Về giấy chứng nhận đã cấp qua các thời kỳ, Bộ cho biết người dân không bắt buộc làm lại đồng loạt giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất (thường gọi là sổ đỏ) đã cấp. Nếu có nhu cầu chỉnh lý, người dân có thể thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai như chuyển nhượng, đăng ký đất đai...
Việc thay đổi thông tin của thửa đất (số tờ, số thửa, địa chỉ) trên sổ đỏ thực hiện theo Thông tư 10/2024 về hồ sơ địa chính, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Nếu sổ đỏ không còn dòng trống để xác nhận thay đổi, người dân cần làm thủ tục cấp mới để bổ sung thông tin theo hướng dẫn của Nghị định 101/2024.
Về tờ bản đồ địa chính, tên gọi gồm cấp tỉnh, thành phố và cấp xã, phường, thị trấn sau khi sắp xếp; số hiệu mảnh bản đồ địa chính và số thứ tự trong phạm vị cấp xã. Thông tin cấp xã trước khi sắp xếp cần được ghi chú ở ngoài khung bản đồ nhằm phục vụ tra cứu.
Các yếu tố trình bày ngoài khung bản đồ (tên tỉnh, xã), mốc địa giới và đường địa giới, các đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất, ghi chú thuyết minh... nếu có cần chỉnh lý trên bản đồ địa chính cho phù hợp.
Những thửa đất tại khu vực giáp ranh giữa các tỉnh, thành phố trước khi sáp nhập đang sử dụng các kinh tuyến trục khác nhau cần xem xét sử dụng một kinh tuyến trục phù hợp.
Về cơ sở dữ liệu đất đai, UBND cấp tỉnh sau sáp nhập cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và môi trường chuyển đổi cơ sở dữ liệu đất đai từ phần mềm khác sang một phần mềm thống nhất để cập nhật, liên thông, chia sẻ dữ liệu đất đai.
Ngoài ra, dữ liệu không gian đất đai nền theo địa giới hành chính mới cần bổ sung nhóm dữ liệu về thửa đất gồm mã cấp xã, số hiệu tờ bản đồ, số thửa đất địa chỉ theo đơn vị hành chính mới.
UBND cấp tỉnh, thành phố được giao rà soát, thống kê danh mục hồ sơ địa chính và các loại sổ sách, tài liệu dạng giấy lưu trữ qua các giai đoạn để sẵn sàng bàn giao cho đơn vị hành chính mới, "tránh thất lạc, tiềm ẩn rủi ro cho việc quản lý".
Sổ cấp giấy chứng nhận đã lập khi cấp sổ đỏ lần đầu cần bàn giao cho chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai ngay sau khi sắp xếp đơn vị hành chính để lưu trữ.
Đề nghị dừng lập quy hoạch đô thị khi sắp xếp xã, phường
Liên quan đến công tác quy hoạch đô thị sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, mới đây, Bộ Xây dựng cũng đã đề nghị các địa phương dừng lập, thẩm định phê duyệt quy hoạch đô thị từ nay tới tháng 7 - thời điểm Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn sửa đổi có hiệu lực.
Yêu cầu trên được Bộ Xây dựng nêu trong công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố về rà soát quy hoạch đô thị và đánh giá chất lượng đô thị trong giai đoạn sắp xếp, sáp nhập xã phường.
Theo chủ trương được Trung ương thống nhất, chính quyền địa phương tổ chức theo hai cấp, gồm cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) và cấp xã (xã, phường, đặc khu).
Bộ Xây dựng cho biết Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn đang được sửa đổi, bổ sung để đồng bộ với mô hình hai cấp chính quyền địa phương. Với các quy hoạch đô thị đã được duyệt, UBND cấp tỉnh tiếp tục thực hiện đến khi có quy hoạch mới thay thế. Đây vẫn là cơ sở triển khai các hoạt động đầu tư xây dựng.
Với các quy hoạch đô thị chưa được duyệt, Bộ đề nghị UBND cấp tỉnh quyết định việc tiếp tục hoặc dừng lập, thẩm duyệt đến khi luật mới có hiệu lực từ ngày 1/7. Các nội dung nếu tiếp tục thực hiện phải đảm bảo kế thừa quy hoạch mới sau khi tổ chức sáp nhập xã phường.
Khi xây dựng đề án sắp xếp các phường, UBND cấp tỉnh cần lưu ý đồng bộ hạ tầng đô thị và định hướng phát triển không gian đô thị, "hạn chế tối đa xáo trộn hạ tầng, ảnh hưởng chất lượng sống của cư dân đô thị".
Trường hợp sáp nhập xã với các phường hiện hữu, Bộ Xây dựng đề nghị ưu tiên chọn khu vực được định hướng phát triển thành phường, đã đầu tư cơ bản hạ tầng đô thị.
Quy hoạch đô thị là việc tổ chức không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị, hệ thống công trình hạ tầng kỹ thuật - xã hội và nhà ở để tạo lập môi trường sống thích hợp cho người dân. Đây là cơ sở để lập các loại quy hoạch chung, phân khu và chi tiết. Quy hoạch đô thị cần đảm bảo phát triển hài hoà giữa các khu vực trong đô thị, khai thác, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, hạn chế sử dụng đất nông nghiệp.
Theo chủ trương của Trung ương, các đơn vị hành chính cấp huyện sẽ kết thúc hoạt động từ 1/7 sau khi nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (sửa đổi) có hiệu lực.
Dự kiến, cả nước giảm khoảng 60-70% số lượng đơn vị hành chính cấp xã hiện nay. Số lượng xã, phường từ hơn 10.000 sẽ rút xuống còn khoảng 5.000.