Đánh giá về những nội dung trọng tâm của nguồn nhân lực trong 10 năm qua, bà Thanh Nguyễn, Giám đốc điều hành và truyền cảm hứng hạnh phúc của Anphabe chia sẻ: “Biến động” là cụm từ khá thích hợp để mô tả bức tranh thị trường lao động Việt Nam trong một thập kỷ qua (giai đoạn 2013 – 2023).
Đáng chú ý, theo khảo sát tỷ lệ nhân viên bị Stress trong nhóm bị cắt giảm là khoảng 29%, cao hơn so với tỷ lệ 23% ở nhóm nhân viên tại doanh nghiệp không cắt giảm nhân sự, nhưng vẫn thấp hơn đáng kể so với con số 43% ở nhóm “Sống sót” sau cắt giảm. Điều này cho thấy người bị cắt giảm có thể trải qua giai đoạn khó khăn và hụt hẫng, nhưng áp lực lớn hơn vẫn đang đè nặng lên vai những người được doanh nghiệp giữ lại.
Tuy nhiên, một vấn đề nổi cộm trong thời gian gần đây là tình trạng Burn-Out gia tăng đáng báo động trong năm 2023. Khác với Stress, Burn-Out là một trạng thái nghiêm trọng và nguy hiểm hơn, dễ khiến người lao động rơi vào trạng thái kiệt sức, trống rỗng và không còn động lực để cố gắng. Những người bị Burn-Out có rủi ro gặp các vấn đề về HIỆU SUẤT cao hơn gấp 10 lần so với những người chỉ bị Stress mà chưa chuyển sang trạng thái Burn-Out.
Khảo sát của Anphabe trong năm 2023 đã chỉ ra, trung bình cứ 10 người đi làm bị Stress thường xuyên thì có 4 người đã chuyển sang trạng thái Burn-Out. Trong đó, nhóm “Sống sót” sau cắt giảm cũng là nhóm có tỷ lệ chuyển sang Burn-Out cao nhất (19%).
Tình trạng này phản ánh qua sự gia tăng áp lực công việc mà người lao động gặp phải và khả năng cân bằng giữa công việc và cuộc sống ngày càng trở nên khó khăn hơn. Cụ thể, khảo sát ý kiến của người đi làm của Anphabe đối với các nhận định về áp lực công việc trong năm 2023 cho thấy: 62% người đi làm đồng ý với nhận định “Áp lực công việc của tôi ở mức chấp nhận được” (giảm đang kể so với mức 84% của năm 2016) và 63% người đi làm tự tin rằng “Tôi có thể cân bằng công việc và cuộc sống cá nhân” (giảm nhiều so với con số 79% ghi nhận được vào năm 2016)
Trong bối cảnh đó, An sinh cho nhân viên trở thành trọng trách của doanh nghiệp. Khảo sát của Anphabe từ 2014 – 2023 cũng cho thấy, các yếu tố như “Chăm sóc sức khỏe & đời sống nhân viên tốt” và “Môi trường làm việc an toàn” cũng ngày càng thăng hạng, hiện được xếp vào Top 3 và Top 10 trong Top 15 tiêu chí về nơi làm việc lý tưởng do người đi làm bình chọn.
Trong 6 nhu cầu phúc lợi cho người lao động (bao gồm Phúc lợi về thời gian & Hỗ trợ làm việc; Phúc lợi cho gia đình; Phúc lợi xây dựng văn hóa; Phúc lợi bằng tiền; Phúc lợi về bảo hiểm & sức khỏe; Phúc lợi đào tạo & phát triển), Khảo sát kỳ vọng của người đi làm từ năm 2015 đến 2022 cho thấy một sự gia tăng đáng kể các Phúc lợi liên quan đến gia đình (62%) và Phúc lợi về thời gian & Hỗ trợ làm việc (63%).
Mặc dù doanh nghiệp đã có nhiều nỗ lực, số lượng nhân viên được huởng các phúc lợi này vẫn ít hơn nhiều so với kỳ vọng, và phần lớn vẫn chưa hài lòng với các lợi ích mà công ty đang cung cấp.
Cụ thể, trong khi 63% người kỳ vọng các chương trình Phúc lợi về thời gian & Hỗ trợ làm việc, chỉ có 24% trong số đó là được trải nghiệm thực tế tại doanh nghiệp, cho thấy một khoảng cách khá lớn giữa những gì nhân viên mong muốn và những phúc lợi mà công ty đang cung cấp. Hầu hết doanh nghiệp Việt Nam đến nay đều đang tập trung vào các Phúc lợi đào tạo & phát triển hơn là Phúc lợi về thời gian & Hỗ trợ làm việc.
Mặt khác, theo bà Thanh Nguyễn, xu hướng “Zombie công sở” là thuật ngữ mà Anphabe đưa ra nhằm mô tả nhóm người lao động: đi làm nhưng không nỗ lực làm; không có ý định nghỉ việc dù ít gắn kết; hạ gục đồng nghiệp bằng thái độ và hành vi tiêu cực, hiện đang trở thành xu hướng trỗi dậy mạnh mẽ ở năm 2024.
“Zombie” cùng với trào lưu “quiet quitting” (nghỉ việc thầm lặng) sẽ ảnh hưởng đến các nỗ lực thay đổi của các doanh nghiệp, giết chết năng lượng, mong muốn thay đổi của doanh nghiệp. Nhưng nhóm này chiếm tới 30% nhân sự, nên nhiệm vụ của người làm nhân sự, của lãnh đạo doanh nghiệp là phải làm cho những zombie này sống lại", bà Thanh Nguyễn nhận định.