầu năm. Công ty sẽ đẩy mạnh công tác bán hàng tại các dự án trọng điểm, tái khởi động công tác bán hàng tại dự án Đảo Kim Quy.
Đối với Công ty cổ phần Đầu tư Văn Phú – Invest, tổng doanh thu năm 2024 của doanh nghiệp ghi nhận 1.897,3 tỷ đồng, tăng 1,7% so với năm 2023 và hoàn thành 68% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận sau thuế năm 2024 ở mức 303,9 tỷ đồng, giảm 32,6% so với năm 2023. Doanh nghiệp giải thích kết quả này do thị trường phục hồi chậm hơn dự kiến. Đóng góp doanh thu và lợi nhuận trong kỳ là các dự án chung cư tại Bắc Giang và Hà Nội.
Không khởi sắc như các doanh nghiệp khác, doanh thu hợp nhất năm 2024 của Tập đoàn Hà Đô (Hà Đô - mã chứng khoán: HDG) đạt 2.717 tỷ đồng, đạt 93,8% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế ở mức 447 tỷ đồng, giảm 48,4%, chỉ đạt được 45,9% so với kế hoạch. Doanh nghiệp giải thích sản lượng đầu tư trong năm 2024 thấp hơn so với kế hoạch do pháp lý tại các dự án hiện hữu vẫn còn nhiều vướng mắc hệ quả từ việc thay đổi các cơ chế chính sách. Năm 2024, Hà Đô chỉ ghi nhận hoàn thành 45% thu hồi vốn so với kế hoạch do chưa thực hiện mở bán phần còn lại của một dự án như dự định.
Nhà đầu tư bất động sản chờ cơ hội xuống tiền
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I/2025 của Viện nghiên cứu Kinh tế Tài chính Bất động sản Dat Xanh Services, trong quý II cả nước dự kiến có thêm 14.000 sản phẩm nhà đất mở bán lần đầu, tăng gần gấp đôi so với quý đầu năm. Nhờ đó, tổng cung sơ cấp (sản phẩm mới và hàng tồn kho) tích lũy đạt gần 52.000 sản phẩm, tăng 4% so với quý trước.

Xét theo khu vực, các tỉnh phía Nam lấy lại ưu thế khi có thêm hơn 8.000 sản phẩm mở bán mới trong quý này, chiếm 54% giỏ hàng cả nước. Mức này tăng gấp 3 hồi đầu năm (quý I chỉ có 1.700 sản phẩm). Cộng với hàng tồn kho từ các quý trước, lượng chào bán khu vực này đạt hơn 23.000 sản phẩm. Rổ hàng mở bán mới chủ yếu là căn hộ, đất nền, tập trung ở TPHCM, Bình Dương, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu.
Ông Lưu Quang Tiến, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Kinh tế Tài chính Bất động sản Dat Xanh Services dự báo 3 kịch bản tăng trưởng đối với thị trường quý II/2025. Trong đó, kịch bản lý tưởng là nguồn cung mới tăng 25 - 30%, lãi suất thả nổi ở mức 8 - 10%, giá bán tăng 5 - 7% và tỷ lệ hấp thụ đạt 30 - 40%. Đây là kịch bản lạc quan nhất, kỳ vọng vào sự phục hồi sớm của thị trường.
Về diễn biến thị trường, theo ông Tiến, cuối năm 2024 đã xuất hiện trở lại nhóm nhà đầu tư “lướt sóng”, đầu cơ mua nhanh bán nhanh. Tuy nhiên dự kiến nhóm đầu tư ngắn hạn sẽ chậm lại để quan sát và chờ đợi cơ hội xuống tiền phù hợp.
“Việt Nam đón chào năm 2025 với tâm thế rất tích cực, kỳ vọng một kỷ nguyên mới sẽ thúc đẩy kinh tế Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, đồng thời đưa bất động sản trở về giá trị thực. Cũng cần hiểu thêm “giá trị thực” trong chu kỳ mới của bất động sản không phải là giá rẻ, mà là “đúng giá trị”, với khung giá mới cao hơn đang được áp dụng đồng loạt trên khắp các tỉnh thành”, ông Tiến khẳng định.