Cà phê quay đầu giảm giá sau các phiên tăng liên tiếp

Thu Hà | 10:50 06/05/2022

Giá cà phê bị ảnh hưởng nhiều bởi những lo ngại về nguồn cung, có thể dẫn đến sự biến động giá.

Cà phê quay đầu giảm giá sau các phiên tăng liên tiếp
Thị phần cà phê thô đang dần bị thay thế bởi cà phê chế biến.

Việt Nam vẫn là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, với lượng xuất đạt 11,6 triệu bao từ đầu niên vụ 2021 - 2022 đến nay, tăng mạnh 19,1% so với niên vụ trước đó.

Giá cà phê ngóng kết quả họp từ Fed

Hiện tại, các thị trường hàng hóa nói chung, trong đó có mặt hàng cà phê đều trong tâm thế chờ đợi nghe ngóng kết quả các phiên họp chính sách của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và Ủy ban Chính sách tiền tệ (Copom) của Brazil vào phiên cuối ngày hôm qua.

Theo khảo sát của Markettimes, Sau kỳ nghỉ lễ 30/4, 1/5 giá cà phê đồng loạt tăng liên tiếp nhưng đến hôm nay tại thị trường thế giới và trong nước đều quay đầu giảm.

Cụ thể, giá cà phê hôm nay (6/5), tại thị trường trong nước quay đầu giảm nhẹ 100 đồng/kg; nhưng vẫn giữ trên mốc 42 triệu đồng/tấn.

Hiện tại, cà phê tại Di Linh, Bảo Lộc và Lâm Hà của tỉnh Lâm Đồng hôm nay đang thu mua ở giá 41.500 đồng/kg.

Tại huyện Cư M'gar (Đắk Lắk), giá cà phê hôm nay giữ ở mức 42.100 đồng/kg. Tại huyện Ea H'leo (Đắk Lắk) và Buôn Hồ (Đắk Lắk), giá cà phê hiện cùng giữ mức 42.000 đồng/kg.

anh-ca-phe-1-.png

Tại Gia Nghĩa và Đắk R'lấp của tỉnh Đắk Nông, giá cà phê hôm nay lần lượt thu mua ở mức 42.000 và 39.900 đồng/kg.

Tại Chư Prông tỉnh Gia Lai đang ở mức 42.000 đồng/kg, ở Pleiku và La Grai cùng mức 39.900 đ/kg. Còn, giá cà phê tại tỉnh Kon Tum đang thu mua với mức 42.000 đồng/kg.

Theo Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm, có 5 sản phẩm/nhóm sản phẩm có giá trị xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD, gồm: Cà phê, gạo, nhóm rau quả, tôm, sản phẩm gỗ.

Một số mặt hàng đạt giá trị xuất khẩu cao hơn so với cùng kỳ, như: Cà phê, cao su, hồ tiêu, sắn và các sản phẩm từ sắn, cá tra, tôm, gỗ và các sản phẩm gỗ. Trong đó giá trị xuất khẩu cà phê đạt gần 1,7 tỷ USD (tăng 59,4%).

Giá cà phê thế giới quay đầu giảm nhẹ sau 2 phiên tăng giá liên tiếp. Đà tăng thời gian qua của thị trường thế giới là do ảnh hưởng khi Fed tuyên bố nâng lãi suất cơ bản thêm 0,5%, lên dao động trong khung 0,75 - 1%/năm. Tuy không cao quá mức như thị trường lo ngại nhưng cũng là lần tăng lãi suất cao nhất kể từ năm 2000 đến nay.

Fed nhấn mạnh, trong phiên họp kỳ tới sẽ không mạnh tay hơn để không gây xáo trộn thị trường, tạo điều kiện cho suy thoái kinh tế. Chính điều này đã hỗ trợ chứng khoán Mỹ bật tăng trở lại và thúc đẩy các giới đầu cơ quay lại tăng mua trên cả hai sàn cà phê.

Ở 2 sàn giao dịch lớn cũng đồng loạt giảm sau 2 phiên tăng giá. Kết thúc phiên giao dịch mới nhất, giá cà phê Robusta trên sàn London giao tháng 7/2022 giảm 1 USD/tấn ở mức 2.136 USD/tấn, giao tháng 9/2022 giảm 2 USD/tấn ở mức 2.131 USD/tấn.

Còn giá cà phê Arabica trên sàn New York giao tháng 7/2022 giảm 3,55 cent/lb, ở mức 217,25 cent/lb, giao tháng 9/2022 giảm 3,55 cent/lb, ở mức 217,2 cent/lb.

Tuy vậy xu hướng tăng chưa chắc chắn. Nhiều nhà đầu tư còn trông đợi thêm tin tức từ Brazil, nhà sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn nhất thế giới. Kết quả phiên họp chính sách tiền tệ của Copom - Brazil với suy đoán mức tăng lần này sẽ là 1%, khiến cho thị trường quay đầu giảm nhẹ trong phiên vừa qua.

Các doanh nghiệp cần thay đổi để tiếp cận thị trường

Giới chuyên gia đang ra cảnh báo về một giai đoạn khó khăn của thị trường, khi biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự bùng phát dịch Covid-19 của Thượng Hải (Trung Quốc) đang khiến khoảng 15% số tàu neo đậu ngoài khơi chưa thể cập bến dỡ hàng. Đây là điều đáng ngại cho chuỗi cung ứng hàng hóa trong đó có cà phê trong ngắn hạn.

Trong khi đó lượng tàu biển nằm cảng của Los Angeles và Long Beach (Mỹ) vẫn cao. Tình hình các cảng ở châu Âu cũng không sáng sủa hơn bao nhiêu do ảnh hưởng trực tiếp từ cuộc xung đột Nga-Ukraine.

Hiện nay, thị phần cà phê thô đang dần bị thay thế bởi cà phê chế biến. Đa số người Hà Lan xem cà phê là thức uống không thể thiếu hàng ngày. Trước trước đại dịch Covid-19, người Hà Lan có thể đến tiệm để thưởng thức cà phê tươi.

Tuy nhiên, khi mọi người ở nhà nhiều hơn do Covid-19, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chế biến như cà phê hòa tan, rang xay gia tăng. Số lượng tiêu thụ cà phê chất lượng cao được bán ra tại siêu thị tăng gần 40% từ năm 2019 cũng do nguyên nhân này.

Dựa theo tình hình này, phân khúc sản phẩm cà phê pha sẵn và đóng gói để uống một lần được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng bên cạnh phân khúc cà phê đặc sản và cà phê được chứng nhận. Thương mại trực tiếp giữa các nhà rang xay nhỏ và các nhà sản xuất cũng được dự báo gia tăng.

Từ những nhu cầu này của khách hàng đòi hỏi các nhà sản xuất, thương mại Việt Nam cần thay đổi cách tiếp cận để bắt nhịp với thị trường.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Cà phê quay đầu giảm giá sau các phiên tăng liên tiếp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO