Cơ quan Thuế không được trả hồ sơ
Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế vừa có Công điện số 08/CĐ-TCT gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo toàn ngành Thuế tiếp tục nâng cao hiệu quả xử lý hồ sơ khai thuế từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản.
Nội dung Công điện khẳng định, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã có các công văn số 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022, công văn số 1381/TCT-DNNCN ngày 28/4/2022 chỉ đạo việc tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người nộp thuế trong việc kê khai theo đúng giá giao dịch chuyển nhượng bất động sản.
Theo đó, Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế đã chỉ đạo Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, phổ biến pháp luật tại bộ phận 1 cửa liên thông theo nguyên tắc “tiền phòng hậu kiểm” và đã mang lại hiệu quả tích cực, tổ chức, cá nhân hiểu và thực hiện đúng khi kê khai nghĩa vụ tài chính liên quan đến chuyển nhượng bất động sản.
Tuy nhiên, Tổng cục Thuế nhận được phản ánh ở một số địa phương vẫn còn có hiện tượng cơ quan thuế trả lại hồ sơ kê khai thuế do nghi ngờ những trường hợp này có dấu hiệu kê khai thấp so với giá giao dịch thực tế.
Để đảm bảo đúng nguyên tắc chỉ đạo của Bộ Tài chính “tiền phòng, hậu kiểm”, Tổng cục Thuế yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố quán triệt đến từng Chi cục Thuế, đối với trường hợp nêu trên không thực hiện trả lại hồ sơ, không được kéo dài thời hạn giải quyết hồ sơ theo quy định mà cần thực hiện tính thuế theo đúng quy định tại Nghị định số 12/2015/NĐ-CP ngày 12/02/2015, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015 và chỉ đạo tại công văn số 3849/BTC-TCT ngày 28/4/2022 nêu trên của Bộ Tài chính để đảm bảo thời gian theo quy định đối với các hồ sơ chuyển nhượng của người nộp thuế.
Trường hợp phát hiện rủi ro thì chuyển sang thực hiện thanh tra, kiểm tra sau theo đúng quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Cũng trong công điện số 08/CĐ-TCT, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế yêu cầu Cục trưởng Cục Thuế quán triệt và chỉ đạo khẩn trương tổ chức thực hiện.
Hàng ngàn hồ sơ đã bị trả lại
Thời gian qua, khi Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế liên tục phát đi văn bản yêu cầu các cơ quan Thuế các địa phương thực hiện rà soát và thực hiện các biện pháp theo quy định nhằm chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản do việc kê khai giá mua bán thấp hơn giá giao dịch thực tế.
Sau các động thái trên, thực tế cho thấy, số lượng hồ sơ khai thuế chuyển nhượng bất động sản tại các địa phương bị cơ quan thuế trả lại là không hề nhỏ.
Theo thông tin từ Cục Thuế TP.HCM, 4 tháng đầu năm 2022, trong tổng số hơn 48.300 hồ sơ mua bán bất động sản, số hồ sơ bị trả đề nghị khai lại giá bán gần 10.900 hồ sơ, chiếm 22%. Như vậy, cứ khoảng 5 hồ sơ nộp lên có một bộ bị trả về để sửa giá, do được đánh giá là đã kê khai giá bán quá thấp.
Tương tự, tại các tỉnh, thành khác như Long An, theo Cục Thuế tỉnh, từ đầu năm đến nay, các Chi cục Thuế trực thuộc Cục Thuế tỉnh trả lại và yêu cầu điều chỉnh nâng giá đúng với thực tế giao dịch đối với hàng trăm hồ sơ nhà đất. Theo đó, có tới 473 hồ sơ được người nộp thuế tự điều chỉnh giá giao dịch phù hợp, tăng thu thuế nộp ngân sách hơn 2,1 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chỉ trong nửa đầu tháng 3 vừa qua, ngành thuế Bà Rịa-Vũng Tàu cũng trả hơn 1.200 hồ sơ sang nhượng, chuyển nhượng bất động sản vì có dấu hiệu khai thấp hơn nhiều so với giá thực tế.
Trước đó, chia sẻ với MarketTimes về vấn đề này Luật sư Nguyễn Văn Hậu - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, hiện nay công tác mức giá đất thị trường nhằm tính thuế chuyển nhượng bất động sản hiện rất khó xác định một cách chính xác, nếu chỉ dựa trên xem xét của cán bộ thuế thì dễ nảy sinh tiêu cực, lạm quyền, nhũng nhiễu…
Trong trường hợp cơ quan thuế trả lại hồ sơ khai thuế chuyển nhượng bất động sản nhưng thực tế người dân bán nhà theo đúng giá thị trường, khai thuế đúng quy định thì phải xử lý trách nhiệm của cán bộ thuế.
Bên cạnh đó, trường hợp hồ sơ khai thuế của người dân được cơ quan thuế chuyển cho cơ quan công an điều tra nhưng thực tế hồ sơ khai thuế đúng, không trốn thuế, hay mức kê khai không đủ cơ sở có yếu tố hình sự thì cũng cần phải xử lý trách nhiệm cơ quan thuế, Luật sư Nguyễn Văn Hậu nhận định.
Vừa qua, phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã khẳng định Bộ Tài chính đã có công điện yêu cầu các đơn vị trong ngành Tài chính tăng cường trách nhiệm trong thực thi công vụ và trong quá trình thực hành và không được gây phiền hà, sách nhiễu với người dân. Trong đó, các đơn vị cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, và đẩy mạnh hậu kiểm. Trường hợp phát hiện ra hiện tượng nhũng nhiễu tiêu cực sẽ xử lý nghiêm.
Theo Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 1/1/2021 đến 15/1/2022, cơ quan thuế đã đấu tranh chống thất thu với 233.983 tổ chức, cá nhân có hồ sơ chuyển nhượng bất động sản (BĐS) qua đó tăng thu hơn 500 tỷ đồng và chỉ tính riêng giai đoạn 1/1/2022 đến 31/3/2022, cơ quan thuế các cấp đã thực hiện đấu tranh với 60.289 hồ sơ, số thu tăng hơn 326 tỷ đồng.