Ngốn tiền điện, hại điều hòa vì một nguyên nhân đơn giản: Nhiều người dùng lâu năm mà không hề hay biết

Thùy Linh | 15:24 12/04/2024

Chỉ vì nguyên nhân đơn giản này mà máy làm lạnh kém, lâu dần có thể máy điều hòa sẽ hỏng, còn tiền hóa đơn điện thì tăng chóng mặt.

Ngốn tiền điện, hại điều hòa vì một nguyên nhân đơn giản: Nhiều người dùng lâu năm mà không hề hay biết

Nguyên nhân thường gặp khiến điều hòa nhanh hỏng

Trong thời tiết nắng nóng như thiêu đốt hiện nay, vai trò của máy điều hòa trở nên không thể phủ nhận khi mùa hè đã bắt đầu. Tuy nhiên, không phải tất cả các thiết bị điều hòa đều hoạt động ổn định qua mỗi mùa, mỗi năm mà không cần đến việc bảo dưỡng.

Một vấn đề mà nhiều người dùng thường không chú ý đó là gas, một yếu tố then chốt trong quá trình hoạt động của máy điều hòa. Gas điều hòa hay còn gọi là môi chất lạnh – một chất lỏng không cháy được sử dụng trong các hệ thống điều hòa không khí. Chất này sẽ trải qua một loạt các chu kỳ bay hơi để tạo ra không khí lạnh lưu thông trong toàn bộ hệ thống điều hòa. Chất này sẽ đóng vai trò di chuyển qua hệ thống đến các bộ phận khác nhau của máy điều hòa, biến đổi từ khí áp suất thấp thành chất lỏng áp suất cao. Nói cách khác, môi chất lạnh hấp thụ nhiệt và giải phóng nhiệt trên hành trình di chuyển, mang lại không khí mát mẻ cho căn phòng.

Theo như các chuyên gia điện máy chỉ ra, sau một thời gian sử dụng, lượng gas trong máy điều hòa có thể bị mất dần. Việc giảm lượng gas đồng nghĩa với việc giảm khả năng làm lạnh của máy điều hòa hoặc thậm chí là làm mất đi khả năng này.

Máy lạnh không bổ sung gas mới sẽ gặp vấn đề gì?

Khi máy lạnh hết gas, việc đầu tiên bị ảnh hưởng chính là hiệu suất làm lạnh. Người tiêu dùng sẽ dễ dàng cảm nhận sự không thoải mái khi không khí từ máy lạnh không còn mát mẻ như mong đợi.

Kết quả là, họ thường sẽ điều chỉnh nhiệt độ xuống thấp hơn để cố gắng làm mát phòng hơn nữa. Điều này khiến máy lạnh hoạt động ở công suất tối đa và tăng tiêu thụ điện năng, kể cả khi sử dụng các máy lạnh inverter tiết kiệm điện. Từ đó, hóa đơn tiền điện cũng tăng lên nhanh chóng.

Nếu tình trạng này kéo dài, người dùng cũng phải đối mặt nguy cơ máy dễ bị hỏng hóc vì phải hoạt động hết công suất liên tục. Như vậy, họ có thể phải chi trả cho các dịch vụ sửa chữa đắt đỏ. Trong một số trường hợp tồi tệ nhất, người dùng có thể cần phải thay thế máy lạnh mới.

Để tránh tình trạng này, mỗi gia đình cần chú ý đến các dấu hiệu cảnh báo để nhận biết khi máy lạnh bắt đầu thiếu gas hoặc hết gas. Có ba dấu hiệu cụ thể như sau: không cảm nhận được lạnh khi bật máy lạnh, dàn nóng không có dấu hiệu bốc hơi nóng, hoặc dàn lạnh trong nhà có lớp băng. Đối với một số dòng máy lạnh tiên tiến, người dùng cũng có thể dễ dàng theo dõi các thông số về gas trên màn hình điều khiển. Khi phát hiện những dấu hiệu này, việc nạp gas bổ sung cho máy lạnh là cần thiết và cấp bách.

Những điều cần biết khi nạp gas điều hòa

Theo các chuyên gia điện máy, mỗi loại máy điều hòa thường đi kèm với một loại gas riêng biệt. Do đó, khi cần nạp gas, quan trọng là kiểm tra xem máy điều hòa gia đình sử dụng loại gas nào. Thông thường, thông tin về loại gas tương thích sẽ được nhà sản xuất ghi chú trên phần dàn nóng hoặc có thể tìm kiếm thông qua tên model máy trên internet hoặc trong sách hướng dẫn đi kèm.

Hiện nay, trên thị trường có ba loại gas phổ biến nhất được sử dụng cho máy điều hòa, đó là R410, R22 và R32 - mỗi loại đều có những đặc điểm riêng biệt.

Loại gas R22 thường được sử dụng với một số ưu điểm như giá thành rẻ và quy trình nạp gas đơn giản, không đòi hỏi nhiều kỹ thuật và thiết bị. Tuy nhiên, loại gas này có hiệu suất làm lạnh kém và gây hại cho tầng ozon.

Gas R410 có giá cả trung bình, yêu cầu quy trình nạp phức tạp hơn và đòi hỏi tay nghề cao của thợ cũng như thiết bị chuyên dụng. Khi nạp gas loại này, cần thay hoàn toàn gas cũ mặc dù có cặn gas còn lại.

Loại gas R32 là loại được sử dụng từ năm 2014 trên các mẫu máy lạnh cao cấp. Tương tự như R410, nạp gas R32 cũng đòi hỏi kỹ thuật cao và thiết bị chuyên dụng, nhưng có khả năng làm lạnh mạnh mẽ và ổn định hơn (cao hơn 1,6 lần so với R410A và cao hơn 6,1 lần so với R22), giúp tiết kiệm điện năng đáng kể, nhưng sẽ có giá thành cao hơn các loại khác.

Các chuyên gia cũng cho biết rằng chi phí nạp gas cho máy điều hòa thường không quá cao, dao động từ 150.000 đồng - 1 triệu đồng tùy thuộc vào chất lượng và lượng gas cần nạp. Do đó, khi phát hiện dấu hiệu thiếu hoặc hết gas, việc gọi thợ để nạp gas bổ sung là cần thiết để tránh các vấn đề không mong muốn.


(0) Bình luận
Ngốn tiền điện, hại điều hòa vì một nguyên nhân đơn giản: Nhiều người dùng lâu năm mà không hề hay biết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO