Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ về Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để chuẩn bị trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Triển khai hiệu quả Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, đẩy nhanh tiến độ xây dựng một số tuyến đường sắt quan trọng quốc gia, tuyến đường sắt trục Đông-Tây; nghiên cứu hoàn thiện Đề án về dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam, phấn đấu phê duyệt chủ trương đầu tư dự án sớm nhất có thể trong năm 2024.
Triển khai Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải xây dựng Đề án chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam để trình cấp có thẩm quyền.
Tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải với nhiều điểm mới, rõ hơn so với các cuộc họp trước đây, tương đối đầy đủ, thuyết phục và các ý kiến phát biểu tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu tại cuộc họp.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục nghiên cứu, bổ sung, làm rõ hơn nữa, thuyết phục hơn nữa với một số nội dung liên quan tới cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn; quan điểm, nguyên tắc, phương pháp luận; mục tiêu, yêu cầu; nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án.
Theo đó, chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam có đầy đủ cơ sở chính trị (Kết luận 49 của Bộ Chính trị), cơ sở pháp lý (Nghị quyết số 103 của Quốc hội) và cơ sở thực tiễn (nhu cầu vận tải rất lớn, nhất là vận tải hành khách theo trục Bắc-Nam, chi phí logistics của Việt Nam còn cao so với thế giới, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ).
Thủ tướng nhấn mạnh, mục tiêu, yêu cầu là hoàn thành khoảng 1.541 km đường sắt tốc độ cao trục Bắc-Nam qua 20 tỉnh, thành phố; thời gian thực hiện trong khoảng 10 năm, phấn đấu hoàn thành vào năm 2035.
Về giải pháp để đạt được mục tiêu trên, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu hướng tuyến thuận lợi nhất, ngắn nhất có thể, hiệu quả nhất; nghiên cứu lựa chọn tốc độ thiết kế khoảng 350 km/h để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Về công năng vận tải, hiện trên trục giao thông Bắc-Nam đã có 3 tuyến đường bộ (gồm Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh, đường bộ cao tốc đang được xây dựng), cùng các tuyến đường biển, hàng không, đường sắt, do đó, phải nghiên cứu xây dựng đường sắt tốc độ cao với công năng phù hợp để phát huy thế mạnh bổ sung của các loại hình vận tải, nghiên cứu theo hướng vận tải hành khách là chủ yếu, kết hợp vận tải hàng hóa nhanh và phục vụ quốc phòng-an ninh khi có nhu cầu, đồng thời tiếp tục cải tạo, nâng cấp đường sắt hiện hữu để vận chuyển hàng hóa.
Thủ tướng cũng yêu cầu nghiên cứu kỹ lưỡng về tổng mức đầu tư bảo đảm phù hợp (lưu ý so với đường sắt tốc độ cao của các nước ở tốc độ, quy mô tương tự và tính đến yếu tố địa hình, địa chất của Việt Nam); tính toán khả năng thu hồi vốn, đánh giá hiệu quả kinh tế-xã hội, hiệu quả tài chính, hiệu quả vận tải, logistics, hiệu quả tổng hợp, trực tiếp và gián tiếp…; từ đó nghiên cứu cơ chế, chính sách để huy động nguồn vốn theo các phương thức khác nhau, đa dạng hóa nguồn vốn (vốn Trung ương, vốn địa phương, vốn vay, phát hành trái phiếu, vốn doanh nghiệp…).
Thủ tướng cũng lưu ý cần phương án tổ chức quản lý theo hướng thông minh, hiện đại, số hóa; đào tạo nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, hình thành hệ sinh thái để phát triển ngành công nghiệp đường sắt theo yêu cầu tại Kết luận 49 với bước đi, lộ trình phù hợp.
Thủ tướng yêu cầu Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp tục trực tiếp chỉ đạo, Bộ Giao thông vận tải bổ sung, làm rõ thêm thật thuyết phục các nội dung trên, tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, cầu thị lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, tiếp tục hoàn thiện Đề án cùng các tài liệu, dự thảo kèm theo trên cơ sở bám sát Kết luận 49 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 103 của Quốc hội để báo cáo Chính phủ tại phiên họp sắp tới, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Đà "thăng hoa" gần đây của 2 cổ phiếu đầu ngành đường sắt diễn ra sau chuyến công tác tại Trung Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào cuối tháng 6 vừa qua. Theo đó, chiều 24/6, tại thành phố Đại Liên, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ và làm việc với ông Tôn Vinh Khôn, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC).
Tại buổi làm việc nói trên, Thủ tướng mong muốn Việt Nam và Trung Quốc có thể đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực đường sắt - đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Được biết, CRRC có lịch sử phát triển lâu đời, thuộc Tập đoàn Toa xe Trung Quốc, là doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn trọng điểm duy nhất của Trung Quốc độc lập phát triển và sản xuất đầu máy đường sắt (bao gồm đầu máy diesel, đầu máy điện), phương tiện đường sắt đô thị, tàu tốc hành và đầu máy năng lượng mới, có nhiều công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt.
Về phần mình, lãnh đạo CRRC khẳng định Công ty có nhiều ưu thế, năng lực nổi bật và công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt; bày tỏ mong muốn tham gia cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, dưới chỉ đạo của Chính phủ hai nước.
CRRC rất coi trọng và sẵn sàng tham gia xây dựng các tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TPHCM; sẵn sàng cung cấp các giải pháp tổng thể, công nghệ cao, thúc đẩy nội địa hóa, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực như đề nghị của Thủ tướng để góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đường sắt, cũng như phát triển các lĩnh vực như giao thông năng lượng mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.
Với năng lực và ưu thế của CRRC, Thủ tướng đề nghị công ty nghiên cứu hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và các doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất, chuyển giao công nghệ chế tạo đầu máy, toa xe, đào tạo nhân lực, hỗ trợ về nguồn vốn. Đồng thời, tham gia xây dựng các dự án đường sắt chất lượng, hiệu quả, góp phần phát triển công nghiệp đường sắt tại Việt Nam; đồng thời hoan nghênh CRRC tham gia các dự án, lĩnh vực khác như năng lượng mới.