Đây là nội dung cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành, hiệp hội, ngân hàng, doanh nghiệp về tình hình thị trường bất động sản, chiều 24/5, do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.
Cần tăng cung, kéo giảm giá bất động sản
Theo Bộ Xây dựng, trong quý I/2025 số dự án phát triển nhà ở thương mại tăng so với quý IV/2024 và so với cùng kỳ. Trong đó có thêm 14 dự án nhà ở thương mại hoàn thành xây dựng, với quy mô hơn 3.800 căn, tăng 40%; có 26 dự án được cấp phép mới với quy mô gần 16.000 căn, tăng 44%; 59 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai với khoảng 20.000 căn, tăng 55%; có 994 dự án đang triển khai xây dựng, với quy mô gần 400.000 căn.
Đối với dự án đầu tư xây dựng hạ tầng để chuyển nhượng quyền sử dụng đất để người dân tự xây dựng nhà ở, trong quý I/2025 có 17 dự án hoàn thành với hơn 4.400 lô/nền; 490 dự án đang triển khai với quy mô hơn 19.000 lô/nền; có 11 dự án được cấp phép với quy mô khoảng 3.400 lô/nền.
Lượng giao dịch bất động sản căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền đều tăng so với quý trước. Trong đó có hơn 33.000 giao dịch thành công về căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, tăng 32% so với quý IV/2024 và hơn 101.000 giao dịch đất nền thành công, tăng hơn 16%.
Nhìn chung trong quý I/2025, giá các loại hình bất động sản tiếp tục có xu hướng tăng nhưng mức độ tăng của mỗi loại hình tại mỗi thời điểm, mỗi vị trí, mỗi khu vực ở mỗi địa phương khác nhau.
Về phát triển nhà ở xã hội, trên địa bàn cả nước đã quy hoạch hơn 1.300 vị trí với quy mô hơn 9.700 ha đất dành cho phát triển nhà ở xã hội. Triển khai Đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội, hiện cả nước đã có 679 dự án được triển khai với quy mô hơn 623.000 căn, trong đó có 108 dự án hoàn thành với 73.000 căn và 155 dự án đã khởi công xây dựng với quy mô hơn 132.000 căn.
Theo tính toán, có 22 tỉnh, thành phố sẽ hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội với gần 48.000 căn; trong khi 22 địa phương khác khó hoàn thành chỉ tiêu, với hơn 23.000 căn; đặc biệt 19 tỉnh chưa triển khai dự án nhà ở xã hội.
Tại hội nghị, các đại biểu đánh giá: Nguồn cung bất động sản còn hạn chế; còn lệch pha phân khúc bất động sản; kết quả triển khai nhà ở xã hội còn chậm; nhiều dự án bất động sản gặp vướng mắc liên quan đến thủ tục pháp lý về đất đai, đầu tư, đấu thầu, đấu giá, xây dựng; các khó khăn, vướng mắc liên quan đến quy định về giá đất; thủ tục chuẩn bị đầu tư, triển khai thực hiện dự án bất động sản ở nhiều địa phương còn chậm; tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở một số địa phương còn những tồn tại hạn chế.
Các đại biểu cũng cho rằng, quản lý hoạt động kinh doanh bất động sản, môi giới bất động sản còn hạn chế, có hiện tượng tạo giá ảo, đầu cơ; doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn; các biến động trong các lĩnh vực, kênh đầu tư như vàng, chứng khoán, trái phiếu, lạm phát… đã tác động đến tâm lý, dẫn đến xu hướng chuyển dịch dòng tiền của người dân, nhà đầu tư sang bất động sản.
Hiện cả nước có khoảng 788 dự án bất động sản có khó khăn, vướng mắt liên quan đến lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch, xây dựng, nhà ở, đấu thầu, nguồn vốn thực hiện dự án, thực hiện kết luận thanh tra đối với dự án…
Các dự án có khó khăn, vướng mắc đang được tích cực xử lý, tuy nhiên vẫn còn những vấn đề vướng mắc chưa giải quyết, chủ yếu thuộc thẩm quyền của các địa phương.
Các đại biểu đề xuất, cùng với tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho thị trường bất động sản như kể trên, cần giảm các chi phí ảnh hưởng tới giá bất động sản; có kế hoạch, chỉ tiêu, điều tiết các phân khúc bất động sản hợp lý; xử lý nghiêm các hành vi làm giá, thao túng thị trường…
Kịp thời tháo gỡ cho các dự án bất động sản còn khó khăn
Điểm lại những nỗ lực, giải pháp của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và kết quả phát triển thị trường bất động sản thời gian qua, cũng như những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành nghiên cứu, tháo gỡ các vướng mắc để giảm chi phí, giảm giá bất động sản; tăng nguồn cung để tăng khả năng tiếp cận bất động sản của người dân.
Đồng thời, quyết liệt xử lý các hành vi tạo giá ảo, đầu cơ, thao túng trục lợi trong đấu giá đất, lũng đoạn thị trường bất động sản, không để người dân bị lừa đảo.

Thủ tướng Chính yêu cầu nghiên cứu giải pháp liên quan giải phóng mặt bằng phù hợp tình hình, nêu cao vai trò của chính quyền địa phương trong giải phóng mặt bằng. Các địa phương rà soát các dự án vướng mắc về pháp lý, đề xuất cơ chế để tháo gỡ; quy hoạch phát triển bất động sản phù hợp.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng phối hợp với các địa phương kiểm tra, kịp thời tháo gỡ cho các dự án bất động sản còn khó khăn; nghiên cứu tích hợp quy định về các thủ tục đầu tư thành một nghị định; khẩn trương xây dựng cơ sở dữ liệu về nhà ở kết nối cơ sở dữ liệu về dân cư; nghiên cứu mô hình trung tâm giao dịch bất động sản và giao dịch đất do Nhà nước quản lý…
Bộ Nông nghiệp và Môi trường chủ trì cùng Bộ Tài chính rà soát các quy định về đất đai, thủ tục định giá đất, nếu cần thì phải sửa các quy định hiện hành. Chỉ đạo Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đánh giá, ban hành bảng giá đất, bồi thường giải phóng mặt bằng, nâng cao mức đặt cọc trong đấu giá đất, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng đấu giá để gây nhiễu loạn thị trường. Bộ Công an phải vào cuộc xử lý ngay những phần tử thao túng, lũng đoạn thị trường. Bộ Nông nghiệp và Môi trường xây dựng quy định về đấu giá, đủ sức răn đe, phòng ngừa tình trạng này. Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại về cho vay nhà ở, góp phần tăng trưởng tín dụng.
Bộ Tài chính khẩn trương nghiên cứu ban hành chính sách đánh thuế bất động sản đối với đất, nhà ở không sử dụng, phần chênh lệnh giá đất với giá bán, có cơ chế xử lý các giao dịch không trong sáng; bảo đảm công khai, minh bạch, phù hợp, không để "giật cục”...
Thủ tướng Phạmh Minh Chính đề nghị các doanh nghiệp chủ động rà soát, tái cấu trúc danh mục dự án đầu tư, phù hợp nhu cầu của xã hội; rà soát các dự án đang triển khai bảo đảm tuân thủ; giảm giá, tiết kiệm chi phí để giảm giá nhà ở, trên tinh thần lợi ích hài hoà, rủi ro chia sẻ, bảo đảm cho người dân được tiếp cận nhà ở một cách bình đẳng, góp phần nâng cao đời sống tinh thần vật chất của người dân.