Xây dựng bản đồ địa chính dữ liệu thông tin về giá đất

Minh Phạm | 22:35 24/08/2022

Bản đồ địa chính dữ liệu thông tin về giá đất sẽ có những thông tin, dữ liệu về giá của tất cả các giao dịch thông qua sàn đấu giá, đấu thầu... Đây sẽ là giá thực, đầy đủ thông tin nhất về giá của từng thửa đất được giao dịch.

Xây dựng bản đồ địa chính dữ liệu thông tin về giá đất
Bản đồ địa chính dữ liệu thông tin về giá đất sẽ có những dữ liệu về giá của tất cả các giao dịch thông qua sàn đấu giá, đấu thầu... (Ảnh: Int)

Thị trường đất đai của Việt Nam hiện nay đang tồn tại cơ chế 2 giá đất: Một giá đất theo khung Nhà nước ban hành, là cơ sở để tính tiền đóng thuế hay tính giá đất đền bù giải tỏa dự án. Còn giá đất thứ hai được gọi là giá trên thị trường, thường cao hơn gấp nhiều lần so với khung giá.

Thực tế cho thấy, trong khi giá đất tại khu vực đó đang được giao dịch trên thị trường khoảng 100 triệu đồng/m2, nhưng khi đền bù với giá 20-30 triệu đồng/m2.

Sự chênh lệch rất lớn giữa 2 loại giá này đã gây ra nhiều hệ lụy khác nhau dẫn đến khiếu kiện, tham nhũng…

Có thể nhận thấy rằng, quản lý giá đất thuộc loại quan trọng và phức tạp nhất, do đó việc xác định giá đất theo thị trường không hề dễ dàng. Thực tế các bất cập trong quản lý đất đai hiện nay cũng sinh ra từ quản lý giá đất không đảm bảo tính phù hợp thị trường.

Hiện nay Bộ Tài nguyên và Môi trường đang dự thảo Luật Đất đai sửa đổi. Trong đó, Ban soạn thảo đã bỏ quy định về khung giá đất, thay vào đó Nhà nước quy định nguyên tắc, phương pháp định giá đất; ban hành bảng giá và quyết định giá đất cụ thể.

Việc định giá đảm bảo nguyên tắc theo mục đích và thời hạn sử dụng, phù hợp với giá đất phổ biến trên thị trường trong điều kiện bình thường; bảo đảm tính độc lập về chuyên môn, khách quan của kết quả định giá giữa cơ quan định giá, cơ quan thẩm định và cơ quan quyết định.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đã trả lời báo chí về bản chất của việc bỏ khung giá đất trong Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) sau 30 năm áp dụng.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, Luật Đất đai năm 2003 đã xác lập định giá đất thông qua các phương pháp tiên tiến để tiếp cận, phù hợp với giá thị trường. Tới năm 2013, Luật đặt ra vấn đề áp dụng các phương pháp định giá đất theo 5 phương pháp định giá, như so sánh, thặng dư, thu nhập, chiết trừ và hệ số... Việc này nhằm xác định giá đất phù hợp với thị trường.

Bộ trưởng Hà cho biết, tới Nghị quyết 18 của Trung ương đặt ra vấn đề "chính sách đất đai phải đồng bộ với thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Thực tế, việc đưa ra khung giá đất là chủ trương đúng đắn, nhưng giá trên thị trường luôn thay đổi, biến động... trong khi khung giá đất được xác lập 5 năm một lần. Khi khung giá không thay đổi linh hoạt theo thị trường đã ảnh hưởng tới giá, giá đất chi tiết và bảng giá đất.

“Do đó, chúng ta phải tiến thêm một bước là phải xác định giá đất phù hợp thị trường hơn và áp dụng phương pháp để đưa ra bảng giá đất theo thị trường hơn”, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường nói.

Hiện nay, bảng giá đất được giao cho địa phương xác định và khi có biến động giá đất thì địa phương sẽ quyết định điều chỉnh bảng giá đất.

Bộ trưởng Hà chia sẻ, Việt Nam sẽ hướng tới việc xây dựng bản đồ địa chính dữ liệu thông tin về giá đất, ở đó sẽ có những thông tin, dữ liệu về giá của tất cả các giao dịch thông qua sàn đấu giá, đấu thầu... Khi có bản đồ này, đây sẽ là giá thực, đầy đủ thông tin nhất về giá của từng thửa đất được giao dịch. Tức là không phải 5-10 năm, để cập nhật theo khung giá đất, mà khi có bản đồ này, người dân, doanh nghiệp có thể hàng ngày theo dõi thông tin giá đất.

Khi xây dựng được bản đồ dữ liệu thông tin giá đất, chúng ta sẽ áp dụng phương pháp để đưa ra giá trị trung bình trong thời điểm thị trường ổn định.

“Trong vòng 5 năm tới chúng ta sẽ có hệ thống định giá đất mới, còn hiện nay vẫn phải kết hợp 5 phương pháp xác định giá đất, và phương pháp dùng bảng giá * với hệ số biến động giá đất”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Xây dựng bản đồ địa chính dữ liệu thông tin về giá đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO