Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông bế tắc, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới

PV | 16:43 12/04/2024

Chuyên gia cho rằng, bên cạnh những rủi ro, vẫn còn có động lực tăng trưởng như giải ngân vốn đầu tư công, vốn FDI vào Việt Nam và cơ hội của việc dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc…

Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông bế tắc, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới

Chiều 12/4, Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông động lực tăng trưởng mới.

Phát biểu khai mạc Diễn đàn Doanh nghiệp 2024, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhấn mạnh, với tinh thần quyết liệt, khẩn trương, thích ứng linh hoạt, kịp thời và hiệu quả, ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm 2024, kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan và đang dần lấy lại đà tăng trưởng.

Theo ông Phòng, những kết quả đạt được trong những tháng đầu năm có ý nghĩa quan trọng, tạo đà cho phục hồi và phát triển trong những quý còn lại của năm 2024.

Khôi phục các động lực tăng trưởng truyền thống và khơi thông, tận dụng hiệu quả các động lực tăng trưởng mới hướng đến phát triển bao trùm, bền vững trở thành yêu cầu vừa mang tính cấp bách vừa mang tính chiến lược lâu dài đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2024 và những năm tiếp theo.

Chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo động lực phát triển mới là quá trình chuyển đổi về tư duy, nhận thức và hành động. “Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các chuyển đổi trên. Bên cạnh những thuận lợi, thời cơ là những khó khăn, thách thức đan xen”, ông Hoàng Quang Phòng nhấn mạnh.

Trong đó, khó khăn lớn là nguồn lực đầu tư. Chỉ riêng chuyển đổi xanh, theo ước tính của Ngân hàng Phát triển châu Á, Việt Nam cần khoảng 368 tỷ USD cho cả giai đoạn đến 2040, tương đương 20 tỷ USD mỗi năm. Trong khi đó, thị trường tài chính xanh quy mô còn nhỏ, chưa có cơ chế, chính sách khuyến khích dòng vốn tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực xanh.

Phó Chủ tịch VCCI cho biết, với những động lực tăng trưởng mới khác như kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ… dù các bộ ngành đã kịp thời đề xuất và xây dựng các cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý cho các doanh nghiệp hoạt động đầu tư kinh doanh nhưng đến nhiều văn bản, quy định pháp luật còn đang trong quá trình hoàn thiện.

Ông Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng, Giám đốc Trung tâm thông tin, phân tích và dự báo kinh tế, Ban Kinh tế Trung ương nhận định, có hai yếu tố tác động đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam là tổng cung và tổng cầu. Xét về tổng cầu, xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ. Xuất khẩu bắt đầu có tăng trưởng dương (hàng tháng so với cùng kỳ) bắt đầu từ tháng 9/2023.

Một yếu tố đáng chú ý khác là giải ngân vốn đầu tư FDI cũng có xu hướng tăng. Giải ngân đầu tư nước ngoài trong 6 tháng đầu năm 2023 giảm nhưng bắt đầu tăng nhanh trong 6 tháng cuối năm và cả năm đã tăng 3,5% so với năm 2022. 3 tháng đầu năm 2024 đạt 4,63 tỷ USD tăng 7,1% mức cao nhất trong 5 năm gần đây. Đây sẽ là một cú huých quan trọng cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Đầu tư công cũng là yếu tố đáng chú ý. Năm 2023 đầu tư công đã có đà tăng trưởng tốt hơn 19,7% tạo ra cú huých lớn cho tăng trưởng và 3 tháng đầu năm 2024 cũng cho thấy đà tăng trưởng trên 22%.

Đồng thời, một yếu tố quan trọng khác là đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Trung Quốc vào ASEAN đã tăng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm CAGR đạt 8% từ năm 2018 đến năm 2022 (các ngành dệt may, điện tử tiêu dùng và xe điện,…).

Cùng với đó, dịch chuyển đầu tư ra khỏi Trung Quốc cũng tăng, luỹ kế từ tháng 4/2022 đến tháng 12/2024 thì tổng dòng vốn ròng chảy ra khỏi Trung Quốc đã đạt 1697,2 tỷ USD.

Tuy nhiên, ông Tú Anh cho rằng, bên cạnh những yếu tố thuận lợi vẫn còn tồn tại những điểm khó khăn. Như khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp còn gặp khó do thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa trở thành kênh hỗ trợ cho doanh nghiệp. Cùng với đó, thị trường bất động sản vẫn chưa có sự khởi sắc.

Trong thời gian tới, ông Tú Anh đánh giá, Việt Nam cần lưu ý đến một số yếu tố có thể tác động đến tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, các rủi ro địa chính trị, việc đóng cửa biển Đỏ do chiến sự sẽ gây đứt gãy chuỗi cung ứng..

Mặt khác, cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn đang ngày càng sâu sắc làm ảnh hưởng tiêu cực đến các dòng vốn và thương mại. Cùng với đó, thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chưa được khơi thông, gần 300 nghìn tỷ đến hạn trong năm 2024 có thể tạo ra rủi ro lớn cho nền kinh tế. Thị trường bất động sản không được khơi thông sẽ trở thành điểm nghẽn lớn.

Hiện yếu tố thuận lợi còn rất lớn nhưng vẫn còn khó khăn trong nội tại và rủi ro. Tuy nhiên, ông Tú Anh cho biết, nếu các yếu tố thuận lợi được tận dụng tối đa, hạn chế khó khăn và các rủi ro được nhận kiểm soát chặt chẽ, cùng với quyết tâm mạnh mẽ từ Chính phủ, dự kiến mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6-6,5% có thể đạt được.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Diễn đàn Doanh nghiệp 2024: Khơi thông bế tắc, thúc đẩy động lực tăng trưởng mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO