Xuất khẩu tiêu giảm, doanh nghiệp dồn lực vào thị trường nội địa

Thu Hà | 12:04 20/05/2022

Xuất khẩu tiêu đến các thị trường lớn giảm sút, các đơn vị xuất khẩu đang phải chuyển dịch cơ cấu, tìm những thị trường mới. Một số chuyển hướng đầu tư hàng hóa thị trường nội địa, tránh bớt rủi ro.

Xuất khẩu tiêu giảm, doanh nghiệp dồn lực vào thị trường nội địa
Giá tiêu xuất khẩu giảm, các doanh nghiệp tìm hướng phát triển thị trường nội địa

Theo khảo sát của MarketTimes, tuần qua (từ ngày 16-20/5) giá tiêu thị trường nội địa các phiên trong tuần đều giữ ở mức ổn định, còn lượng hồ tiêu xuất khẩu trên thị trường quốc tế cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh ở hầu hết nhà cung cấp lớn.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), 16 ngày đầu tháng 5/2022, cả nước xuất khẩu được 10.454 tấn, trong đó tiêu đen đạt 8.973 tấn, tiêu trắng đạt 1.481 tấn, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 47,5 triệu USD.

Cụ thể, giá tiêu hôm nay (20/5), tại thị trường trong nước tiếp tục đi ngang ở các địa phương:

Giá tiêu tại Gia Lai thấp nhất thị trường khi ở mức 73.000 đồng/kg. Tại các tỉnh Đồng Nai 73.500 đồng/k; Đắk Nông, Đắk Lắk 74.500 đồng/kg; Bình Phước 75.500 đồng/kg và cao nhất tại Bà Rịa – Vũng Tàu 76.500 đồng/kg.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã nhập khẩu 2.916 tấn hồ tiêu, kim ngạch đạt 11,7 triệu USD. Lượng nhập khẩu chủ yếu đến từ Campuchia (chiếm 48,7%) và từ Brazil (38,9%).Mỹ, Singapore và Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) là ba thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Việt Nam trong nửa đầu tháng 5 với lượng nhập khẩu lần lượt là 1.582 tấn, 1.397 tấn và 1.325 tấn.

gia-tieu.png

Trước đó, xuất khẩu hồ tiêu trong tháng 4/2022 đạt 24.630 tấn tiêu các loại, tăng 903 tấn, tức tăng 3,81 % so với tháng trước nhưng lại giảm 7.602 tấn, tức giảm 23,59% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị kim ngạch xuất khẩu trong tháng đạt 114,02 triệu USD, tăng 23,39 triệu USD, tức tăng 2,09 % so với tháng trước và tăng 8,80 triệu USD, tức tăng 8,37 % so với cùng kỳ năm trước.

Trên thị trường quốc tế, khối lượng hồ tiêu xuất khẩu cũng ghi nhận sự sụt giảm mạnh ở hầu hết nhà cung cấp lớn trong những tháng đầu năm 2022.

Đầu tuần này, Cộng đồng Hồ tiêu quốc tế cũng điều chỉnh giá tiêu đen và tiêu trắng xuất khẩu của Việt Nam giảm 50 USD/tấn, tương ứng tiêu trắng xuất khẩu 5.900 USD/tấn, tiêu đen xuất khẩu 500g/l là 3.900 USD/tấn. So với đầu tháng giá tiêu xuất khẩu của Việt Nam đã giảm tới 90 USD/tấn.

Năm nay, chi phí sản xuất từ phân bón, xăng dầu, công thu hái tăng cao. Do đó, người trồng tiêu có xu hướng chỉ bán một số lượng nhỏ đủ để trang trải chi phí tạm thời và ưu tiên giữ lại hàng để đợi giá cao hơn.

Doanh nghiệp tìm cách phát triển ở thị trường nội địa

Xuất khẩu hạt tiêu 4 tháng đầu năm 2022 đạt tổng cộng 77.810 tấn tiêu các loại, giảm 15.747 tấn, tức giảm 16,83 % so với khối lượng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2021.

Theo bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), trước đó, hiệp hội báo cáo với Tổ chức Hồ tiêu Quốc tế (IPC) sản lượng hồ tiêu Việt Nam năm 2022 là 162.000 giảm 10% so với niên vụ 2022. Tuy nhiên, con số này chỉ là tạm thời do thời điểm báo cáo chưa thu hoạch xong và qua khảo sát cho thấy tồn kho của dân còn nhiều và cao hơn so với ước tính ban đầu.

Hiện nay, xuất khẩu hồ tiêu cả nước giảm sút, trong đó giảm ở 3 thị trường lớn Trung Quốc, Nga và Ukraine nhiều nhất.

Các đơn vị xuất khẩu đã đủ hàng xuất cho những hợp đồng tháng tới. Năm 2021, Trung Quốc là khách hàng lớn thứ hai của ngành tiêu Việt Nam, sau Mỹ với tỷ trọng khoảng 15%. Tuy nhiên, bước sang năm 2022, vị thế của thị trường này tụt xuống thứ 8 và tỷ trọng chỉ còn khoảng 3%. Trước chính sách “Zero Covid” đã ảnh hưởng không nhỏ đến giá hồ tiêu Việt Nam trong thời gian qua. Các đơn vị xuất khẩu đã phải chuyển dịch cơ cấu, tìm những thị trường mới, khai thác những thị trường tiềm năng bị đình trệ bởi 2 năm Covid-19. Điều này được thể hiện rõ trong khi Trung Quốc chỉ nhập khẩu 209 tấn trong tháng 4/2022 (đây là lượng nhập khẩu hồ tiêu ít nhất trong vòng 4 năm trở lại đây).

Thực tế đó cho thấy, nhiều doanh nghiệp đang chuyển hướng đầu tư hàng hóa thị trường nội địa, tránh bớt rủi ro. Đơn cử như Công ty Cổ phần Tập đoàn Trân Châu (Đắk Song, Đắk Nông) đang tập trung sản xuất thêm nhiều sản phẩm mới, nâng cao về chất lượng để phù hợp với người tiêu dùng trong nước.

Trước đây, công ty dành phần lớn sự đầu tư cho các sản phẩm tiêu xuất khẩu. Còn năm nay đã làm mới, đa dạng các sản phẩm nhằm tiếp cận thêm thị trường trong nước. Trong đó, nhiều sản phẩm mới được ra mắt trong đầu năm nay như tương ớt, tiêu xay, tiêu bột, ớt xay, gia vị, sốt lẩu, sốt thịt nướng… đều phục vụ thị trường nội địa.

Ông Hoàng Phước Bính, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê, chia sẻ để ngành hồ tiêu phát triển bền vững trong thời gian tới trước tiên, Chính phủ, các bộ ngành và các cơ quan liên quan cần có thông tin chính xác, đầy đủ và kịp thời về diện tích sản xuất của Việt Nam và thế giới, về các khâu chế biến, lưu thông, tiêu thụ để từ đó có thông tin chính thống, giúp cho các thành phần trong ngành hàng biết và có chiến lược phát triển phù hợp.

Đồng thời, ngành hồ tiêu cũng cần sự hỗ trợ kịp thời từ các chính sách của Nhà nước, như các Nghị định 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp…, cũng như các văn bản hướng dẫn thi hành.

Bộ Công Thương đã tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, giúp doanh nghiệp ngành hồ tiêu tìm kiếm đối tác, tận dụng lợi thế nhằm bứt phá trong xuất khẩu. Mới đây, Bộ Công Thương đã phối hợp tổ chức sự kiện giao thương trực tuyến sản phẩm gia vị và hương liệu, trong đó có mặt hàng hồ tiêu của Việt Nam, Ấn Độ. Nhiều cuộc gặp gỡ riêng, tìm hiểu đối tác và cơ hội kinh doanh đã được doanh nghiệp 2 nước thực hiện.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Xuất khẩu tiêu giảm, doanh nghiệp dồn lực vào thị trường nội địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO